ClockThứ Tư, 07/07/2010 13:47

Tìm bạn trên sóc Bom Bo

TTH - Cụp cùm cum cụp cùm cum cúp cùm cum cụp cum…đuốc lồ ô bập bùng bên ánh lửa, soc Bom Bo rộn rã tiếng chày khuya…Tôi đã tìm đến soc Bom Bo xa tít tắp bởi khát khao khám phá tên đất một thời lừng lẫy, sống mãi qua âm điệu hào hùng của bài hát nổi tiếng của cố nhạc sĩ Xuân Hồng. Và nữa, ở đó tôi có một người bạn của tuổi thơ.
Bên bếp lửa
 
Không ngờ soc Bom Bo của miền Đông Nam bộ lại mưa rơi tầm tã đến thế trong buổi tối tôi ở lại đây. Mấy hôm trước, từ Huế và từ Sài Gòn, tôi gọi điện thoại. Nguyễn Đình Cát bất ngờ quá nên cứ gặng hỏi: “Thiệt sao, ui chao ơi, mừng quá!”. Cũng không có gì lạ, đã bao lần, dễ chừng hàng chục năm rồi, tôi lần lửa mãi với bạn. Buổi sáng, từ Phan Thiết đặt chân đến Sài Gòn cũng là lúc cơn bão Ketsana gầm gú ngoài khơi, tôi lại bắt đầu ái ngại. Tôi chỉ mạnh dạn bước chân lên chiếc xe khách nhàu nát và bẩn thỉu từ ngã tư Bình Phước lên Krôngnăng để quá giang qua Bom Bo khi lại nghe tiếng gọi dặn dò từ xa quá nhiệt tình của Cát. Trên xe, tôi cứ chăm chú để không bỏ qua ngã tư Minh Hưng mà Cát bảo dừng lại ở đó để bắt đầu một hành trình, nằm chơ vơ trên Quốc lộ 14.  
 
Căn nhà nhỏ bằng gỗ vỏn vẹn không quá 15 mét vuông. Nó không bừa bộn như tôi vẫn tưởng tượng về cuộc sống ở một vùng kinh tế mới. Kỳ lạ ở chỗ nó lại là nơi sinh hoạt của gia đình 4 người của Cát với đầy đủ tiện nghi như cuộc sống ở thị thành: tivi, tủ lạnh, bếp ga, máy giặt, xí bệt…Đêm nay có tôi, mọi thứ lại cần đến một sự sắp xếp hợp lý hơn nữa. Nhớ buổi chiều khi vừa đón tôi về nhà, Cát đã tức tốc gọi những người bạn cùng ở Huế vào. Xong bữa cơm gặp mặt, Cát xua tất cả về ngay để gần như trọn cả đêm còn lại 2 thằng trong một căn nhà gỗ mái tôn, nghe rõ từng tiếng mưa rơi lộp bộp và cả tiếng trở mình của con trẻ.
 
