ClockChủ Nhật, 01/05/2011 05:42

Phố núi cao và những di dân người Huế...

TTH - Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc, một bộ phận khá lớn dân Thừa Thiên Huế được đưa đi xây dựng cuộc sống mới tại Tây Nguyên. Vượt qua muôn trùng khó khăn của những năm tháng đầu tiên, người Huế-như mọi người vẫn quen gọi gọn như thế - đã vươn dậy. Không chỉ ổn định cuộc sống, có người còn trở thành tỷ phú nơi vùng đất mới. Cộng đồng người Huế ở Chư Sê (Gia Lai) là một ví dụ.
Thông tin liên quan:
 
>> Ông Bính hồ tiêu
 
 
 
Cuối tháng 3/2011, chúng tôi tái ngộ Pleiku-thành phố cao nguyên vốn dĩ đã trở nên nổi tiếng qua nhạc phẩm “Còn chút gì để nhớ” của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ thơ Vũ Hữu Định. Như một phản xạ tự nhiên, bỗng dưng, môi ai cũng thốt lên khe khẽ “Phố núi cao phố núi đầy sương/ Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn/Anh khách lạ đi lên đi xuống/May mà có em ...”. Vẫn là những con phố trập trùng dốc núi, những em gái hây hây má đỏ môi hồng, nhưng Pleiku bây giờ không hề “buồn”. Từ một thành phố nhỏ với dân số chừng 4 vạn của những năm trước giải phóng, nay Pleiku đã là một đô thị lớn của bắc Tây Nguyên với hơn 20 vạn dân, diện tích 26.166,6 ha, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá-xã hội của tỉnh Gia Lai. Thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế 15,2% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 850USD. Gần 90% dân số được dùng nước sạch. Hơn 99,21% số hộ dân được sử dụng lưới điện quốc gia...


Ông Hoàng Phước Bính (áo trắng) đưa khách đi thăm vườn tiêu ở Ia Blang

 

Đêm Pleiku gợi trong mỗi chúng tôi nhiều cảm xúc khó tả. Gió từ đâu cứ ào ào không ngớt. “Gặp em trên cao lộng gió, rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ...”. Những ca từ trong nhạc phẩm “Lá đỏ” của Hoàng Hiệp chợt ngân nga đâu đó gợi nhớ một thời chiến trận oai hùng của cha anh. Cũng những ngày tháng 3 lịch sử này cách đây đúng 36 năm, cả thành phố Pleiku ùng oàng tiếng súng. Pháo binh, đặc công, các đơn vị bộ đội của ta với quân số không lớn đã thực hiện xuất sắc vai trò nghi binh của chiến dịch. Quân đoàn II của tướng nguỵ Sài Gòn Phạm Văn Phú như gặp phải ác mộng, mất ăn mất ngủ và buộc phải phạm sai lầm chiến lược khi dồn quân bảo vệ Pleiku. Kết cục, địch mất Buôn Ma Thuột và rút chạy tán loạn khỏi Tây Nguyên. Cả hệ thống nguỵ quyền Sài Gòn rúng động để rồi sụp đổ sau đó chỉ hơn 1 tháng. Người Kinh, người Gia Rai, Ba Na... của Pleiku cùng với anh em các dân tộc khác của Tây Nguyên đã hoà chung niềm vui thắng trận, cùng với cả nước bước vào một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập, thống nhất và Chủ nghĩa xã hội...
 
Từ Pleiku, chúng tôi theo Quốc lộ 14 xuôi về Nam. Tổng Biên tập Báo Gia Lai Đoàn Minh Phụng theo chân tiễn, và vì là những người bạn Huế, nên trước khi qua địa giới tỉnh Đắc Lắc, anh mời chúng tôi ghé thăm Chư Sê, nơi một thời anh từng làm Bí thư Huyện uỷ, nơi một bộ phận khá lớn bà con Thừa Thiên Huế đã lên đây lập nghiệp ngay từ những ngày sau giải phóng, và bây giờ đã trở thành một cộng đồng dân cư khá lớn, làm ăn giỏi và có những đóng góp không hề nhỏ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương...
 
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 3 tầng thoáng rộng của mình ở thôn 5, xã Ia Blang, ông Lê Phước Tuấn vui vẻ bưng ra thẩu rượu bổ mời mọi người uống vài ba chung cho giãn gân giãn cốt, riêng ông thì ngồi... nhìn và cười. Hỏi ra, ông không uống được rượu. Rượu sắm để tiếp khách cho vui. 

