ClockThứ Tư, 24/12/2014 16:52

Phát triển Huế thành đô thị du lịch

TTH - Điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định quá nhiều mục tiêu, chất lên vai Huế nhiều trọng trách ngoài vai trò du lịch – di sản, dẫn đến những lựa chọn khó khăn cho giải pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị.

Mục tiêu phát triển Huế trở thành đô thị du lịch đã được xác định từ năm 2001 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Sức hút di tích Huế. Ảnh: Nguyễn Đăng Hạnh

Từ đó đến nay, gần 15 năm qua, mục tiêu đó đã được khẳng định nhiều lần tại các chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch quốc gia và tỉnh Thừa Thiên Huế.Tuy nhiên, việc phát triển đô thị Huế chưa đạt mục tiêu đặt ra đối với một đô thị du lịch.

Lúng túng trong việc chọn mũi nhọn

Nguyên nhân là nhận thức còn sự lúng túng trong việc lựa chọn tiền đề, động lực mũi nhọn cho sự phát triển của đô thị, đôi khi xung đột với mục tiêu chính của một đô thị du lịch. Bên cạnh đó, là thiếu phương pháp quy hoạch phát triển Huế phù hợp với đô thị du lịch. Cuối cùng là việc phát triển Huế trở thành đô thị du lịch thiếu tiêu chí phù hợp. Mặc dù Luật Du lịch năm 2005 đã xác định những tiêu chí phát triển đô thị du lịch; quy định quản lý quy hoạch xây dựng (QHXD) đô thị phải tuân thủ định hướng phát triển du lịch được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Điều 33). Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển đô thị phải tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Nghị định 42/2009/NĐ-CP về phân loại đô thị lại thiếu quy định đối với đô thị đặc thù, trong đó có đô thị du lịch.

Áo dài, nét di sản Huế. Ảnh: Nguyễn Hữu Hài

Để thực hiện mục tiêu phát triển Huế trở thành đô thị du lịch theo các chiến lược, định hướng đã được phê duyệt, cần thống nhất về nhận thức đô thị du lịch. Đó là đô thị tập trung nhiều tài nguyên du lịch và có lợi thế để phát triển du lịch; du lịch là hoạt động kinh tế, xã hội chủ yếu của đô thị.

Phát triển du lịch và phát triển đô thị du lịch luôn song hành, hỗ trợ lẫn nhau. Đô thị du lịch có cơ cấu chức năng, cơ sở vật chất, kỹ thuật ngoài tính hấp dẫn thu hút khách du lịch, còn cung cấp các dịch vụ cần thiết cho hoạt động du lịch tại đô thị. Mặt khác bảo vệ tài nguyên, môi trường, phát triển hợp lý cơ sở kinh tế, kỹ thuật hạ tầng đô thị luôn mang lại lợi ích cho dân cư đô thị và tạo sức hấp dẫn du lịch của đô thị.

Yêu cầu cho đô thị du lịch

Theo quy định của Luật Du lịch (Điều 31) năm 2005, đô thị du lịch phải bảo đảm: Có tài nguyên du lịch hấp dẫn trong ranh giới đô thị hoặc trong ranh giới đô thị và khu vực liền kề; Có cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất – kỹ thuật du lịch đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch; có cơ cấu lao động phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch; Ngành du lịch có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của đô thị.

Theo đó, những yêu cầu cụ thể đối với đô thị du lịch là phải nằm trong quy hoạch phát triển du lịch trọng điểm quốc gia, vùng ưu tiên phát triển du lịch; phát triển ngành du lịch bảo đảm tổng thu nhập chiếm tỷ lệ cao trong GDP của thành phố (kinh nghiệm quốc tế là trên 15%); lao động trực tiếp và gián tiếp trong ngành du lịch chiếm từ 10 - > 30% tổng số lao động đô thị, có ý nghĩa quyết định đến hình thái tổ chức sản xuất, dân cư đô thị du lịch; các cấp, ngành quan tâm ưu tiên đầu tư vào du lịch đô thị, với các dự án quy mô và tầm quan trọng từ cấp quốc gia đến quốc tế, nhằm tạo động lực thúc đẩy du lịch đô thị phát triển nhanh. Bên cạnh đó, cần có tài nguyên phát triển du lịch tự nhiên, nhân văn có giá trị hấp dẫn. Lượng khách quốc tế, khách nội địa, bảo đảm yêu cầu theo chỉ tiêu phát triển ngành, về tổng lượt khách quốc tế, nội địa, tăng trưởng khách trung bình, số ngày lưu trú bình quân, tổng lượt khách đạt chỉ tiêu quy hoạch hàng năm. Ngoài cơ sở hạ tầng đô thị bảo đảm về hệ thống giao thông đối ngoại, hệ thống giao thông đối nội, hệ thống cấp điện, cấp nước sạch, hệ thống thông tin liên lạc,… thì cơ sở dịch vụ - thương mại phải bảo đảm có Trung tâm hội thảo, hội nghị quốc tế; trung tâm triển lãm, hội chợ; Khu vui chơi giải trí, biểu diễn văn hóa nghệ thuật…

Đặc biệt khâu quản lý kinh doanh du lịch cần có chương trình hành động quảng bá, xúc tiến trung tâm tư vấn du lịch tại các trung tâm đô thị, đầu mối giao thông; tổ chức hội chợ, hội thảo hội nghị, các ngày văn hóa, lễ hội kết hợp xúc tiến quảng bá du lịch. Có trang web về du lịch đô thị, cập nhật thường xuyên các thông tin giao thông; Có dịch vụ cung cấp thông tin du lịch miễn phí qua điện thoại; Có chương trình quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng….

