ClockThứ Tư, 01/01/2014 12:33

Phục hưng phần hồn của di sản

TTH - Sau 20 năm trở thành di sản thế giới, quần thể di tích Cố đô Huế đã có những thay đổi diệu kỳ. Từ trong hoang tàn, đổ nát, từ trong lãng quên, di sản Huế đã bừng sáng, lung linh và ngày càng thể hiện rõ chân giá trị của mình - một di sản văn hóa vô giá của dân tộc và nhân loại.

 

Trong suốt 20 năm qua, thực hiện dự án chiến lược Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế, giai đoạn 1996-2010 và giai đoạn 2010-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng các quyết định 105TTg và 818TTg, hàng trăm công trình kiến trúc di sản của Cố đô Huế từng bước được trùng tu, khôi phục diện mạo ban đầu; cảnh quan môi trường của các khu di sản cũng từng bước được cải thiện. Các di sản văn hóa của Cố đô Huế thực sự hồi sinh và trở nên vô cùng quyến rũ, trở thành một điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến thăm miền Trung Việt Nam.

 

Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo. Ảnh: Trương Vững

 

 

Bên cạnh việc quan tâm trùng tu, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, các di sản văn hóa phi vật thể cũng ngày càng được quan tâm nghiên cứu, phục hồi và phát huy giá trị. Những người làm công tác bảo tồn di sản Huế đã nhận thức rõ vị thế đặc biệt của các di sản văn hóa phi vật thể và luôn xem đây là phần hồn của di sản Cố đô, cần được phục hưng và phát huy giá trị.

 

Chùa Linh Mụ

 

Cùng với sự thành công đặc biệt trong việc phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan thực hiện Kế hoạch quốc gia về bảo tồn và phát huy Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam, giai đoạn 2003-2008, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã và đang triển khai các hoạt động đồng bộ trên nhiều lĩnh vực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản phi vật thể khác như lễ hội cung đình, tuồng cung đình, múa cung đình, các ngành nghề thủ công truyền thống, ẩm thực cung đình, nghệ thuật cây kiểng và vườn cung đình…

 

Trường lang Tử cấm thành. Ảnh: P.T.H

 

Việc kết hợp khéo léo giữa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản vật thể và phi vật thể đã tạo ra những hiệu ứng đặc biệt, khiến di sản Huế ngày càng hấp dẫn. Ngày nay, du khách đến thăm hoàng cung Huế không chỉ được tận mắt nhìn ngắm cung điện vàng son lộng lẫy hay những thành quách rêu phong cổ kính mà còn được trực tiếp thưởng thức các hình thức diễn xướng cung đình ngay tại nơi chúng từng sản sinh và hoạt động, như xem biểu diễn Tiểu nhạc tại sân điện Thái Hòa, Đại Nhạc ở sân Thế Tổ Miếu, ca Huế thính phòng ở cung Trường Sanh, Nhã nhạc tại nhà hát Duyệt Thị Đường. Du khách cũng sẽ được trực tiếp nhìn ngắm những cổ vật quý giá trưng bày tại các cung điện, hay những hình ảnh, hiện vật sinh động trong các cuộc triển lãm chuyên đề thường xuyên được tổ chức tại hệ thống trường lang Tử Cấm Thành, Đại Cung Môn, Tả Vu của điện Cần Chánh…hay đắm mình trong những không gian thơ mộng, tuyệt đẹp của Vườn Cơ Hạ, Hậu Hồ, Thái Bình Lâu - vườn Thiệu Phương… Đặc biệt, từ giữa tháng 4/2013, Trung tâm đã mở tuyến tham quan nối liền giữa Đại Nội và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách sau khi thăm Hoàng cung sẽ được trực tiếp ngắm nhìn, thưởng thức các cổ vật vô giá của triều Nguyễn trưng bày tại điện Long An, cung điện đẹp nhất của Việt Nam hiện còn được bảo tồn nguyên vẹn.

 

Lăng Thiệu Trị. Ảnh: Trương Vững

 

Tại các khu lăng tẩm, di tích tiêu biểu khác như lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định, chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, đàn Nam Giao… việc trưng bày và tái hiện không gian nội thất các cung điện cũng từng bước được hoàn thiện, khiến các di tích này ngày càng hấp dẫn, sinh động hơn.

 

Bên cạnh đó, các hoạt động dịch vụ cũng được tổ chức ngày càng bài bản, chuyên nghiệp hơn; hệ thống hàng quán, cơ sở kinh doanh dịch vụ được tổ chức lại quy củ, khang trang và niêm yết giá cả rõ ràng. Tại khu vực Hoàng cung và các vùng lân cận, bên cạnh dịch vụ cưỡi voi, đi xe ngựa, dịch vụ xe điện cũng đã được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2013, và đến nay đã dành được sự quan tâm, ưu ái của rất nhiều du khách.

Như vậy, cùng với quá trình trùng tu phục hồi các di tích tại Cố đô Huế, việc phục hưng phần hồn của các di sản đã ngày càng được quan tâm, và trên thực tế, đã đạt được những thành quả to lớn. Tại Lễ kỷ niệm 20 năm ngày Quần thể di tích Cố đô Huế, 10 năm Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh ngày 22/9/2013, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong vùng, sự phối hợp và hỗ trợ có hiệu quả của các Bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chúng ta sẽ cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước; một trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của khu vực miền Trung; xây dựng thương hiệu Huế - thành phố Festival trở nên nổi tiếng khắp thế giới dựa trên nền tảng của các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản văn hóa Huế”.

TS. Phan Thanh Hải
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top