ClockThứ Năm, 23/01/2020 14:00

Trải nghiệm “Tết Huế”

TTH - Đến Việt Nam du lịch, trải nghiệm Tết Nguyên đán thì nơi nào cũng có, nhưng ở Huế, với sự giao thoa giữa phong tục Tết cung đình và dân gian tạo nên những nét riêng biệt, mà như các nhà làm tour du lịch nói với du khách rằng, đó là “Tết Huế”.

Khám phá tết Huế với những điều khác biệtTrải nghiệm tết HuếVề Huế “chơi” tết

Trải nghiệm đổ xăm hường ở Đại Nội Huế những ngày tết

Trải nghiệm khó quên

Đến Huế du lịch đúng dịp Tết Nguyên đán, vợ chồng du khách Laurence Carez (quốc tịch Bỉ) tham gia tour trải nghiệm tết của Công ty du lịch Huetourist. Đến Huế từ những ngày giáp tết nên gia đình nữ du khách được trải nghiệm gần như đầy đủ một cái tết truyền thống ở Huế. Không khí những ngày tết ở Huế thật rộn ràng, sắc hoa rợp các phố phường khiến những du khách đến từ “Lục địa già” đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.

Đơn vị làm tour đưa khách đi chợ Huế ngày 30 tết, du khách tự tay mua một mâm ngũ quả để đặt lên bàn thờ. “Thật thú vị, gia đình tôi cùng với người dân chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên ngày cuối năm. Bất ngờ hơn khi ở đất nước bạn có tục lệ mời ông bà, tổ tiên về ăn tết. Yếu tố truyền thống và tâm linh thật độc đáo, phong tục ở đất nước bạn khác xa với nước Bỉ, thật trang trọng và ấm áp”, nữ du khách Laurence Carez bày tỏ.

Du khách thưởng thức bánh tét, mứt gừng

Chiều ngày cuối năm, đơn vị làm tour đã bày biện đủ nếp, thịt lợn, lá dong, đậu xanh… Du khách được mặc những bộ áo dài truyền thống và cùng ngồi quanh trên chiếc chiếu đã được trải sẵn để gói bánh chưng, bánh tét, hai loại bánh không thể thiếu trong ngày tết ở vùng đất Cố đô. Cùng tham gia trải nghiệm với những vị khách quốc tế, du khách Tạ Hà My, đến từ Hà Nội, trân trọng: “Được mặc trang phục truyền thống, tự tay làm bánh truyền thống, cái tết thật sự có ý nghĩa hơn rất nhiều”.

Đêm giao thừa, gia đình nữ du khách Laurence Carez được mời chào và cùng đón giao thừa cùng với một gia chủ ở Nguyệt Biều (Thủy Biều, TP. Huế). Đúng thời khắc giao thừa, thay vì nâng ly rượu chúc mừng năm mới, du khách bất ngờ khi việc đầu tiên của gia chủ làm đầu năm là thắp nén nhang trên bàn thờ tổ tiên. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn tổ tiên là bài học mà gia đình du khách mong muốn được học tập.

Sau khi có những trải nghiệm khác biệt trong đêm giao thừa, sáng hôm sau, gia đình du khách cùng hòa vào dòng người đến chùa lễ Phật ngày mồng 1 tết. Đi chùa cầu nguyện đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của du lịch Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Bên cạnh việc dâng hương, lễ Phật cầu mong những điều may mắn, đến chùa du khách còn được dịp ngắm nhìn những lộc non xanh mơn mởn, cảnh chùa thanh tịnh linh thiêng. “Tôi cũng thắp nhang và cầu nguyện cho gia đình, người thân được nhiều sức khỏe”, nữ du khách tươi cười.

Điểm đến tiếp theo và quan trọng nhất trong tour là khám phá tết trong Hoàng cung. Ngày đầu năm, Đại Nội Huế nhộn nhịp sắc màu, cờ phướn, sắc hoa trên khắp lối đi của du khách. Nhiều hoạt động vui xuân đa dạng phong phú được tổ chức, như lễ đổi gác, trình tấu tiểu nhạc, đại nhạc, các trò chơi dân gian, trình diễn thư pháp, múa lân sư rồng, trình diễn võ thuật… khiến du khách ấn tượng và hồ hởi trải nghiệm các hoạt động.

