ClockThứ Bảy, 14/09/2013 14:57

Tầng sâu văn hóa một ngôi làng

TTH - Dương Phước Thu là tác giả có những công trình nghiên cứu lịch sử và văn hóa mang giá trị thực tiễn. Cuốn gần đây nhất nhận được dư luận đánh giá cao: Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh Huế. Xưa nay các bài viết về Cửu Đỉnh rất nhiều, nhưng đây vẫn là một công trình công phu, có nhiều phát hiện và thậm chí những uẩn khúc lần đầu tiên được khơi sáng.
 
Trên tư duy nghiên cứu tránh “đụng hàng” đó, Văn bản Hán Nôm làng Hiền Lương là cuốn sách đầy tâm huyết đối với truyền thống văn hóa tổ tiên của tác giả Dương Phước Thu và con gái Dương Thị Hải Vân. Sách do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành tháng 8-2013; dày gần 300 trang, số văn bản Hán Nôm gốc và hình ảnh về văn bia, lễ hội đều được in màu trang nhã. Tính khu biệt của công trình là sưu tầm, chú dịch các Sắc phong, Chế phong, Văn chuông, Văn bia, Văn tế của làng Hiền Lương, hiển nhiên sẽ không nghiêng về nhận định, phân tích. Mà nó đòi hỏi công sức điền dã và sự tỉ mẩn nhọc công soi từng con chữ Hán Nôm, đòi hỏi niềm đam mê và lòng phúc đáp với cội nguồn dòng tộc.
 
 
Làng Hiền Lương có tới gần 2 trăm Sắc phong, Chế phong từ các đời vua nhà Nguyễn, nhiều nhất dưới triều vua Duy Tân với 23 bản, ít nhất là triều vua Kiến Phúc với 2 bản, cho thấy nơi đây có một nền tảng văn hóa sâu sắc và xuyên suốt.
 
Văn bản đầu tiên là “Điệp văn làm chay tại chùa Giác Lương” năm Bính Dần, niên hiệu Gia Long ngũ niên (1806). Chùa làng vốn là trung tâm tín ngưỡng thanh cao nhất của người dân, nên đưa bài điệp văn này lên đầu sách là một chủ ý nhân văn và khoa học của tác giả. Trong nhiều bài điệp văn, câu đối, bia ký nội dung nhiều khi gắn với tích xưa, nếu khảo cứu sơ qua sẽ không hiểu hết nghĩa hoặc hiểu sai nghĩa hoàn toàn. Trong cuốn sách này dẫu không nhiều, song Dương Phước Thu đã làm khá kỹ. Ví như trong điệp văn ở chùa Giác Lương, chỉ một câu ở gần cuối: “Cửu huyền Thất tổ, đồng lên Hoa tạng huyền môn. Tám nạn ba đường cùng vào Tỳ lô tánh hải”, phải chú thích đến 3 chỗ liên quan đến tích nhà Phật và các cụm từ trọng yếu trong kinh điển Phật giáo Đại thừa.
 
Ở trang 51, mấy hàng chú thích nội dung trong “Sắc phong ban cho Bổn Cảnh Thành Hoàng Tôn Thần”, người đọc “vô tình” biết nguồn gốc cái tên Hiền Lương: “Năm 1835, Minh Mạng thứ 16, lấy một phần đất huyện Quảng Điền và huyện Hương Trà để lập huyện Phong Điền, làng Hoa Lang thuộc huyện Phong Điền. Sau năm 1841, vì tránh húy bà Thái hậu Hồ Thị Hoa, tên làng Hoa Lang đổi thành Hiền Lương”. Hoặc ở trang 266 có một chú thích mà thông điệp khá quan trọng: “Cụ Vịnh là người đỗ đại khoa (1842), khai khoa cho làng Hiền Lương và cũng là người khai khoa cho dòng tộc họ Dương ở Thừa Thiên, nhưng sau khi gia tộc quyết định di dời mộ cụ từ Cồn Cấm làng Văn Xá về nghĩa địa thôn La Vần, kể từ đó cho đến năm 1960, nghĩa là hơn 100 năm, người họ Dương ở Hiền Lương dù rất chịu khó “sôi kinh nấu sử” nhưng vẫn không có ai đổ cử nhân”. Thật đáng cho con cháu trong làng suy ngẫm!
 
Sắc phong có đặc điểm thường “na ná” nhau; đó là “Sắc cho (…); “bấy lâu đã được nhân dân phụng thờ”, “nay tuân theo lệ cũ phụng thờ thần như trước”. Có chăng nhân ngày vui gì đó của vua hay sự kiện trọng đại bèn phong tặng thêm chức tước. Thế nên, nếu có thêm phần tiểu sử các vị, các di tích được ban sắc, chế thì cuốn sách sẽ phong phú và thêm phần sinh khí. Ví như trong này có nhiều Sắc dành cho Thành Hoàng, nếu được tác giả Dương Phước Thu “trích ngang lý lịch” kèm theo (hoặc “chú thích” như đã làm với cụ Phó bảng Dương Phước Vịnh) thì hay biết mấy; dẫu rằng cũng như một số nhân vật được ban dụ thờ tự trong sách không phải quá xa lạ với tín ngưỡng ở các làng quê Việt, đơn cử Thiên Y A Na thánh mẫu. Một vị khác: ông Trương Như Cương, trong Chế phong dưới triều Phúc Kiến năm thứ nhất (1884) có nói thân thế là “Án sát sứ tỉnh Thanh Hóa”. Độc giả hẳn sẽ rất muốn có thêm thông tin về ông bởi, riêng Chế phong qua các triều vua ban cho tổ mẫu, tổ phụ, thân mẫu, thân phụ của ông đã lên tới 24 bản (trong tổng số 89 sắc/chế phong có trong sách). Quả là đặc biệt! Thiết nghĩ việc này chỉ là vấn đề thời gian chứ không hề nằm ngoài khả năng của tác giả.
 
Văn bản Hán Nôm làng Hiền Lương gần như là cuốn sách đầu tiên ở Thừa Thiên Huế tập hợp khá đầy đủ các Sắc phong, Chế phong, Văn chuông, Văn bia, Văn tế của riêng một ngôi làng. Nước Việt ta khắp nơi có rất nhiều ngôi làng giàu tầng sâu văn hóa tương tự, đặc biệt là hệ thống các câu đối (tinh túy của ngôn ngữ, khái quát được địa thế, văn hóa của làng, nước). Thế nên Văn bản Hán Nôm làng Hiền Lương được xem là một “kênh” tham khảo quan trọng.

 

Nhụy Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế

TIN MỚI

Return to top