Như nhiều bà con khác, ông Tuấn đưa gia đình vào Chư Sê từ năm 1977. Đôi mắt ông như trở nên xa xăm khi hồi tưởng về những ngày đầu tiên ấy. Xe đưa vào, đổ xuống, nhìn núi rừng âm u, bạt ngàn cây mắc cỡ, bạt ngàn... gió mà phát sợ. Vợ chồng, anh em, bà con láng giềng động viên nhau dựng nhà, vỡ đất. Thoạt đầu là trồng khoai, lạc, đậu đỗ, lúa rẫy, sắn, bắp... để tiếp nối cái ăn sau khi dùng hết tiêu chuẩn hỗ trợ hộ đi kinh tế mới của Nhà nước cấp. Rồi sau nữa mới tính kế lâu dài. Con đường nối từ Quốc lộ 14 rẽ vào Ia Blang nguyên chỉ là một con đường đất nhỏ, gập ghềnh. Ngày nắng đi lại đã nhọc, ngày mưa lại càng... khủng khiếp hơn. Đất bazan dẻo dẹt, cứ dính bết vào dép, vào chân không nhấc nổi. Bà con bảo, đó là vì đất quá... yêu người. Bây giờ thì đùa vui vậy, chứ hồi ấy thì là cả nỗi ám ảnh, nhất là cho chuyện đi lại học hành của con cháu, cho việc đưa người đi viện nếu nhỡ có ốm đau cấp cứu...



Ông Lê Phước Tuấn (thứ 2-trái sang) đón khách trong ngôi nhà 3 tầng của ông ở thôn 5-Ia Blang

 
Con đường đến năm 1994 thì được đổ cấp phối. Bảy năm sau- năm 2001- thì được láng nhựa. Trở lại chuyện ngày đầu “mở cõi”, ông Tuấn chỉ tay về phía ông Hoàng Phước Bính: “Vị nớ tề, công lớn lắm”. Ông Bính vóc người vạm vỡ, giọng nói oang oang hào sảng. Ông quê ở xứ Tuần - xã Thuỷ Bằng (Hương Thuỷ). Năm 1977, ông đang làm công tác xã đội tại địa phương thì được giao nhiệm vụ dẫn đoàn đi kinh tế mới. Giữa khó khăn chồng chất, ông Bính lại càng quyết thể hiện tinh thần tiên phong gương mẫu của người cán bộ đảng viên. Vùng đất nơi rải dân đầu tiên không đáp ứng đủ nhu cầu đất sản xuất, ông lại lầm lũi vác ba lô lên đường đi tìm đất mới cho bà con. Tìm được đất, về báo. Bà con bảo: Anh đi thì bà con tui mới đi. Ừ, thì đi. Gia đình ông dẫn đầu để bà con đi theo. Đó là năm 1983. Nơi đất mới mọc toàn loài cây mắc cỡ, xanh lút đầu người. Nhưng kinh nghiệm mách bảo, vùng nào cây mắc cỡ mọc nhiều, đích thị vùng đó đất tốt. Ông Bính cùng bà con cần mẫn vỡ đất lập làng, và nơi đó nay là thôn 6 của Ia Blang.
 
Sắn khoai, bắp đậu chỉ chống được đói, đảm bảo cái ăn chứ khó làm giàu. Không bằng lòng an phận, năm 1986-1987 ông Bính lại cùng lãnh đạo Ia Blang lên đường tìm và đưa hồ tiêu về trồng thử. Cây tiêu từ xứ Lộc Ninh-Sông Bé, Vĩnh Linh-Quảng Trị như bén duyên cùng Ia Blang, và sau đó lan rộng khắp Chư Sê, làm nên một cuộc đổi đời thực sự không chỉ cho nhiều hộ gia đình người Huế.
 
