ClockThứ Bảy, 18/05/2019 12:31

Vịnh đẹp Lăng Cô

TTH - Không còn nghi ngờ về giá trị và những tôn vinh mà người đời dành cho Lăng Cô. Vậy nhưng, tôi đã như chợt nhớ lại câu chuyện liên quan đến ông vua Khải Định khi nghĩ về vùng biển này trong mùa lễ hội. Nó như một điểm nhấn, một giai điệu đẹp, tôn thêm sự hấp dẫn của Lăng Cô. Còn khi mùa lễ hội đang về, tôi bỗng dưng muốn làm lại cuộc hành trình về với Lăng Cô như vua Khải Định cùng đoàn tùy tùng từng có gần100 năm trước...

Cơ hội mở để Lăng Cô tiếp tục thu hút đầu tưCông bố quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Lăng Cô - Cảnh DươngLăng Cô chuẩn bị đón khách mùa lễ hội

Lăng Cô - Vịnh đẹp thế giới. Ảnh: NHẬT LONG

Ven biển, ven núi và cả ven đầm, nằm ở dưới phía bắc đèo Hải Vân là làng An Cư. Tương truyền khoảng hơn 500 năm trước, khai canh của làng là vị Tổ họ Đỗ cùng các vị từ Thanh Hóa đã vào đây khai phá và lập nên làng. Người dân An Cư lâu nay chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và nổi tiếng với lễ hội đua thuyền hàng năm vào ngày 6 tháng Giêng Âm lịch. Dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (thế kỷ XVIII), vùng phía tây đầm Lập An và An Cư, gồm phần đất thung lũng dưới chân các rặng núi, ven con sông Hói Mít, tiếp tục được khai phá do công của hai ngài tiền hiền họ Nguyễn và họ Dương, để rồi hình thành nên làng An Cư Tây. Cả hai làng hiện là địa bàn chủ yếu của thị trấn Lăng Cô bây giờ.

Lâu nay, tìm hiểu về địa danh Lăng Cô, tôi nghe kể rằng, xưa kia Lăng Cô là một làng chài có nhiều cò trắng bay về tụ hội sinh sống. Xâm lược và chế ngự Thừa Thiên Huế, lúc ghi địa danh lên bản đồ, người Pháp ghi tiếng Việt là “Làng Cò” nhưng không bỏ dấu, thành ra là “Lang Co”, lại đọc lên với giọng cứng ngắt, nghe như “Lang Cô”, từ đó phát sinh tên Lăng Cô. Gần đây, tôi lại được biết, cũng là cách “đổ thừa” cho Pháp, nhưng có nhiều khả năng từ danh xưng làng An Cư là do người Pháp ghi chép trên bản đồ thời thực dân trở thành sai lệch mà thành ra Lăng Cô. Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh bảo rằng, dần dần người Việt đã chấp nhận danh xưng lạ lẫm kia. Khuôn hội Phật giáo làng An Cư cũng có tên chữ Nôm là “Lăng Cô”.

Du khách dừng lại chụp ảnh và ngắm cảnh đẹp Lăng Cô. Ảnh: HỒ NGỌC SƠN

Lăng Cô nổi tiếng là “người đẹp làng chài” và từng làm xao xuyến bao người trong câu “Lên non gặp anh hùng Bạch Mã, xuống biển gặp người đẹp Lăng Cô”. Thế nhưng ít ai biết rằng, công lao phát hiện vẻ đẹp Lăng Cô lại là một ông vua triều Nguyễn nhiều tai tiếng là Khải Định. Trong số các vua triều Nguyễn, vua Khải Định là người đi du lịch nhiều nhất, từng có chuyến du hành sang Pháp, dự cuộc “Đấu xảo thuộc địa” tổ chức ở Marseille. Chuyến đi được ghi chép khá đầy đủ trong quyển “Ngự giá như Tây ký”. Đáng nói ở vị vua thích “xê dịch” này là trong chuyến “tuần tỉnh quan phong” vào mùa hè 1916, ông đã phát hiện ra Lăng Cô.