Tôi tin vào số phận của con người có cái gì đó như sắp đặt sẵn. Như Cát bạn tôi chẳng hạn. Nhà ở Tây Lộc. Quê lại ở Thuỷ Phương (Hương Thuỷ). Ngày mới giải phóng, đại gia đình có đến mười mấy miệng ăn của bạn phải xé nhỏ ra. Cát về Thuỷ Phương cùng với người cha bất đắc chí là chỗ họ hàng bà con với tôi, vào tập đoàn sản xuất, rồi cũng làm ruộng, làm rẫy như bao gia đình. Cát học lớp bảy trên tôi một lớp, gầy và đen, tóc xoăn tít như dân Campuchia thứ thiệt, thương nhất là thật thà và tốt bụng đến lạ kỳ. Năm 1978, học lên lớp chín thì Cát đi kinh tế mới. Nghe bảo vào Sông Bé lên tít tận Minh Hưng, ở đúng nơi mà buổi chiều bạn ngồi lu thu đợi tôi đi chuyến xe từ Sài Gòn lên. Chuyện nương rẫy ở đất rừng phương Nam tôi đâu rành dù trong những lá thư đều đặn gửi cho tôi bạn vẫn kể tường tận và rõ ràng. Tôi chỉ thương Cát, thông minh và chịu khó đến vậy mà phải giữa chừng đứt gánh chuyện học hành. Rồi Cát đi bộ đội, đánh nhau sống chết tận Campuchia. Rồi phục viên, trở về Huế, làm công nhân nước đá, một nghề hái ra tiền trong những năm tám mươi của thế kỷ trước. Rồi đổi mới, cơ chế bao cấp bị xoá bỏ, nghề nước đá không còn độc quyền nữa, xí nghiệp bị nghiêng ngã và Cát trở thành kẻ thất nghiệp. Con tạo cứ vậy xoay vần. Năm 1996, lại một lần nữa sau bao đắn đo, Cát phải từ biệt Huế. Nhớ chốn cũ đã gần 20 năm trước, Cát khăn gói vào tìm lại. Minh Hưng ở phía ngoài Quốc lộ 14 không còn rừng hoang ngày nào, vậy là Cát và các bạn cứ vậy đi mãi theo hành trình dài hơn hàng chục cây số mà buổi chiều tôi đã được nghe kể lại trong tiếng xe máy giòn vang và tiếng mưa rơi đồm độp.
 
Đúng hơn nơi Cát đang ở là Bom Bo 2, cách ngã ba Minh Hưng chừng 8 cây số và cách thủ phủ Đồng Xoài của tỉnh Bình Phước đến 60 cây số. Sóc Bom Bo của đồng bào Stiêng cách đó không xa. Chuyện rằng, thuở nhỏ nhạc sĩ Xuân Hồng đã có dịp tham dự những buổi giã gạo vần công ở các vùng quê. Hình ảnh những chàng trai, cô gái với tiếng hò giã gạo đêm trăng là một ký ức đẹp, nên thơ trong ông. Cơ duyên đến khi năm 1966 ông may mắn tham gia chiến dịch Đồng Xoài với tư cách là nhạc sĩ đi xâm nhập thực tế. Đơn vị ông được lệnh đến điểm X là sóc Bom Bo ở Phước Long để nhận lương thực. Sóc Bom Bo có chừng 100 gia đình Stiêng, đời sống khó khăn nhưng vẫn một lòng một dạ theo cách mạng. Tập quán của sóc là chỉ giã gạo vào ban đêm, gạo giã ngày nào ăn ngày nấy và là công việc của phụ nữ. Sóc Bom Bo đang vào mùa, lúa chín vàng khắp nương rẫy cũng là lúc nhận lệnh chuẩn bị mấy tấn gạo phục vụ chiến dịch. Tối nay phá lệ, từ già đến trẻ, cả nam lẫn nữ của sóc nhỏ Bom Bo tập trung giã gạo. Không khí khẩn trương, bên ánh đuốc lô ô bập bùng và tiếng chày giã gạo thâu đêm, nhạc sĩ Xuân Hồng có cảm giác như mình đang xem một bức tranh thần thoại tuyệt vời. Ký ức dồn nén lâu ngày cộng hưởng cùng cảm xúc thực tiễn sống động, thế là những ca từ như bật dậy: Lửa bập bùng/ Tiếng chày khuya/ Cắc cum cụp cum, cum cụp cum, cum cụp cum, cắc cum cum cụp cum…Bài hát để đời “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” ra đời.
 
