ClockThứ Năm, 27/11/2014 18:00

Tấm lòng với Huế của hậu duệ Nguyễn Phúc tộc

TTH - Vẫn nhớ, khoảng thập niên 1990, tôi từng đến rạp Hưng Đạo (Nhà Văn hóa TP Huế) để thưởng thức một bản giao hưởng với tên gọi hình như là “Những khu vườn của thế giới bên kia” viết từ cảm hứng về các lăng của các vua Nguyễn. Kết thúc buổi hòa nhạc, nhìn thấy một nghệ sĩ râu ria ra chào trong tiếng vỗ tay của toàn bộ khán trường, mới hay ông là tác giả của bản nhạc mà tôi vừa thưởng thức - nhạc sĩ Tôn Thất Tiết (một Việt kiều Pháp). Thú thật, tôi không am hiểu nhiều về âm nhạc, hồi ấy cứ thấy cái gì vào cửa được là vào, rồi nghe, rồi xem… Ngót 20 năm lặng lẽ trôi qua để hôm nay, tôi lại có dịp viết về những hậu duệ Nguyễn Phúc tộc hải ngoại với Huế mà ông là một điển hình…

 

Với Tôn Thất Tiết, âm nhạc là sự hòa hợp giữa Á Đông  Tây phương. Tuy học nhạc Tây phương nhưng ông vẫn tìm âm hưởng của triết lý Á Đông, Kinh Dịch, Phật giáo Ấn Độ giáo. Ông đã nhận nhiều giải thưởng, như giải Diễn đàn Quốc tế những Nhà soạn nhạc  UNESCO năm 1975, giải Sáng tác của Bộ Văn hóa Pháp năm 1981.

 

Bìa hai cuốn sách của Bửu Diên và Bửu Biền

 

Người nhạc sĩ này thật sự tâm huyết với việc giữ gìn, phát huy tinh hoa âm nhạc truyền thống Huế, Việt Nam. Năm 1993, ông thành lập Hiệp hội Âm nhạc Pháp - Việt với mục đích giúp phát triển âm nhạc dân tộc, trong đó Tôn Thất Tiết rất quan tâm đến Nhã nhạc. Khoảng đầu 1995, cùng với giáo sư, nhạc sĩ Trần Văn Khê nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, Tôn Thất Tiết bắt đầu chú ý đến việc phục hồi Nhã nhạc cung đình Huế và đã về Việt Nam để dàn dựng một chương trình âm nhạc cung đình. Chính sự thành công bước đầu trong việc bảo tồn của các nhạc sĩ, cũng như những nỗ lực đáng kể của Trần Văn Khê, Tôn Thất Tiết, giữa những năm 1990, cộng đồng nghiên cứu âm nhạc quốc tế mới bắt đầu biết đến một nền Nhã nhạc cung đình Huế vốn từng tỏa sáng trong lịch sử, để rồi Nhã nhạc lại có dịp tỏa sáng vào năm 2003 khi được UNESCO công nhận là Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

 

Bên cạnh Tôn Thất Tiết, hai trường hợp khác mà tôi biết đó là các nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Bửu Biền và Nguyễn Phúc Bửu Diên (đều là Việt kiều Pháp). Chưa từng gặp mặt, nhưng các khảo cứu của hai ông thì tôi từng được biết đến và tìm hiểu rồi bắt gặp ở đây những tâm hồn luôn đau đáu về những giá trị văn hóa Huế.

 

Nguyễn Phúc Bửu Biền là một nhà khảo cứu về văn nghệ dân gian. Các tác phẩm nghiên cứu tiêu biểu của ông, như “Câu hò tiếng hát xứ Huế”, “Vè Huế”, “Hò mái nhì, hò mái đẩy”, “Hò giã gạo”… đã trở thành những tài liệu tham khảo khi nghiên cứu về văn học nghệ thuật dân gian, đặc biệt là về các làn điệu dân ca xứ Huế. Trong biên khảo “Câu hò tiếng hát xứ Huế”, Bửu Biền cho rằng: “Môi trường sinh hoạt, giọng Huế, ngôn ngữ Huế, tâm hồn người dân xứ Huế đã hòa hợp, kết tinh thành nhiều thể nhạc: hò, ca, xướng, hát, nuôi dưỡng tinh thần con người xứ Huế trong cuộc sống hằng ngày (...). Âm nhạc Huế là một phần quý báu của văn-hóa dân-tộc Việt Nam, cần được bảo tồn”.

 

Cách đây nhiều năm, khi nghiên cứu về dân ca xứ Huế, trong khảo luận về hò mái nhì, mái đẩy, Bửu Biền đã rất có lý khi nhận định rằng: “Trải qua bao nhiêu cuộc chiến, bom đạn đã xóa hẳn tiếng hò thanh bình, thơ mộng của đồng quê. Ngày nay chúng ta chỉ còn nghe được một vài điệu hò điêu luyện, chuyên nghiệp trình diễn trên sân khấu; khách du lịch nghe lạ tai, nhưng thiếu hẳn hương vị hồn quê xứ Huế”.

 

Khác với Bửu Biền chuyên tập trung vào mảng dân ca, tác giả Bửu Diên có phạm vi khảo cứu rộng hơn. Tôi “quen” Nguyễn Phúc Bửu Diên qua một cuốn sách của ông do nhà nghiên cứu Phan Thuận An đề tặng. Thú thực, sau khi đọc tác phẩm của ông, tôi không khỏi gặp những bất ngờ, thú vị.

 

Nguyễn Phúc Bửu Diên đã có gần 1.000 trang khảo cứu về những góc cạnh khác nhau về văn hóa Huế được in ở hai tập sách có tên gọi là “Quê hương hoài niệm” (tập 1 và 2). Ở đấy ta có thể cùng tác giả “hoài niệm” về những giá trị của di sản Huế qua những mảng màu và âm sắc khác nhau. Qua 2 tập “Quê hương hoài niệm” mới thấy được quá trình sưu tra, đối chiếu rất công phu của tác giả tại các thư viện lớn ở Paris cũng như tài liệu của chính bản thân các gia đình Hoàng tộc.

 

Những vấn đề mà tác giả khảo từ lịch sử, như “Vua Gia Long và Ngọc Hân công chúa”, “Minh Mạng, một vị vua biết tự phê bình”, “Vua Tự Đức và Việt Sử Thông Giám Cương Mục”… đều là những trang khảo cứu có giá trị. Nhận định về vua Minh Mạng, ông viết: “Nhà vua luôn cố gắng sửa mình, ngày đêm tìm phương cách cai trị cho thích hợp và mong muốn tìm kiếm những người tài đức ra làm quan giúp nước để cho dân giàu nước mạnh, mọi người đều ấm no, hạnh phúc”. Nhiều vấn đề về các nhân vật - tác giả văn học mà Bửu Diên nêu lên như Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương, Hường Thiết, Ưng Bình... cũng đều là những đề tài thú vị.

 

(còn tiếp)

Nguyễn Phước Hải Trung
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top