ClockThứ Năm, 17/02/2011 16:53

Thăm lăng chúa Nguyễn Phúc Chu, lại nhớ về phủ Bác Vọng

TTH - Theo Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, khi biên soạn cuốn sách “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, nhà văn Sơn Nam đã lặn lội từ Nam bộ ra Huế, ngược dòng Hương Giang, lên đến ngã ba Tuần, rồi vượt sông qua bên tê tả ngạn dòng Tả Trạch để kính viếng lăng chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông Sơn Nam đã đứng trước mộ chúa thắp nhang, và chính trong nén nhang ấy, theo như lời đầu cuốn sách sau này là “về nguồn, tìm dân tộc”. Người Nam bộ nhớ đến vị chúa là người có công đầu trong sự nghiệp mở cõi xứ Đàng Trong.

Tôi đã có một kỷ niệm thật khó quên khi đi thăm lăng cha con chúa Nguyễn Phúc Thái- Nguyễn Phúc Chu vào đầu tháng 10-2010. Vùng núi Hương Thọ với những con đường làng ngoằn nghèo, cây cối rậm rạp lại ẩm ướt khiến tôi không tài nào nhớ nỗi những lối mình vừa đi qua. Thế là xảy ra chuyện “dở khóc, dở cười”. Trời đã xế trưa mà loay hoay mãi vẫn không tìm ra lăng Trường Mậu của người cha là Anh Tôn Hiếu Nghĩa Hoàng đế Nguyễn Phúc Thái (1650-1691). Định bỏ cuộc, tôi bất ngờ phát hiện ra lối nhỏ đã bị cỏ hoang che phủ. Như có một cái luồng khí lạnh chạy dọc xương sống. Như có một ai đó níu kéo. Thì ra cách nơi chúng tôi định quay lại chưa đầy 30m là lăng Trường Mậu, một lăng chúa Nguyễn hoang sơ, chưa thấy dấu vết can thiệp sửa chữa của người thời nay.

Khác với lăng Trường Mậu, lăng Trường Thanh nằm cách đó vài trăm mét vừa được sửa chữa mới. Có rất nhiều vấn đề xung quanh công việc tu sửa, song có thể thấy, trong số những lăng của chúa Nguyễn hiện nay ở Hương Thọ, lăng Trường Thanh có cảnh quang vui vẻ, thoáng đãng. Điều này còn có nguyên nhân do vị thế của lăng nằm trên đồi cao, xoay mặt về hướng đông nam, phía trước là đồng ruộng. Nhìn trên bản đồ di tích, lăng Trường Thanh nằm ở tả ngạn dòng Tả Trạch, cách bờ sông Hương chừng 800m, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10,5 km đường chim bay về hướng tây nam. Lăng Trường Thanh có cùng biểu thức chung của các lăng chúa Nguyễn khác, gồm 2 vòng thành. Vòng thành ngoài có chu vi 120,5m và thành cao 1,96m. Vòng thành trong có chu vi 70,3m và thành cao 2,05m. Mộ có 2 tầng. Tầng 1 rộng 136cm dài 212m và cao 22cm. Tầng 2 rộng 193cm, dài 258cm và cao 27cm. Lăng có bình phong và hương án còn khá nguyên vẹn và rất đẹp.