Dẫn chúng tôi vào thôn 6, nơi mà cách đây 28 năm ông Bính đến để làm... tổ khai canh. Chiếc xe chạy mãi, bốn bề cứ vẫn thấy ngút ngàn những vườn tiêu, kéo dài như bất tận. Dừng xe, vào một vườn tiêu bên đường, cọc nào cọc nấy cứ tíu ta tíu tít những trái và trái từ gốc cho đến ngọn. “Từ lúc xuống giống cho đến lúc có trái chừng 39 tháng. Chăm sóc tốt, cây tiêu có thể thọ tới 24 năm. Tiêu ra hoa đầu mùa mưa, khoảng tháng 5, tháng 6 dương lịch. Mười tháng sau thì thu hoạch được.”-Ông Bính giảng giải. Chỉ tay vào cọc tiêu đứng cạnh, ông Bính nói giọng vui vẻ: “Tốt thế này, với giá 140 ngàn mỗi kg như năm nay, mỗi cọc vầy sẽ cho người trồng 700 ngàn. Cứ 2.000 cọc mỗi ha, các anh nhân thử”. Vườn tiêu của ông Lê Phước Tuấn mà lúc nãy chúng tôi ghé thăm rộng 1ha. Năm nay thu hoạch 6 tấn. Bỏ bọc chừng 1 tỷ. “Hộ như anh Tuấn, người Huế mình ở đây có khoảng vài trăm-giọng ông Bính phấn chấn - Còn lãi ròng cỡ 500 triệu thì nhiều, tính riêng thôn 6 thôi cũng vài ba chục hộ. Cũng còn một ít hộ khó khăn, nhưng khó là khó vậy, chứ nhà nào một mùa tiêu ít nhất cũng có trong tay vài ba tấn”.
 
Thăm hộ ông Tuấn chúng tôi đã thấy khí thế cho dân Huế, nhưng chưa hết, ghé nhà anh Nguyễn Văn Luyến cách đó không xa mới “khủng”. Người đàn ông quê gốc Phú Thượng (Phú Vang) này tuổi áng chừng chưa tới 50 nhưng đang sở hữu một ngôi nhà với nội thất toàn đồ danh mộc cực kỳ sang trọng. Lúc chúng tôi đến, anh bảo năm này anh làm tiêu ít thôi, thu hoạch chỉ khoảng... 35-40 tấn! Nghĩa là gấp chừng 7 lần hộ ông Tuấn. Mà bảo “ít” là thật lòng, bởi như năm 2008, nghe nói anh Luyến trồng tới 7ha tiêu, thu về 65 tấn!



 

Tỷ phú hồ tiêu Nguyễn Văn Luyến (phái) tặng TBT Báo T.T.Huế Đinh Khắc An giò lan rừng

 

 
Tiêu Chư Sê bây giờ đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng tầm quốc tế. Còn ông Bính thì đã rời chính trường cấp... xã để đảm trách chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê-địa phương hiện đang có tới 2.100 ha hồ tiêu, thuộc hàng lớn nhất Tây Nguyên. Ngôi nhà của ông Bính giờ toạ lạc bên cạnh Quốc lộ 14 - ngay trung tâm thị trấn Chư Sê - rộng đến nổi xây được cả sân bóng đá mi ni, hồ bơi công cộng trong khuôn viên vườn nhà... Ông có 5 người con thì người nào cũng được cho học hành tử tế. Người con đầu bây giờ đã là thạc sỹ và đang làm nghề nhà giáo, người kế tiếp thì chuyên làm dịch vụ du lịch-nhà hàng...”. Người Huế mình chiếm chừng 20% dân số của Chư Sê. Rất mừng là bà con nói chung bây giờ đều khá cả. Nhiều nhất là ở Ia Blang, người Huế chiếm 1/2; tiếp nữa là ở Ia Hlốp, Ia Glai, khu vực thị trấn... Hội đồng hương cũng được vận động thành lập và chính thức đi vào hoạt động cách đây 8 năm. Anh em gặp nhau vào mồng 8 Tết hàng năm, gắn kết thêm tình quê hương làng xóm. Hội cũng đã xây dựng được quỹ khuyến học để thưởng cho các cháu học giỏi, cũng là để khích lệ tinh thần học tập trong con em xứ Huế của mình...”. Ông Bính thủ thỉ.
 
