ClockThứ Năm, 01/10/2020 19:46

Phố Tây nhớ… khách Tây

TTH.VN - Khu phố Tây nổi tiếng Huế sau một thời gian dài im ắng, thưa thớt khách do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì này đã dần trở lại với nhịp sống sôi động, sầm uất vốn có. Nhiều cửa hàng, quán sá bắt đầu phục hồi việc kinh doanh, mua bán. Những đêm cuối tuần dòng người đổ về đây đi bộ, dạo chơi trở nên đông đúc hơn.

Làm mới phố TâyĐường phố dần phong quang

Dù hoạt động trở lại nhưng phố Tây vẫn vắng khách Tây nên việc kinh doanh vẫn gặp khó khăn

Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ, khi một trong những thành phần tạo nên bản sắc cho tuyến phố vui nhộn này – đó là những vị khách quốc tế – chưa trở lại. “Hy vọng rằng, những vị khách Tây sẽ quay trở lại đây sớm nhất có thể. Có như thế, linh hồn con phố này mới sống động một cách đúng nghĩa”, anh Nhật Bình, chủ một cửa hàng lưu niệm bên trong khu phố Tây này nói. Theo lời anh Bình, một khi những chuyến bay quốc tế đang dần được nối lại, hy vọng đó sẽ không còn xa.

Đêm cuối tuần, từ bên ngoài đường Võ Thị Sáu, một rào chắn cách điệu được dựng lên báo hiệu cho du khách và người dân rằng khu phố Tây, Phạm Ngũ Lão – Võ Thị Sáu – Chu Văn An hoạt động trở lại sau hai đợt dịch COVID-19 kéo dài đằng đẳng khiến hầu hết các dịch vụ bị “tê liệt”.

Bước qua khỏi rào chắn đó, nhiều nhà hàng, quán sá đã mở cửa, sáng đèn trở lại với đông đảo du khách, người dân. Thế nhưng, hầu hết trong số những người có mặt ở khu phố này là người địa phương và du khách trong nước. Trong khi đó, lượng khách tạo nên đặc trưng cho tuyến phố này là khách quốc tế chỉ lưa thưa một vài người. Đa số họ công tác ở đây từ trước khi chưa có dịch, hoặc một vài người vì nhiều lý do nên mắc kẹt lại và ở đây trong suốt nhiều tháng qua.

Anh Nhật Bình bảo rằng, dù thấy vui khi khu phố nhộn nhịp trở lại nhưng chừng đó là chưa đủ. Trước đó, khi chưa có dịch, khu phố này cũng nhộn nhịp hơn rất nhiều lần với hình ảnh quen thuộc của từng nhóm du khách quốc tế đi ngày nào cũng đi qua đi về cửa hàng lưu niệm của anh.

“Có người ở đây cả tháng, thậm chí nhiều tháng liền đến nỗi quen mặt. Chính nhờ họ mà khu phố này có sự riêng biệt và tạo nên dấu ấn của Huế. Nhưng vì lý do dịch nên họ phải hồi hương – anh Bình nhớ lại và mong rằng – khi những ngày dịch bệnh lắng xuống, hy vọng thời gian gần nhất có thể, những vị khách đó sẽ quay trở lại, để khu phố này trở thành khu phố Tây đúng nghĩa”.

Theo anh Bình, cũng chính nhờ khách Tây nên việc buôn bán, làm ăn ở đây phát triển. Vì thế, người kinh doanh khu phố này chỉ biết trông chờ dịch bệnh kết thúc, những du khách ở một số nước quay trở lại du lịch. “Đợt dịch kéo dài, không có khách nước ngoài nên việc buôn bán ế ẩm. Những ai duy trì được thì cũng mất đi 70-80% doanh thu, còn nặng nề hơn có người còn phải trả lại mặt bằng”, anh Bình nói.

Hình ảnh du khách nước ngoài trên phố Tây khi chưa có dịch. 

Cũng như anh Bình, nhiều chủ các cửa hàng, quán ăn trên khu phố này cho rằng Việt Nam đang kiểm soát dịch rất tốt nên hy vọng phố Tây sẽ sớm trở lại như trước. Chủ một cửa hàng ẩm thực ở khu phố Tây đoạn đường Võ Thị Sáu cho hay, với cách kiểm soát dịch như hiện nay, hy vọng sẽ sớm đón khách quốc tế. Vì thế, thời điểm này việc kinh doanh cũng được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng.

“Phố Tây đã trở thành một thương hiệu. Vì thế khách nước ngoài hay thậm chí khách trong nước khi đến Huế cũng tìm đến đây. Chúng tôi đang rất trông chờ điều này, và cũng tính toán lại để có phương án phục vụ khách một cách chu đáo nhất”, người này nói và mong du khách quốc tế sẽ đông đúc để những ai kinh doanh trong khu phố Tây cũng có thể buôn bán ổn định, bình thường như trước.

Ông Dương Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hội, kiêm Phó Ban quản lý Khu phố đi bộ Chu Văn An – Võ Thị Sáu – Phạm Ngũ Lão cho biết, toàn khu phố có hơn 100 hộ kinh doanh cá thể và khoảng 30 doanh nghiệp. Dù đã hoạt động trở lại, nhưng khách đến khu phố này chủ yếu là khách trong nước, khách nước ngoài chưa thể quay trở lại. Việc kinh doanh vì thế cũng chưa thể phục hồi.

Theo ông Khoa, nếu không có dịch, lượng du khách nước ngoài lưu trú thường xuyên ở khu phố Tây dao động từ 600-800 khách, đó là chưa tính lượng khách lưu trú lân cận ở đó cũng như nhiều tuyến đường khác thuộc địa phận của phường. Còn thời điểm này, lượng khách Tây ở khu phố Tây chưa đến 30 người.

“Hy vọng rằng thời gian tới, dịch bệnh tạm ổn du khách nước ngoài sẽ đến Huế và khu phố Tây. Vừa kinh doanh vừa kèm theo các biện pháp phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới. Tạm thời, chúng tôi đang tính toán hỗ trợ các đơn vị kinh doanh cũng như lên kế hoạch kích cầu kinh doanh trong khu phố”, ông Khoa cho hay.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 có nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng là chia sẻ của ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh với Báo Thừa Thiên Huế.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng
Return to top