ClockChủ Nhật, 22/02/2015 11:00

Trùng tu kiểu Huế

TTH - GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính ví von việc trùng tu di tích như "chữa bệnh" cho "người già đau yếu". Với dự án bảo tồn trùng tu Ngọ Môn giai đoạn 1, các "y bác sĩ" đang dùng đến 90% kỹ thuật của "y học cổ truyền" để điều trị. Đó cũng là tinh thần "trùng tu kiểu Huế" trong bảo tồn di sản trên đất Cố đô.

Tiếp cận các chi tiết còn nguyên vẹn trên mái khi trùng tu Thái Bình Lâu

 

Không “cóp - dán”

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế, chia sẻ: “Trùng tu kiểu Huế” bằng cách giữ lại dấu xưa cho di tích, là tạo điều kiện gợi mở để tất cả các cách trùng tu theo phương pháp truyền thống được sống và liền mạch. Đồng thời, tiếp cận thêm các phương pháp kỹ thuật hiện đại để đảm bảo công trình vừa được trùng tu vẫn giống như xưa, nhưng “khỏe mạnh” hơn và có khả năng “phòng bệnh” tốt hơn.
Từ rất sớm, Thừa Thiên Huế xây dựng được mối quan hệ tốt với bạn bè quốc tế. Trung tâm BTDTCĐ Huế, đơn vị trực tiếp quản lý hệ thống di tích Cố đô, nhận được sự ủng hộ nhiều mặt về kinh phí, phương tiện và tiếp thu nhiều kinh nghiệm trong khoa học bảo tồn, trở thành đơn vị bảo tồn di sản hàng đầu Việt Nam.
Trương Khánh là một trong số không nhiều học viên có tay nghề nề ngõa vững được tiếp cận chương trình đào tạo của các chuyên gia Đức trong nhóm GCREP, một đối tác của Trung tâm BTDTCĐ Huế. Trước khi đến với GCREP, Khánh làm thợ tự do. Với tay nghề của mình, mỗi ngày anh có thể kiếm được 200-300 ngàn đồng, trong khi theo các dự án của GCREP thì không thể đến mức đó. Nhưng với Khánh, anh được bà Andrea Teufl, trưởng nhóm và các cộng sự “giúp mình hiểu sâu sắc về ý nghĩa của công tác bảo tồn, sự quan trọng của việc gìn giữ nguyên trạng các công trình di tích và biết cách làm thế nào để gìn giữ cái gốc ấy”. Anh vui vẻ: Mình sinh ra và lớn lên ở xứ sở giàu di sản như Huế, nếu có đủ khả năng để có thể góp sức giữ gìn bằng khả năng của mình thì không còn gì bằng”.
 
Nhật Bản là quốc gia dành nhiều sự quan tâm đặc biệt cho công cuộc nghiên cứu và bảo tồn di sản ở Huế. Qua đó, Huế học được một số kỹ thuật ưu việt, như làm nhà bao che công trình hay hạ giải toàn phần trong quá trình trùng tu... “Họ có công nghệ tốt, nhưng khi áp dụng cụ thể vào điều kiện Việt Nam thì kỹ thuật truyền thống của chúng ta lại chiếm ưu thế. Các chuyên gia bảo tồn Nhật Bản cũng đánh giá rất cao tay nghề của thợ thủ công truyền thống Việt Nam. Chắc chắn, nếu chúng ta chỉ trùng tu theo kiểu sao chép kỹ thuật của các nước, UNESCO không đề xuất xây dựng Huế trở thành một trung tâm trùng tu chuẩn mực tại khu vực Đông Nam Á, xa hơn là của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như đề nghị Huế cử người tham gia vào ICOMOS thuộc Ủy ban Di sản thế giới”, TS. Phan Thanh Hải tự tin.
“Ngọ Môn năm cửa chín lầu”

Tiếp cận các chi tiết trang trí trên di tích sau khi hạ giải

 
Với mức đầu tư hơn 43 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế quyết định thực hiện bảo tồn, tu bổ tổng thể Ngọ Môn giai đoạn 1, gồm phục hồi toàn bộ phần nền đài và lầu Ngũ Phụng. Đây là một trong những công trình linh hồn của Quần thể Di tích Cố đô Huế nên chất lượng trùng tu cũng được đặc biệt quan tâm, nhất là phải đảm bảo các yếu tố, như cấu trúc nguyên gốc, vật liệu nguyên gốc, yếu tố gốc và tính chân xác.
Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung, đơn vị thi công, thực hiện một loạt đề tài nghiên cứu sâu về các loại vật liệu, màu sắc các họa tiết trang trí… để ứng dụng thích hợp. Ở đây, những cấu kiện gỗ và các loại ngói cũ được tận dụng tối đa; trong đó, có rất nhiều cột gỗ lim vẫn còn nguyên giá trị sử dụng kể từ khi Ngọ Môn được khởi công xây dựng năm 1833.
KS. Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung, chỉ huy trưởng công trình tu bổ Ngọ Môn, nói thêm: “Sau đợt đại trùng tu do vua Khải Định thực hiện năm 1923, một số chi tiết của Ngọ Môn đã thay đổi. Những đợt tu bổ nhỏ lẻ sau này, một số vật liệu mới cũng được đưa vào nhưng chưa phù hợp. Chúng tôi phải đối chiếu, so sánh với nhiều tư liệu nhằm tìm ra cái gần với nguyên gốc nhất để thay thế theo đúng quy trình truyền thống”.
Chúng tôi cố gắng “chữa bệnh” cho Ngọ Môn càng hoàn chỉnh càng tốt, dù rất khó”, KS Lê Văn Quảng ví von. “Nếu vậy, “y học cổ truyền” được áp dụng khoảng bao nhiêu?”. KS Quảng cười: “Gần như 90%, từ cách gia công gỗ, ngói lợp, vữa đến việc trang trí thơ bằng pháp lam, trang trí đắp nổi hình rồng, giao trên bờ nóc, bờ quyết, phục chế hồ lô... đều thực hiện theo kỹ thuật truyền thống. Phần còn lại là chất bảo quản vật liệu và công nghệ mới để gia cường. Ngọ Môn sau khi trùng tu có thể chịu đựng được sức gió cấp 11, 12. Chúng tôi tính toán gia cường theo kỹ thuật mới để công trình có thể chịu được gió bão cấp 13, 14. Quan trọng nhất là làm thế nào để đạt yêu cầu mà không thay đổi kết cấu công trình, cũng như không ảnh hưởng đến mỹ quan của di tích”.

Công trường Ngọ Môn, nhìn từ điện Thái Hòa

 
Ai đó nói rất hay rằng: “Khi thật sự tôn trọng giá trị lịch sử trong quá trình bảo tồn, di tích sẽ hấp dẫn người xem bởi những giá trị biểu cảm của thực thể di tích và cách làm hồi sinh các giá trị văn hoá phi vật thể tiềm ẩn trong đó”. Hy vọng, Ngọ Môn cũng vậy, để vẫn là Ngọ Môn cổ kính của Huế xưa.
Bài, ảnh: Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top