Chuyện của Cát và những người bạn không có âm hưởng hào hùng và lãng mạn của năm tháng chiến tranh. Họ âm thầm đến Bom Bo với những toan tính mưu sinh. Nhưng họ đến để rồi ở lại, để rồi chung tay gầy dựng một cơ đồ mới, bộ mặt mới cho sóc nhỏ ở vùng cao xa lắc này. Cát lại nói nhiều đến cơ trời và duyên phận của anh như một cái gì định sẵn và an bài. Cát cũng đã có những dòng nhật ký thấm đẫm mồ hôi và nước mắt… Một thanh niên mới ngoài ba mươi trong hơn 10 năm trước đó, không vợ con, một mình vào rừng sâu, hằng tháng trời làm bạn với cỏ dại, với rắn rít, với những hiểm nguy rình rập của một vùng đất mới còn in dấu tích của những năm tháng chiến tranh. Một ba lô con cóc, tấm bạt che tạm mưa nắng, vài ba chục cân gạo, những thức ăn khô ghi nợ...Còn nữa là dăm bảy cuốn sách, thứ mà Cát không thể dứt được. Hằng tháng trời trong rừng sâu, Cát phát dọn cỏ hoang gây dựng nên những hình hài đầu tiên của nương rẫy. Bom Bo ngút ngàn cỏ dại. Đất đai mênh mông và màu mỡ. Chiếc rựa phát rẫy xem chừng quá bé nhỏ nên cỏ dại vừa phát xong đã trở lại xanh um. Cát bảo rằng cứ ở lỳ mãi, không dám ra khỏi rừng, bởi một lần bước ra sợ mình không còn dũng cảm để quay trở lại. Ui chao, tôi nghe chuyện mà như bật khóc. Buổi sáng đi thăm rẫy điều của Cát, tôi chỉ thấy những cây xanh, những luống hàng thẳng tắp, những quả điều và con tính thu nhập mà đâu thấy hết được bao gian khổ một thời của bạn.   
 
Khuya ở Bom Bo yên ắng. Tôi nằm và tưởng tượng về tiếng chày giã gạo của quá khứ xưa vọng về. Chỉ còn lại là tiếng mưa rơi và câu chuyện tựa như không hề có hồi kết thúc. Bất chợt Cát nhắc lại thời mặc áo lính rong ruổi trên chiến trường đất bạn. Gian khổ và hy sinh, những lần hành quân lạc bước rừng sâu, ăn bụi ngủ bờ tìm đường về đơn vị…như một cử dợt, một sức mạnh giúp bạn vượt qua khó khăn nơi chốn rừng sâu này. Và rồi, bằng khát vọng và những trải nghiệm, bằng sự từng trải và cả những tính toán khôn ngoan, Cát đã vượt qua và vươn lên. Phát rừng làm nương rẫy, Cát trồng sắn khoai bảo đảm cho cuộc sống trước mắt, rồi trồng điều cho những toan tính lâu dài hơn. Cát chạy vạy, cầm cố vay tiền để đầu tư; bán mảnh đất nhỏ đi lại khó khăn, bù thêm tiền để mua mảnh đất lớn hơn, thuận tiện cho chăm sóc và bảo quản hơn. Lấy thu bù chi, mạnh dạn thuê nhân công để tổ chức sản xuất. Cứ thế mà sinh sôi nảy nở đất đai. “Vốn liếng, tài sản của mình, tóm lại là bao nhiêu?”. Trả lời cho câu hỏi tò mò của tôi, Cát hóm hỉnh “ Có Hà (vợ Cát), bé Thỏ và Sóc, và ngót nghét đất thổ cư và rẫy khoảng chừng 5 ha”. Cách nay 9 năm, khi đã bước sang tuổi 40, cuộc sống tương đối ổn định, Cát mới nghĩ đến chuyện lập gia đình. Ngày cưới cũng vào mùa này, miền Đông Nam bộ mưa như thác đổ, đưa dâu từ Long Khánh về đến Minh Hưng, quãng đường từ đó, hai họ nhà trai nhà gái chia tay, chỉ còn lại chàng đưa nàng đội mưa đạp bùn lên soc…Họ thương nhau và hy sinh cho nhau đến thế, tôi nghĩ, trời nỡ lòng nào đày đoạ! Bỏ lại những tháng ngày đói khát và vất vả, vợ chồng Cát bây giờ đã khá thong dong. Vợ buôn bán ở chợ Bom Bo, chồng chăm rẫy. Chỉ trực tiếp chăm sóc một số ít, còn lại Cát cho “làm rẽ” theo năm. Mỗi ha, mỗi năm vài chục triệu đồng với những điều khoản rõ ràng, chặt chẽ đủ cho cả nhà chi tiêu thoải mái. Vợ chồng Cát muốn dành nhiều thời gian chăm sóc 2 con nhỏ như để bù lại những mất mát trong tuổi thơ của chính mình.
 
