ClockThứ Tư, 02/06/2010 11:26

Ông Bính hồ tiêu

TTH - Cách đây 32 năm, năm 1978, đúng vào Ngày Quốc tế Lao động, có một chàng trai trẻ xứ Huế được những người có trách nhiệm ở địa phương giao trọng trách dẫn đầu một đoàn người từ biển lên rừng. Việc ấy, thời ấy người ta nói là đi kinh tế mới.


Vườn tiêu ở Ia blang

Nghe chuyện đi kinh tế mới ai mà chẳng kinh. Kinh hơn nữa lại là đến nơi rừng thiêng nước độc, ít dấu chân người lại qua và đầy rẫy bom mìn còn sót lại sau chiến tranh...Đó là vùng đất Ia Blang (Chư Sê- Gia Lai) ngày nay. Còn người trai trẻ kia là ông Hoàng Phước Bính, lúc đó ông là một xã đội trưởng ở quê hương Thủy Bằng (Hương Thủy) và lúc ấy, Hoàng Phước Bính tuổi đời mới chỉ...22. 

Thuở ấy, vùng đất ấy chẳng có một loại cây gì có thể mọc được trừ loài cỏ đuôi chồn và gai xấu hổ, nhưng hai loài cây ấy cũng chỉ sống được trong những tháng mùa mưa. Mùa khô ở Tây Nguyên, cây cỏ còn khô huống hồ là người; rồi đói, lạnh, đau ốm, con nít thất học...bao nhiêu thứ của rừng thiêng, nước độc tập trung dồn vào mấy trăm con người ly hương này.

Đã có người chết vì sốt rét ác tính và không ít gia đình lặng lẽ gồng gánh đi tìm vùng đất mới. Tuy nhiên, những cái khó, cái khổ ấy không “bó được cái khôn”. Chàng trai trẻ họ Hoàng xứ Huế kia đã cất công vận động và cùng mọi người tìm cho mình lối thoát, lối thoát ngày ấy mà bây giờ, người ta nói theo chữ nghĩa là “chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”. Năm, bảy anh em họ bàn nhau và nhất trí chung góp những đồng tiền ít ỏi lại rồi cùng nhau ra Bắc, vào Nam tìm cho được những loại cây, con... có thể trồng được, nuôi được trên vùng đất ấy để “di thực” về thay cho cây lạc, cây lúa, cây đậu... Cũng không ít lần họ thất bại, trắng tay vì cái sự “chuyển đổi” này. Nhưng rồi trời “cũng có mắt”, cây hồ tiêu Lộc Ninh đã đứng được với vùng đất mới, phía trước của sự giàu có đã dần hiện ra...
 
Trở lại Ia Blang lần mới đây, tôi đã chứng kiến sự giàu có thật sự của một vùng quê “xứ Huế”, và của cái “rốn” hồ tiêu Gia Lai, đường sá, nhà cửa, vườn tược, ruộng đồng, cây trái, đâu đâu và cái gì cũng thay đổi. Vùng đất này bây giờ chẳng còn ai đói, ai nghèo nữa.
 

Thu hoạch tiêu ở
Ia blang
 
Ngoài những cây trồng truyền thống, Ia Blang có trên 600ha hồ tiêu, năng suất của cây tiêu ở đây được xếp vào nhóm hàng đầu của Chư Sê- trên 6 tấn khô/ha. Với những gì trông thấy tại Ia Blang bây giờ, nếu không phải người trong cuộc, khó ai có thể biết được nơi này cách đây chưa xa là một vùng kinh tế mới nghèo xác nghèo xơ...
 
Cho đến cuối năm 2009, cả vùng Chư Sê (bao gồm cả Chư Pưh mới tách ra từ Chư Sê hôm cuối tháng 12 vừa rồi) đã có gần 4.000ha hồ tiêu, chiếm trên 70% diện tích hồ tiêu của toàn tỉnh Gia Lai và hồ tiêu Chư Sê được coi là năng suất, chất lượng hàng đầu Việt Nam, và cũng là thương hiệu duy nhất của ngành hồ tiêu Việt Nam.
 
Để có chừng ấy diện tích hồ tiêu, “chừng ấy” tên tuổi, những người con của Chư Sê gốc Huế như anh Bính cũng đã trải qua biết bao thăng trầm, nhưng cũng từ cái “rốn” tiêu Ia Blang của ông Chủ tịch UBND xã Hoàng Phước Bính  đã phát triển ra toàn huyện, rồi toàn tỉnh Gia Lai, đem lại cho người trồng tiêu sự ấm no, giàu có. Làm ăn có thành, có bại trong cơ chế thị trường ngày nay cũng là chuyện thường ngày của nông dân, nhưng việc biết kiên trì, biết tính toán ... thì cơ chế nào rồi cũng được người nông dân khuất phục. Cây hồ tiêu và người dân Ia Blang- người dân xứ Huế của ông Chủ tịch Bính là một minh chứng đấy thôi!
 