Dừng lại đây, nhà vua nhận ra địa điểm nghỉ mát lý tưởng cũng như cảnh đẹp tự nhiên ở tứ bề bao quanh: Mũi Chân Mây, đèo Hải Vân…Vua Khải Định đã có những ngày nghỉ cực kỳ thú vị. Trở về Hoàng cung, vua ban lệnh cho bộ Công đưa vật liệu về Lăng Cô xây dựng một “hành cung” để hoàng gia nghỉ mát vào mùa hè và đặt tên là “Tịnh Viêm” (làm dịu sự nóng nực). Lại nữa, sau đó 3 năm, cũng trong một dịp dừng lại điểm du lịch và nghỉ mát này, nhà vua xúc động viết nên một bài văn bia nhan đề “Tịnh Viêm hành cung”, nay vẫn còn lưu lại, có câu tạm dịch: “Vào tháng sáu mùa hè năm đầu Trẫm mới lên ngôi (1916), nhân dịp đi tuần du trong tỉnh để xem xét phong tục, xe loan hướng về phía Nam, vượt qua sông núi, không đâu không nhìn ngắm kỹ, bỗng gặp được chốn này”.

Bình yên Lăng Cô. Ảnh: ĐỨC QUANG

Cách nay 10 năm, vào ngày 6/6/2009, Lăng Cô được trao tặng danh hiệu “Vịnh đẹp thế giới”, tôi đã nghĩ đến Tây Thi và Phạm Lãi xưa. Không có con mắt tinh đời của Phạm Lãi thì Tây Thi kia, dù sắc đẹp tuyệt trần, cũng khó lòng để lại những dấu ấn lịch sử lớn lao. Câu chuyện về vua Khải Định và thắng tích Lăng Cô cho thấy hàm lượng văn hoá và những giá trị lịch sử dày dặn, phong phú, nhiều gợi mở. Nơi đây, núi chạy dài ra biển và viền dưới là dải cát dài trắng mịn tuyệt đẹp, gần như còn nguyên sơ. Trong bán kính khoảng 150km, Lăng Cô là tâm điểm của một vùng tập trung 4 di sản thế giới: Quần thể di tích Cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng. Đây là vịnh thứ ba của Việt Nam sau Hạ Long và Nha Trang gia nhập câu lạc bộ các vịnh đẹp thế giới.

Hơn 4 năm sau ngày được công nhận “Vịnh đẹp thế giới”, cuối năm 2013, Lăng Cô kết nối cùng Cảnh Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 4 khu du lịch quốc gia nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Và 5 năm sau đó, ngày 19/12/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm đưa Lăng Cô - Cảnh Dương phát triển xứng tầm một điểm đến mang tầm cỡ quốc tế.

Con số 21 dự án đầu tư vào du lịch với trên 67.000 tỷ đồng ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô  trong 10 năm qua cho thấy, du lịch Lăng Cô đã phát triển và trở thành điểm đến được yêu thích của du khách. Lễ hội “Lăng Cô - Vịnh đẹp thế giới” năm 2019 là dịp để tôn vinh cảnh quan, môi trường sinh thái của vịnh Lăng Cô, đồng thời khẳng định vị thế và tiềm lực phát triển của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Qua đó hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu du lịch Lăng Cô mang tầm quốc gia và quốc tế, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Không còn nghi ngờ về giá trị và những tôn vinh mà người đời dành cho Lăng Cô. Vậy nhưng, tôi đã như chợt nhớ lại câu chuyện liên quan đến ông vua Khải Định khi nghĩ về vùng biển này trong mùa lễ hội. Nó như một điểm nhấn, một giai điệu đẹp, tôn thêm sự hấp dẫn của Lăng Cô. Còn khi mùa lễ hội đang về, tôi bỗng dưng muốn làm lại cuộc hành trình về với Lăng Cô như vua Khải Định cùng đoàn tùy tùng từng có gần100 năm trước... Một buổi sáng rời khỏi Huế mộng mơ, lênh đênh trên con thuyền rồng, xuôi dòng, qua bao tên đất, tên làng ở vùng phía nam Huế, để rồi dừng chân lại Lăng Cô tận hưởng đặc ân của lộc trời ban phát. Ăn theo kiểu vua, chơi theo kiểu vua… trần mà như thế thì kém gì tiên!

Lại nhớ các tên gọi Lăng Cô, An Cư, Lập An… bình yên và mường tượng về dáng hình đầy bỡ ngỡ của các bậc tiền nhân, mấy trăm năm trước trong hành trình mở cõi từ bắc vào, đã dừng chân ở nơi “bồng lai tiên cảnh”, được dựng lên bởi đèo cao, biển rộng và mênh mang sóng nước đầm phá, để rồi góp phần tạo dựng nên một Lăng Cô, vịnh đẹp thế giới hôm nay.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hải Vân Quan - Kết nối thân tình

Ngày 23/3, hai địa phương là thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức chương trình “Hải Vân Quan - Kết nối thân tình” kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024) và 49 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2024). Đây là 2 địa phương giáp ranh và kết nghĩa đã lâu.

Hải Vân Quan - Kết nối thân tình
Return to top