ClockThứ Ba, 14/10/2014 09:42

Tiềm năng nhiều, khai thác ít - Bài 2: Nhiều nhưng chưa “đắt”

TTH - Tiềm năng biển của Thừa Thiên Huế được xác định như một "kho vàng". Tuy nhiên, do những rào cản, trở ngại cũng như thiếu tầm chiến lược nên việc khai thác chưa mang lại hiệu quả.

Biển Vinh Thanh (Phú Vang) đẹp nhưng thiếu hạ tầng, dịch vụ nên vắng khách

Rào cản

Một chuyên gia trong ngành văn hóa thể thao du lịch Thừa Thiên Huế cho rằng, biển là một sản phẩm đặc sản của du lịch Huế, nhưng gần đây vẫn chưa khai thác đúng tiềm năng vốn có, bởi hạ tầng dịch vụ, môi trường du lịch biển Huế chưa tốt. Công tác tuyên truyền quảng bá chỉ dừng lại từng thời điểm, việc tổ chức tour, tuyến thăm, nghỉ dưỡng chưa sôi động. Vị này cho rằng, Lăng Cô đã tạo một điểm nhấn mới trong hoạt động du lịch biển ở Thừa Thiên Huế, nhưng số khách sạn, nhà hàng đưa vào hoạt động đón khách khoảng trên 1.000 phòng, với khoảng 1.500 giường. Điều này, lý giải được khách lưu trú về du lịch biển chưa cao; kéo theo việc giải quyết lao động trong lĩnh vực này còn hạn chế.

Anh Lê Ngọc Sanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch chia sẻ, du lịch biển Huế chưa thuận lợi so với các tỉnh như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vũng Tàu... Bởi về địa lý, phần lớn các bãi biển Huế đều nằm xa trung tâm thành phố. Đơn cử như Lăng Cô cách Huế hơn 70 cây số; Cảnh Dương (Phú Lộc) cũng hơn 60 cây số, Điền Lộc (Phong Điền) gần 50 cây số. Biển Huế chỉ ăn theo mùa vụ, hoạt động trong mùa hè, những tháng còn lại “đóng cửa” vì mưa gió, bão lũ.
Chính những trở ngại về địa lý, khí hậu mà biển Thuận An, một thương hiệu hình thành mấy mươi năm nay, chỉ cách trung tâm Huế 15 cây số vẫn giữ hình ảnh cũ. Thuận An, đến hẹn lại lên vài chục hàng quán do người địa phương đầu tư, họ chỉ là “liệu cơm gắp mắm” phục vụ khách bình dân. Ngoài ra, Thuận An chưa định hình được một dịch vụ nào thật sự hoàn chỉnh, mang tính chuyên nghiệp đón khách, đặc biệt là khách đi theo đoàn với số lượng lớn. Gần đây nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư các dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn đáp ứng nhu cầu lưu trú cho du khách về biển Thuận An, như khu nhà ở dịch vụ tắm biển Thuận An; khu du lịch Thuận An Resort; khu dịch vụ bãi tắm cao cấp Tam Giang... nhưng đa phần đang nằm trên giấy, chỉ mới có Khu resort Ana Mandara mới đi vào hoạt động với quy mô 78 phòng.
Không chỉ Thuận An mà ở Lăng Cô, một thiên đường du lịch biển của quốc gia cũng đang có lắm chuyện để bàn. “Nóng” hơn hết là chuyện quy hoạch, phân đất cho hàng chục dự án du lịch đã quên đường ra biển tạo sinh kế cho bà con trong vùng khiến giới truyền thông mất nhiều giấy mực. Anh Trịnh Cao Phong, cán bộ văn phòng UBND thị trấn Lăng Cô cho rằng, từ ngày Lăng Cô được công nhận vịnh đẹp thế giới, hạ tầng dân sinh, dịch vụ lưu trú trên địa bàn được đầu tư nâng cấp đáng kể. Tuy nhiên, việc bất cập hiện ở vịnh Lăng Cô là thiếu những con đường dân sinh ra biển vì các khu resort đã án ngữ toàn bộ. Khách lưu trú ở các khách sạn, nhà hàng phía tây Quốc lộ 1A muốn ra vịnh ngắm hay tắm biển đành chịu. Các chủ khách sạn, như Phú Quý, Hải Hưng, Mi Mi... bức xúc: “Biển Lăng Cô chỉ đãi ngộ các khu resort, còn bên ni cứ chết dần chết mòn”. Theo anh Phong, năm vừa qua có một tuyến nối QL1A (cây xăng số 5) đến khu vực Đông Dương mở ra nhưng chưa tiện vì khách lưu trú ở khách sạn Phú Quý, Hải Hưng... phải đi 1-2 cây số mới đến biển.
 