Cách đây vài ngày, thăm nhà ông Bính ở Chư Sê, tôi được gia chủ đón tiếp vẫn theo kiểu riêng của mình như những năm 1993, 1994...của thế kỷ trước: mấy lon bia Huda của Huế, vài thứ thức nhắm nhẹ, và những câu chuyện triền miên như muôn thuở - chuyện làm ăn... từ cách trồng cây hồ tiêu, cách người dân Ia Blang bán giống tiêu, cách chăm sóc, bảo vệ cây tiêu, chuyện dùng cọc xi-măng, xây trụ gạch làm choái trồng tiêu thay cho cây rừng, đến chuyện thị trường mua bán, chế biến tiêu rồi chuyện hợp tác làm ăn sao cho có sức mạnh, có hiệu quả...
 

Tác giả (bên phải ) trò chuyện cùng ông Hoàng Phước Bính
 
Từ những câu chuyện như thế, ông Bính chuyển qua chuyện xây dựng huyện, xây dựng xã, xây dựng làng sao cho giàu, cho đẹp... Ông làm giống như tôi vẫn là người lãnh đạo cấp trên của ông và ông vẫn như là một chủ tịch xã ngày nào báo cáo chuyện lãnh đạo, quản lý địa phương, rồi chuyện lo cho dân như thế nào để...xin ý kiến chỉ đạo. Người ta nói ông là người của công việc, người của hồ tiêu quả không sai.
 
Tôi để ý, tóc của chàng trai trẻ năm xưa kia giờ đã bạc gần hết, chỉ có mẫu người của công việc là không thay đổi, với chức trách Phó Chủ tịch Hiệp Hội hồ tiêu Chư Sê, giờ đây ông Bính vẫn còn nhiều trăn trở cho công việc mình làm, thấy mình đóng góp chừng ấy cho làng, cho xã, cho dân vẫn còn ít lắm...
 
Bây giờ, chàng trai trẻ họ Hoàng tên Bính ngày nào bước vào tuổi...55. Nhớ lại những gì mình đã làm được cho mình cho thiên hạ, ông mừng lắm; và tôi nghĩ là ông cũng có quyền tự hào mình là người của xứ Thần Kinh, đem sức, đem tài cống hiến cho một vùng đất mới-  nơi mà ông coi như đã gắn bó cả cuộc đời mình ở đó!
 
Đoàn Minh Phụng
(TBT báo Gia Lai)

                                   

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ gìn hình ảnh du lịch Huế: Mạnh tay nhưng cần sự chung tay

Huế được biết đến với một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại nhiều “con sâu” làm rầu môi trường du lịch. Những vụ việc "chặt chém", "chèo kéo" khách làm du lịch Huế mất điểm trong mắt du khách, dù đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời. Sự kiên quyết, mạnh tay từ chính quyền địa phương và ngành du lịch thôi là chưa đủ, muốn giữ gìn hình ảnh du lịch Huế, rất cần sự chung tay từ các cấp, ngành, người dân.

Giữ gìn hình ảnh du lịch Huế Mạnh tay nhưng cần sự chung tay
Nâng cao kỹ năng quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng

Lớp tập huấn quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch thông qua kỹ năng xây dựng video, clip do TX. Hương Thủy tổ chức diễn ra ngày 17/4 tại xã Dương Hòa. Đông đảo cán bộ, hội viên Chi hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, chủ cở sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thị xã tham dự.

Nâng cao kỹ năng quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng
Sẵn sàng cho mùa du lịch biển

Khởi động mùa du lịch biển và chương trình “Thuận An Biển gọi năm 2024”, tại bãi tắm Thuận An, UBND TP. Huế và phường Thuận An đã và đang hoàn thiện hạ tầng, chỉnh trang khuôn viên bãi tắm cũng như kiện toàn các tổ bảo vệ, cứu hộ… nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.

Sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Nỗi niềm người dân làm du lịch

Dịch vụ du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển đúng định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng du lịch thế giới là chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.

Nỗi niềm người dân làm du lịch
Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

Thu hút khách quốc tế và đầu tư dịch vụ trong nhiều trường hợp như vướng vào bài toán “con gà, quả trứng”. Nhưng để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, chuyện đầu tư dịch vụ xứng tầm vô cùng quan trọng.

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế
Return to top