ClockChủ Nhật, 26/08/2018 14:12

Thương nhớ mùi chao

TTH - Lại một mùa Vu Lan nữa trở về. Tôi chẳng có thói quen ăn chay, mặc dù nhớ ngày còn nhỏ mẹ đã cho tôi quy y tại một ngôi chùa. Tháng bảy về, tôi nhớ ngày xưa vào dịp này bà nội với mẹ thường chuẩn bị ủ món chao Huế để đem biếu chùa, một phần đem tặng họ hàng, những người ăn chay. Món chao của bà khá công phu. Bà bảo chỉ ở Huế mới làm kỳ công như thế.

Nhớ món chao đậm đà

Để làm món chao Huế, bà tôi thường ra chợ chọn những miếng khuôn đậu phụ mềm mịn. Bà mua về rửa sơ qua nước sôi để cho ráo nước. Bếp củi, bà lấy cái mủng, hốt một mủng tro ra sàn rồi cho vào trong một cái rổ, cái bao cát ngày xưa, bao cát vải bố, sợi nhỏ mịn thường dùng làm cái khăn để lọc bột sắn, bà trải lên trên rổ than. Trải vài ba lớp để than không dính lên. Những khuôn đậu đã ráo nước, bà cắt vuông từng miếng nhỏ vào tấm khăn. Cắt xong, bà ra vườn, hái nắm lá ngái rửa sạch, vài ngọn lá vả thiệt to... rồi vào đậy lên rổ khuôn đậu, bên trên bà úp thêm cái rổ rồi gác lên giàn bếp. Bà bảo, đậy lá ngái đậu chín sẽ vàng rộm, chao sẽ mềm, mịn và ngon hơn rất nhiều. Bắt buộc rổ chao sau khi đã ủ tro phải đặt lên giàn bếp để tránh ruồi nhặng vì giàn bếp có khói sẽ không có ruồi. Những chỗ khác khi chao chín có mùi thì ruồi sẽ đến đẻ trứng, khiến chao có dòi. Mà đã có dòi thì coi như hỏng.

Sau ba ngày "ủ tro gác bếp", những miếng khuôn đậu trắng nõn đã chuyển màu vàng rộm, như vậy là chao đã chín rồi. Bà trộn một chén muối ớt, lăn từng miếng đậu đã chín vàng rồi cho vào hũ. Cứ lần lượt hũ này đến hũ khác đến khi xong thì thôi. Muối xong, bà bảo mẹ phi nồi dầu kiệu, những củ kiệu trắng nõn được cắt nhỏ, phi thơm với dầu trên bếp, bà bảo muốn hủ chao nhìn đep thì khi kiệu vàng nên cho một ít ớt bột vào. Để chao có nước sau này có thể dùng để chấm rau muống, bà thường chắt lấy nước cơm khi nấu cơm để nguội rồi đổ vào trong những hũ chao, sau đó mới cho dầu phi củ kiệu vào để chao dậy mùi thơm. Chỉ cần như vậy, để ở trên chạng bếp, hôm sau, đổ thêm xíu rượu trắng để chao lâu lên men, bảo quản được lâu hơn là có thể ăn.

Miếng chao thơm thơm, béo béo, dậy mùi kiệu, the thé vị của ớt bột và thấm gia vị của bà làm tôi nhớ mãi. Chao có thể ăn với cơm, với bún. Nấu bún chay thì không thể thiếu chao, nước chao dùng chấm rau luộc, cũng có thể dùng để kẹp với rau sống làm món chống ngán ngày Tết...

Xa Huế, thỉnh thoảng nhớ mẹ, nhớ bà, nhớ món chao đậm đà thương nhớ, tôi thường về những miền quê, xin hốt một ít tro bếp để về ủ chao. Tôi đã đi qua rất nhiều vùng miền, đã từng ăn loại chao người ta bán ngoài chợ, đã từng nếm thử chao nước, chao khoai môn của miền Nam nhưng chẳng ở đâu tìm được vị đậm đà như chao của bà ngày xưa.

Bài, ảnh: NAM GIAO

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chợ” nấm tràm trên đàn Nam Giao

Mùa nấm tràm nở rộ. Các chị, các o, mệ ở TP. Huế ngày nào cũng lượn vài vòng lên khu vực đàn Nam Giao để lựa chọn, mua cho bằng được những rổ nấm tràm căng mọng, óng mượt.

“Chợ” nấm tràm trên đàn Nam Giao
Thương nhớ Giêng Hai

Mưa xuân như sương, sớm mai còn lất phất, thoáng chốc nắng ngọt đã hừng qua phố.

Thương nhớ Giêng Hai
Hoàng lan thương nhớ

Năm học cấp 3, tôi đặc biệt yêu thích tác phẩm “Dưới bóng hoàng lan” của nhà văn Thạch Lam

Hoàng lan thương nhớ
Mùa dâu tằm tím ngát

Sáng nay ra phố, bắt gặp gánh dâu tằm len lỏi dọc theo những kiệt nhỏ ngoằn ngoèo, mới biết mùa dâu tằm tím ngát đã ghé qua.

Mùa dâu tằm tím ngát
Return to top