ClockThứ Tư, 12/12/2018 13:00

Tăng hoạt động để Phước Tích hút khách

TTH - Hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành điểm đến hấp dẫn, dù thế để thu hút khách, Phước Tích vẫn còn nhiều việc phải khắc phục.

Xây dựng sản phẩm mới để hút khách tàu biểnĐường sắt Hà Nội hút du khách nước ngoài đến chụp ảnhĐẹp và bắt mắt, hàng lưu niệm - đặc sản sẽ hút khách

Du khách xem người dân Phước Tích thao diễn nghề gốm

Đẹp nhưng buồn

Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) là một trong 3 ngôi làng được công nhận là làng cổ trên cả nước. Tuy nhiên, lượng khách đến với Phước Tích vẫn chưa nhiều và có sự chuyển dịch, trước đây chủ yếu là khách quốc tế, nay đa số là học sinh các trường tổ chức ngoại khóa về tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử.

Mới đây, ngành du lịch tổ chức chuyến khảo sát nhằm tăng khả năng đưa khách đến làng cổ Phước Tích, khi có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch. Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội - Chi nhánh Huế đánh giá, Phước Tích đã có nhiều thay đổi, nhất là cơ sở hạ tầng đồng bộ, đường làng sạch sẽ, có nhà đón tiếp, nhà vệ sinh, bảng chỉ dẫn, nhiều di tích được tôn tạo, phục dựng… Bên cạnh đó, dân làng có trình độ dân trí rất cao, bước vào làng không có mùi động vật, người sống một bên, người mất một bên sông… quá đủ điều kiện và tính khác biệt để trở thành điểm đến hấp dẫn.

Tuy nhiên, theo bà Lý, làng cổ Phước Tích sạch đẹp, nhưng lại buồn, thiếu hẳn các hoạt động của một làng quê, không có gánh gồng, không làm vườn, không cảnh buôn bán; thậm chí, đi trên đường làng không gặp người dân nào. Trong khi đó, các hoạt động này chiếm đến 50% thành công của du lịch cộng đồng. Nếu du khách đến Phước Tích mà không có báo trước sẽ không trải nghiệm được hoạt động tại làng.

Một trải nghiệm quan trọng tại làng cổ Phước Tích là làm gốm, nghề truyền thống ra đời gần như cùng lúc với ngôi làng hơn 500 năm tuổi này. Qua tìm hiểu, hiện tại ở làng có 4 tổ cứ luân phiên nhau chuyên thao diễn làm gốm. Một người dân tham gia cho hay, mỗi tháng chỉ thao diễn một lần, mỗi lần được 50 nghìn đồng, thậm chí đến 2 tháng mới được 1 lần thao diễn. Sản phẩm khi làm ra đều bị phá bỏ lại thành đất, bảo quản và để thao diễn cho lần tiếp theo.

Theo BQL làng cổ Phước Tích, vẫn biết nếu sản phẩm làm ra được nung lên và làm quà cho du khách sẽ góp phần tạo ấn tượng, giúp thu hút khách hơn, nhưng mỗi lần nung như thế đòi hỏi nhiều sản phẩm, nên đành chịu. Mặt khác, yếu tố phục hồi sản xuất lại nghề gốm lại rất khó. Làm gốm theo công thức thủ công làm đội chi phí, không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm gốm sứ ngoài thị trường. Chẳng hạn, bộ tách trà làm tại làng sẽ có giá 350 nghìn đồng; trong khi đó, ngoài thị trường chỉ 150 - 200 nghìn đồng.

BQL làng cổ Phước Tích cho hay, một khó khăn nữa là người dân ở làng hiện tại chủ yếu là người già, lớp trẻ ít. BQL đang tính đến thuê người ngoài về để làm các dịch vụ. Tuy nhiên, điều này không phải là giải pháp khả thi, vì làm du lịch cộng đồng phải là người Phước Tích mới hấp dẫn khách.

Tăng hoạt động

Tại cuộc làm việc giữa các DN và BQL làng cổ Phước Tích nhân chuyến khảo sát, các DN cho hay, thời gian qua, giá dịch vụ tại làng cổ thiếu rõ ràng. Giá của người dân đưa ra mỗi ngày mỗi khác nhau, cao thấp tùy ý, chứ không đồng bộ. Điều này giữa BQL, địa phương và cộng đồng cần thống nhất về giá, không thể thay đổi giá liên tục, sau đó công khai trên website của BQL. BQL cần tập huấn nâng cao ý thức của người dân, vì mục đích phát triển chung; đồng thời, BQL cũng cần có chính sách phân bố khách phù hợp, công bằng, ai cũng có lợi ích mới lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, trước tiên phải nhìn nhận, Phước Tích là điểm đến nằm khá xa trung tâm TP. Huế. Các DN sẽ rất khó khi đưa khách ra Phước Tích tham quan rồi vào lại thành phố. Do đó, đòi hỏi Phước Tích phải kết nối tour tuyến với khu du lịch suối nước nóng Thanh Tân, làng nghề đệm bàng Phò Trạch, nghề mộc Mỹ Xuyên, xa hơn kết nối với làng nghề đan lát Bao La và điểm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh ở Quảng Điền.

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho hay, ở Kyoto (Nhật Bản), mô hình du cộng đồng được phát triển dựa trên những cái có sẵn. Không tập trung cho 1- 2 nghề mà tất cả các nghề để mưu sinh của cộng đồng đều được khai thác, du khách đến trải nghiệm, giúp người dân vừa có thu nhập từ nghề, vừa có thu nhập từ du khách nên bền vững hơn. Như ở Phước Tích, ngoài phục dựng, hỗ trợ cho nghề gốm, thì các nghề có sẵn cần được hồi sinh. Đó cũng là cách để tăng những hoạt động thường nhật, giúp Phước Tích thêm sinh động.

Bà Dương Thị Công Lý góp ý, cần ghi lại những câu chuyện truyền thống liên quan về làng, xây dựng thành những bài thuyết minh để giới thiệu cho khách. Chẳng hạn như nhà rường được làm như thế nào, các công đoạn, nguyên vật liệu, thời gian, nghệ nhân... Khi đó, sẽ kích thích du khách đến tham quan thêm làng nghề mộc Mỹ Xuyên.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoạt động nhà máy tháng 3 của Trung Quốc mở rộng lần đầu tiên sau 6 tháng

Kết quả khảo sát cho thấy, hoạt động sản xuất của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 3 đã mở rộng lần đầu tiên sau 6 tháng, mang lại sự lạc quan cho các nhà hoạch định chính sách ngay cả khi cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản vẫn là lực cản đối với nền kinh tế nước này.

Hoạt động nhà máy tháng 3 của Trung Quốc mở rộng lần đầu tiên sau 6 tháng
Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang phát triển mạnh mẽ, đặt ra thách thức lớn đối với công tác quản lý thuế (QLT), đảm bảo sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các đơn vị, tích cực thực hiện một số giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả QLT đối với hoạt động TMĐT trên địa bàn.

Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cách TP. Huế 40km về phía bắc. Làng được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Cùng với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc những ngôi nhà rường – vườn có giá trị, các thiết chế văn hóa đặc sắc… Ngôi làng này được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009 giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích
Return to top