Tại Chư Sê, với con số hơn 30.000, người Huế hiện chiếm khoảng 20% dân số toàn huyện. Bà con lên đây theo chương trình kinh tế mới sau 1975, chủ yếu là dân từ các xã của huyện Hương Phú cũ (nay là thị xã Hương Thuỷ và huyện Phú Vang). Đã thành thông lệ, hàng năm lãnh đạo của Phú Vang, Hương Thuỷ vẫn thường tổ chức các đoàn lên thăm, chúc tết bà con đồng hương và lãnh đạo huyện Chư Sê...
Mà đâu chỉ có hồ tiêu, dân Huế vô đây còn làm cà phê, chăn nuôi.... Tiếc là thời gian không cho phép, chúng tôi hẹn với ông Bính dịp khác vào sẽ nhờ ông dẫn tới thăm bác sĩ Phú. Bác sĩ, nhưng có thêm nghề chăn nuôi tay trái với đàn bò khoảng 2.700 con. Lãi ròng tính theo ngày, mỗi ngày sơ sơ có... 5 triệu đồng! Nguyên Bí thư Huyện uỷ Chư Sê Đoàn Minh Phụng bảo, Chư Sê cứ như “hiệp chủng quốc”. Dân từ nhiều nơi đến tụ cư. Cứ mỗi lần về quê, học được cái gì hay là đem lên. Thử thấy được là áp dụng, nhân rộng liền. Bà con nhanh khá là cũng vì vậy. Anh Phụng không nói ra, nhưng tôi nghĩ, trong đánh giá của anh, ít nhiều người Huế cũng được giành một phần quan trọng. Chỉ riêng chuyện tìm, mang về và nhân rộng giống hồ tiêu, để bây giờ hồ tiêu Chư Sê nổi tiếng thơm ngon hàng đầu thế giới, để bây giờ nói đến Chư Sê là nói đến hồ tiêu, nói đến hồ tiêu là nhớ Chư Sê. Chừng ấy thôi, người Huế chẳng xứng được trân trọng lắm sao?
 
Ba mươi sáu năm sau ngày đất nước thống nhất, cũng xấp xỉ từng ấy năm kể từ lúc vượt núi băng đèo lên vỡ đất lập nghiệp, Chư Sê bây giờ đã trở thành quê hương thứ hai của một bộ phận con dân Thừa Thiên Huế. Hỏi có nhắn gửi gì với quê nhà không? Bà con cười, chỉ mong Huế mình cũng sẽ nhanh giàu mạnh, và cố gắng thỉnh thoảng vô thăm để bà con ấm lòng...

Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi động mùa du lịch “Huế - Chào hè 2024”

Tối 19/4, tại phố đi bộ đường Hai Bà Trưng (TP. Huế), Sở Du lịch tổ chức sự kiện “Huế - Chào hè 2024”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Festival Huế 2024, nhằm tạo không khí tươi vui, phấn khởi, chào đón một mùa du lịch hè hấp dẫn, đồng thời tạo hiệu ứng truyền thông thu hút khách du lịch đến tham quan tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến dự chương trình có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Khởi động mùa du lịch “Huế - Chào hè 2024”
Giữ gìn hình ảnh du lịch Huế: Mạnh tay nhưng cần sự chung tay

Huế được biết đến với một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại nhiều “con sâu” làm rầu môi trường du lịch. Những vụ việc "chặt chém", "chèo kéo" khách làm du lịch Huế mất điểm trong mắt du khách, dù đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời. Sự kiên quyết, mạnh tay từ chính quyền địa phương và ngành du lịch thôi là chưa đủ, muốn giữ gìn hình ảnh du lịch Huế, rất cần sự chung tay từ các cấp, ngành, người dân.

Giữ gìn hình ảnh du lịch Huế Mạnh tay nhưng cần sự chung tay
Nâng cao kỹ năng quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng

Lớp tập huấn quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch thông qua kỹ năng xây dựng video, clip do TX. Hương Thủy tổ chức diễn ra ngày 17/4 tại xã Dương Hòa. Đông đảo cán bộ, hội viên Chi hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, chủ cở sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thị xã tham dự.

Nâng cao kỹ năng quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng
Sẵn sàng cho mùa du lịch biển

Khởi động mùa du lịch biển và chương trình “Thuận An Biển gọi năm 2024”, tại bãi tắm Thuận An, UBND TP. Huế và phường Thuận An đã và đang hoàn thiện hạ tầng, chỉnh trang khuôn viên bãi tắm cũng như kiện toàn các tổ bảo vệ, cứu hộ… nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.

Sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Return to top