 
Bom Bo hôm nay
 
Buổi sáng, cùng với Cát một vòng dạo quanh Bom Bo, tôi cố tìm lại bóng dáng của một vùng núi rừng hoang vu của “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Nhưng không, hai bên con đường nhựa uốn lượn qua những ngọn đồi xanh mướt cà phê, điều và các loại cây trái khác là những căn nhà xây mới, những căn biệt thự sang trọng. Rồi chợ, rồi những dãy phố, rồi quán xá…Bom Bo đã mang dáng dấp và hình hài của một phố thị tương lai. Đất rẫy thành đất phố, một mét vuông giá trị cả triệu bạc. Cát dẫn tôi đến xem rẫy điều nằm ngay trung tâm rộng đến 1,3 ha dự định sẽ phân lô nhỏ bán làm đất thổ cư, ít nhất của cầm được trong tay 5-6 tỷ đồng. Vào cái ngày lần đầu tiên trở lại mảnh đất Bom Bo này, Cát không nghĩ rồi mình sẽ có trong tay bạc tỷ và có được một mái ấm gia đình như hôm nay. Còn tôi thì lại suy tư, ông trời bao giờ cũng rất công bằng, sao nỡ xử tệ với những con người tốt bụng, biết chấp nhận khó khăn và biết vươn lên như Cát.
 
Lại vang lên trong tôi bài hát của Xuân Hồng “Tiếng súng Phước Long chờ mong tin thắng,/Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày / Về đường này thăm sóc Bom Bo…”. Câu hát như lời tiên tri dẫn đường. Và tôi đã đến Bom Bo lần đầu tiên, đi theo “đường này thăm sóc Bom Bo”, tìm gặp bạn hiền trong một chiều mưa nơi miền sơn cước, tìm lại quá khứ hào hùng và rồi, đã được chứng thực những đổi thay kỳ diệu của một vùng đất huyền thoại.
 
Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm nhiều hoạt động hút khách đến vịnh đẹp Lăng Cô

Tháng 5/2024, vịnh Lăng Cô vừa tròn 15 năm gia nhập Câu lạc bộ những vịnh đẹp thế giới. Dịp đặc biệt này, có rất nhiều trải nghiệm thú vị ý nghĩa để khách đến vịnh đẹp Lăng Cô, từ đó thêm yêu điểm đến này.

Thêm nhiều hoạt động hút khách đến vịnh đẹp Lăng Cô
Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác

Mùa hè về, loại hình du lịch sinh thái gắn với tắm suối thác đang thu hút nhiều khách du lịch nội địa. Việc chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu.

Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác
Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Khởi động mùa du lịch “Huế - Chào hè 2024”

Tối 19/4, tại phố đi bộ đường Hai Bà Trưng (TP. Huế), Sở Du lịch tổ chức sự kiện “Huế - Chào hè 2024”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Festival Huế 2024, nhằm tạo không khí tươi vui, phấn khởi, chào đón một mùa du lịch hè hấp dẫn, đồng thời tạo hiệu ứng truyền thông thu hút khách du lịch đến tham quan tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến dự chương trình có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Khởi động mùa du lịch “Huế - Chào hè 2024”
Return to top