Một số đề xuất

Xét về mọi điều kiện, Huế đang ở trong thời cơ hết sức thuận lợi để đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu phát triển thành đô thị du lịch. Thừa Thiên Huế, cần có sự điều chỉnh, bổ sung về công tác quy hoạch phát triển đô thị Huế trên quan điểm mục tiêu phát triển du lịch làm động lực chủ đạo cho đô thị Huế.

Căn cứ những yêu cầu, điều kiện phát triển của đô thị du lịch, Huế cần được rà soát, điều chỉnh, quy mô, ranh giới phát triển. Về không gian, cần thiết bổ sung khu vực có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vùng lân cận ngoài ranh giới hành chính hiện nay. Quy mô đến đâu phụ thuộc và bán kính từ khu trung tâm ra ngoài vùng lân cận theo tuyến du lịch về quy mô dân số, lưu ý tính toán theo số khách du lịch có khả năng đón tiếp hằng năm. Số du khách phụ thuộc vào sự hấp dẫn của tài nguyên du lịch và cơ sở dịch vụ hạ tầng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Như vậy, quy mô dân cư đô thị Huế sẽ không còn theo tiêu chí của đô thị loại I. Cần có giải pháp giãn dân về các đô thị vệ tinh, đô thị độc lập trong vùng tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cần xác định du lịch văn hóa – sinh thái là động lực chủ yếu phát triển đô thị Huế; dự báo nguồn thu đô thị từ du lịch làm cơ sở dự báo phát triển các ngành kinh tế, dịch vụ, cân đối nguồn lực và lao động; điều chỉnh lực lượng lao động trong vùng thành phố, gắn với việc điều chỉnh cơ cấu không gian chức năng phù hợp với đô thị du lịch. Cơ sở hạ tầng đô thị phải căn cứ tiêu chí, điều kiện của đô thị du lịch để đầu tư xây dựng.

Đánh giá, phân loại, xác định tài nguyên tự nhiên: cảnh quan, danh thắng, yếu tố tự nhiên,… tài nguyên nhân văn khác ngoài di sản văn hóa thế giới hấp dẫn khách du lịch; có kế hoạch bảo tồn khai thác hợp lý, không làm giảm độ hấp dẫn của tài nguyên.

Cần xây dựng và ban hành quy chế quản lý phát triển đô thị du lịch (theo quy định của Luật Du lịch).

Việc điều chỉnh bổ sung trên chỉ có thể thực hiện được khi gắn với quá trình lập quy hoạch đô thị Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó Huế là một đô thị đặc thù (đô thị du lịch) dưới sự hướng dẫn của các Bộ, Ngành như bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

TS.KTS Lê Trọng Bình (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếc cho một điểm dừng chân thơ mộng

Trong khi vườn hoa hướng dương toả sắc vàng nằm ở khu đất cạnh lòng hồ Khe Ngang thuộc thôn Chầm (phường Hương Hồ, TX. Hương Trà) được người dân, du khách đến tham quan trầm trồ khen ngợi thì chủ nhân của nó lại ngậm ngùi vì vườn hoa sẽ bị tháo dỡ trong nay mai.

Tiếc cho một điểm dừng chân thơ mộng
Suối Tiên – không gian nguyên sơ hấp dẫn du khách

Suối Tiên – một trong những không gian du lịch còn khá hoang sơ nằm sâu trong lòng hồ Thủy Yên thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc không chỉ có cảnh sắc thơ mộng, sự bình yên vốn có của núi rừng thời gian gần đây trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.

Suối Tiên – không gian nguyên sơ hấp dẫn du khách
Du lịch Thủy Yên: Trải nghiệm lòng hồ và suối thác hoang sơ

Không chỉ là công trình thủy lợi phục vụ cấp nước tưới cho hàng ngàn hecta lúa và hoa màu, hồ Thủy Yên nằm trên địa bàn xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc giờ đây nổi tiếng là điểm đến du lịch. Từ dưới chân hồ, những chiếc thuyền du lịch đón khách ngắm cảnh giữa lòng hồ, ngược theo dòng nước đi sâu vào những suối thác với vẻ đẹp thơ mộng hoang sơ.

Du lịch Thủy Yên Trải nghiệm lòng hồ và suối thác hoang sơ
A nor hút khách gần, xa

Từ một địa điểm hoang sơ, thác A nor (xã Hồng Kim, huyện A Lưới) trở thành điểm đến hấp dẫn khi du khách ghé thăm miền sơn cước này. Mô hình du lịch cộng đồng tại đây đã tạo ra sinh kế cho người dân.

A nor hút khách gần, xa
Tây Nguyên mùa nắng nhẹ

Cuối tháng mười, tôi bắt gặp những hình ảnh xưa cũ ở những đô thị Tây Nguyên vừa như đang ngái ngủ vừa như đang cựa mình. Những hình ảnh thấp thoáng sau vạt nắng nhẹ sắp sửa mùa khô vốn chỉ đủ sưởi ấm một nửa tán lá cây. Nửa còn lại đương ủ sương chưa vội tan đi.

Tây Nguyên mùa nắng nhẹ

TIN MỚI

Return to top