Cần đa dạng hóa sản phẩm
Gần đây, chính quyền sở tại đã nỗ lực như kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ và tổ chức hàng loạt các hoạt động, như “Thuận An biển gọi”, “Lăng Cô - Vịnh đẹp thế giới” với mục đích tuyên truyền, quảng bá tiềm năng về du lịch biển của tỉnh như việc khai thác chưa hiệu quả như lượng khách thu hút hàng năm vẫn tăng chưa cao, nhất là khách nước ngoài. Bình quân hàng năm, có khoảng 2,5-3 triệu lượt khách đến Thừa Thiên Huế; trong đó, khách tham quan biển chưa đến 30% và khách lưu trú tại các khu du lịch biển chỉ đạt khoảng 15%.
Anh Hoàng Văn Khánh, Giám đốc công ty Việt Travel Huế cho rằng, muốn khai thác hiệu quả phải nhìn lại khó khăn, vướng mắc để khắc phục. Đơn cử khoảng cách di chuyển từ trung tâm thành phố đến các bãi biển xa, chúng ta cần có những chuyến xe buýt giá rẻ. Biển Huế thường “mở cửa” 6-7 tháng vào mùa hè, vậy những tháng còn lại làm sao để níu kéo khách. Nên chăng áp dụng cách làm như ở Laguna Lăng Cô với quy mô nhỏ trên trục biển từ Phong Điền đến Phú Lộc để thu hút khách sang trọng, khách đi theo đoàn và lưu trú dài ngày.

Thông tin liên quan:

<<Tiềm năng nhiều, khai thác ít - kỳ 1: Cái bóng của thương hiệu

 
Ông Lê Đình Khánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Thừa Thiên Huế cho rằng, việc khai thác du lịch biển ở địa phương còn hạn chế, số lượng dự án đầu tư du lịch ven biển gian gần đây khá nhiều, nhưng tình hình triển khai còn chậm, chưa tạo ra bước đột phá. Hiện trên địa bàn có khoảng trên 30 dự án đăng ký đầu tư phát triển du lịch sinh thái biển; trong đó chỉ khoảng 1/3 đưa vào hoạt động khai thác. Đây là vấn đề tỉnh nên tiếp tục quan tâm tháo gỡ. “Để phát triển du lịch biển cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bao gồm phát triển cả du lịch biển vui chơi giải trí, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa...”, ông Khánh nói.
Theo ông Phan Tiến Dũng, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Thừa Thiên Huế, nằm trong mục tiêu phát triển du lịch biển đến năm 2020 trở thành ngành động lực kinh tế của Việt Nam và phấn đấu đến năm 2020, du lịch biển Việt Nam đứng vào nhóm nước có du lịch biển phát triển nhất khu vực. Với mục tiêu đó, Thừa Thiên Huế ưu tiên tập trung nguồn lực nhiều hơn để tiến hành quy hoạch lại hệ thống biển ở phía Bắc các huyện như Phong Điền, Quảng Điền; vùng phụ cận trung tâm TP Huế như Thuận An, Hải Dương và phía Nam tiến hành quy hoạch chi tiết trên cơ sở vùng du lịch trọng điểm quốc gia “tam giác vàng” Lăng Cô-Bạch Mã-Cảnh Dương. Bên cạnh đó, đề xuất UBND tỉnh có các chính sách ưu đãi thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng du lịch biển, tạo ra những sản phẩm dịch vụ đặc trưng; đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch biển Thừa Thiên Huế, liên doanh liên kết với các địa phương trong khu vực... Làm như vậy để thu hút ngày càng nhiều du khách, nhất là khách có tiền đến du lịch biển ở Thừa Thiên Huế.
Bài, ảnh: Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếc cho một điểm dừng chân thơ mộng

Trong khi vườn hoa hướng dương toả sắc vàng nằm ở khu đất cạnh lòng hồ Khe Ngang thuộc thôn Chầm (phường Hương Hồ, TX. Hương Trà) được người dân, du khách đến tham quan trầm trồ khen ngợi thì chủ nhân của nó lại ngậm ngùi vì vườn hoa sẽ bị tháo dỡ trong nay mai.

Tiếc cho một điểm dừng chân thơ mộng
Suối Tiên – không gian nguyên sơ hấp dẫn du khách

Suối Tiên – một trong những không gian du lịch còn khá hoang sơ nằm sâu trong lòng hồ Thủy Yên thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc không chỉ có cảnh sắc thơ mộng, sự bình yên vốn có của núi rừng thời gian gần đây trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.

Suối Tiên – không gian nguyên sơ hấp dẫn du khách
Du lịch Thủy Yên: Trải nghiệm lòng hồ và suối thác hoang sơ

Không chỉ là công trình thủy lợi phục vụ cấp nước tưới cho hàng ngàn hecta lúa và hoa màu, hồ Thủy Yên nằm trên địa bàn xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc giờ đây nổi tiếng là điểm đến du lịch. Từ dưới chân hồ, những chiếc thuyền du lịch đón khách ngắm cảnh giữa lòng hồ, ngược theo dòng nước đi sâu vào những suối thác với vẻ đẹp thơ mộng hoang sơ.

Du lịch Thủy Yên Trải nghiệm lòng hồ và suối thác hoang sơ
A nor hút khách gần, xa

Từ một địa điểm hoang sơ, thác A nor (xã Hồng Kim, huyện A Lưới) trở thành điểm đến hấp dẫn khi du khách ghé thăm miền sơn cước này. Mô hình du lịch cộng đồng tại đây đã tạo ra sinh kế cho người dân.

A nor hút khách gần, xa
Tây Nguyên mùa nắng nhẹ

Cuối tháng mười, tôi bắt gặp những hình ảnh xưa cũ ở những đô thị Tây Nguyên vừa như đang ngái ngủ vừa như đang cựa mình. Những hình ảnh thấp thoáng sau vạt nắng nhẹ sắp sửa mùa khô vốn chỉ đủ sưởi ấm một nửa tán lá cây. Nửa còn lại đương ủ sương chưa vội tan đi.

Tây Nguyên mùa nắng nhẹ
Return to top