Thưởng thức ẩm thực ngày tết xứ Huế cũng là trải nghiệm khó quên. Không phải là những món ăn rất “Tây”, mà đó là những dĩa bánh chưng, bánh tét, những món ăn dân dã được chế biến mộc mạc, mang đậm chất Huế nên gia đình du khách có thể cảm nhận được cái tết đầm ấm, dù lần đầu tiên đến với vùng đất Cố đô.

Giữ gìn “Tết Huế”

Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist cho biết, đến Huế dịp tết du khách thích thú nhất là khi thấy được cuộc sống dân dã, người người trang trí, dọn nhà sạch sẽ, người dân ăn mặc thật đẹp, lịch thiệp… cảm nhận được sự thân thiện, ấm áp từ những lời chào hỏi, nụ cười đầu năm. Đi đâu cũng được hòa vào các lễ hội; dịp tết họ có thể được lì xì, tặng quà theo phong tục cổ truyền… Vì vậy, trong những phản hồi sau khi trải nghiệm “Tết Huế” của du khách, họ cảm thấy thật sự may mắn.

Ông Trương Thành Minh, Chủ tịch Hội Lữ hành cho biết, tết không còn là hoạt động truyền thống của người dân, mà “Tết Huế” đã trở thành sản phẩm du lịch có sức hút rất riêng biệt. “Tết Huế” còn giúp du khách tìm hiểu và cảm nhận sâu sắc những nét đẹp truyền thống Tết Việt Nam được bảo tồn và gìn giữ cho đến ngày nay.

“Tết Huế” luôn giữ được nét truyền thống, điều mà du khách, nhất là khách Tây Âu và Bắc Mỹ thích thú. Hiện các doanh nghiệp đang tận dụng rất tốt lợi thế này để xây dựng các tour tuyến phục vụ khách. Chắc chắn trong tương lai, Hội Lữ hành sẽ tận dụng lợi thế này tốt hơn nữa để phục vụ du khách” ông Trương Thành Minh cho biết.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin, một trong những nét riêng của tết cung đình Huế là các trò chơi cung đình, như bài vụ, đổ xăm hường, đầu hồ,…; trong đó, đổ xăm hường là trò chơi đặc trưng và thể hiện tinh thần hiếu học cũng như ước vọng khoa bảng của người Huế xưa. Muốn chiến thắng trò chơi này, người chơi phải gieo xúc xắc để giành đủ các thẻ bài với các học vị tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn và trạng nguyên. Đến với hoàng cung những ngày tết, đổ xăm hường không chỉ ước vọng “ăn nên làm ra”, mà còn thành đạt, một ước vọng mang tính trí tuệ hơn là tài lộc.

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, qua các chặng đường lịch sử, nhiều nét truyền thống trong phong tục lễ tết có thể bị mai một. Việc tổ chức các hoạt động trong ngày tết, thông qua những sinh hoạt đời thường, từ trang phục truyền thống đến ẩm thực… để thấy được không gian tết từ cung đình đến dân dã được gìn giữ; khẳng định giá trị trường tồn của văn hóa Huế trong đời sống hiện đại hôm nay.

Bài, ảnh: QUANG SANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế

Bên cạnh đẩy mạnh xây dựng nghiên cứu nhằm hoàn thiện hệ thống hồ sơ khoa học về các lễ hội, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục các giá trị của lễ hội, lựa chọn để quảng bá những nét đẹp, hạn chế những lễ hội có những hình ảnh phản cảm.

Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế
Thiếu nữ Huế & tết

“Tết” - chỉ một từ ấy thôi mà làm xao xuyến bao người, đặc biệt là với những thiếu nữ, lứa tuổi hoa chơm chớm như nụ hồng, rạo rực đón mùa xuân mới với bao mơ ước thầm kín trong tâm hồn thanh khiết, băng tâm.

Thiếu nữ Huế  tết
Bế mạc chương trình tết Huế 2024

Sáng 5/2, Ban Tổ chức (BTC) chương trình tết Huế 2024 tổ chức lễ bế mạc và trao giải cho các đơn vị, địa phương. Tham dự, có UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định; lãnh đạo thành phố và các ban ngành, doanh nghiệp, địa phương trên địa bàn.

Bế mạc chương trình tết Huế 2024
Rộn ràng “Tết Huế”

Không khí tết đang rộn ràng, nhộn nhịp ở khắp mọi nơi từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn TP. Huế khi nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ Festival “Tết Huế” năm 2024 được thành phố và các địa phương trên địa bàn tổ chức.

Rộn ràng “Tết Huế”

TIN MỚI

Return to top