Miếu Bà Tơ tại làng Bác Vọng
Trong lịch sử “chín chúa xứ Đàng Trong”, chúa Nguyễn Phúc Chu được biết đến là một con người thông minh, đĩnh đạc, đủ cả tài văn võ. Chúa rất quan tâm chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói thẳng, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế ám giao dịch, bớt việc hình ngục. Chúa Nguyễn Phúc Chu là vị chúa có đông con nhất, cả thảy đến 146 người, trong đó có 38 người con trai. Chính chúa cũng rất tự hào về điều này khi có thơ rằng “Vàng ngọc hai hòm đều vứt bỏ. Để lại con cháu đầy một nhà…”.
Lên ngôi chúa khi mới 17 tuổi, chúa Nguyễn Phúc Chu lấy hiệu là “Thiên Túng đạo nhân”. Không chỉ tên hiệu mà cả những việc làm khi trị vì trên đỉnh cao quyền lực đều cho thấy sự mộ đạo của vị chúa còn được gọi là Quốc chúa này. Sử cũ chép rằng vừa mới lên ngôi, chúa đã cho xây dựng một loạt chùa miếu; mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ. Năm 1710, chúa sai đúc chuông lớn nặng 3.285 cân, đặt trong một lầu chuông rộng lớn ở chùa Thiên Mụ để cúng Tam Bảo. Chúa lại mời Hoà thượng Thích Đại Sán, một lão tăng ở Trung Quốc sang Thuận Hoá giảng đạo. Không chỉ là người mộ đạo, chúa Nguyễn Phúc Chu còn có tâm hồn nghệ sĩ. Chính chúa là tay cầm trống chầu lão luyện vào thế kỷ XVII. Trong sự nghiệp mở mang bờ cõi, chính Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng đế Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) là người đã sai Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh chinh phục xứ Đồng Nai, dựng nên Phiên Trấn và Trấn Biên. Vì thế mới có câu “Rồng chầu xứ Huế. Ngựa tế Đồng Nai”.
Trong sự nghiệp trị vì xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn Phúc Chu đã có một quyết định “gây sốc” khi dời phủ chúa về Bác Vọng (Quảng Phú, Quảng Điền). Quyết định dời đô về Bác Vọng, chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai ký lục Lê Quang Hiến vẽ bản đồ để xây dựng phủ mới và đến năm 1712 mới chính thức dời phủ từ Phú Xuân về đây, tồn tại cho đến năm 1739. Dấu xưa đã hầu như biến mất nhưng vẫn còn đó những tên gọi, những ký ức gợi nhớ về một Bác Vọng- thủ phủ với những địa danh như Thượng Phủ, Cồn Kho, Xưởng, Mô Súng…
Vượt dòng Hương Giang, lên tận vùng núi cao Hương Thọ để thăm lăng Trường Thanh của chúa Nguyễn Phúc Chu, cảm nhận công đức của vị chúa lỗi lạc lại nhớ về phủ Bác Vọng xưa. Trong hành trình xây dựng và phát triển của đô thị xứ Đàng Trong nói chung và đô thị Huế nói riêng là sự tịnh tiến về mặt không gian từ Bắc vào Nam, từ Ái Tử, Trà Bát (Quảng Trị) đến Phước Yên, Kim Long, Phú Xuân, Bác Vọng, rồi lại Phú Xuân. Rõ ràng chỉ có Bác Vọng là một điều “lạ lùng”. Sau khi tìm ra được vùng đất Phú Xuân (năm 1687), chúa Nguyễn lại rời bỏ mảnh đất đế vương này để chuyển ra đất Quảng Điền bên sông Bồ. Không thể phủ nhận, chọn Bác Vọng làm thủ phủ, chúa Nguyễn Phúc Chu đã nhìn nhận được vị thế quan trọng của vùng đất vốn là một làng cổ của xứ Thuận Hoá này. Làng Bác Vọng trải dài theo con sông Bồ và theo Dương Văn An trong “Phủ Biên tạp lục”, dân Bác Vọng xưa sống chủ yếu dựa vào “sông nước sinh nhai” và “đóng đăng bắt cá”. Chúa Nguyễn Phúc Chu cũng đã phát huy được truyền thống tư duy sông nước trong việc định đô, lập phố. Phủ chúa Nguyễn Phúc Chu lấy sông Bồ làm mặt tiền cũng như trước đó chúa Nguyễn Phúc Nguyên dựng phủ Phước Yên trước dòng sông này. Ngoài ra, thời gian đóng đô ở Bác Vọng cũng là thời gian xây dựng lại thủ phủ Phú Xuân.
Mỗi con người đều gắn liền với một vùng đất lịch sử với những phận số khác nhau. Chính chúa Nguyễn Phúc Chu là người đã nhìn nhận ra và nâng tầm vị thế của Bác Vọng để hôm nay trong ký ức của mỗi một chúng ta còn lại hoài niệm về một thủ phủ xưa bên dòng sông Bồ lịch sử.
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top