ClockThứ Năm, 07/04/2011 14:29

Vườn Huế & thú chơi kiểng ở Huế

TTH - Sinh thời, nhà Việt Nam học nổi tiếng, giáo sư Trần Quốc Vượng có một nhận xét rất độc đáo về Huế trong tương quan với các đô thị lớn của đất nước ở ba miền: “Nếu Hà Nội là một đô thị hướng nội, Sài Gòn là một cảng thị thì Huế lại là một thành phố vườn, thành phố thơ”.

Vườn Huế

Đúng là thiên nhiên đã ưu đãi và ban tặng cho xứ Huế thật nhiều: Núi biếc trập trùng, rừng xanh ngút ngàn, đầm phá mênh mang, những bãi biển tuyệt đẹp, và cả một dòng sông huyền thoại gắn liền với thi ca, nhạc họa… Ngay từ thuở ban đầu, khi chọn Huế để định đô, chúa Nguyễn đã biết vận dụng những ưu thế của vùng đất để kiến tạo nên một đô thị Huế đầy bản sắc- một thành phố gắn liền và chan hòa trong thiên nhiên, một thành phố vườn đậm chất thơ.

Vườn Huế với cây kiểng, hồ nước
Lớp lớp những thế hệ kế tục đã xây dựng Huế ngày càng thêm đẹp, nhất là khi vùng đất này trở thành kinh đô của cả nước Việt Nam thống nhất trong suốt thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20.
Huế là một thành phố-kinh đô xanh màu thiên nhiên với hàng chục khu vườn Ngự, hàng trăm phủ đệ, nhà vườn, chùa chiền, đàn miếu và những khu lăng tẩm mênh mông ở phía thượng nguồn sông Hương. Bản thân dòng sông cũng là một dải lụa xanh nối kết giữa miền kinh thành ở phía đông và miền lăng tẩm ở phía tây, tạo nên một sự cân bằng tuyệt vời giữa hai cõi âm-dương, điều chỉ riêng có ở đô thị Huế.

Một góc vườn của Tịnh Tâm Kim Cổ
Vườn ngự, tức vườn hoàng gia, được xây dựng cả bên trong và bên ngoài hoàng cung, là nơi tập hợp hoa thơm cỏ lạ trong cả nước và in dấu ấn của những bàn tay nghệ nhân tài hoa nhất về nghệ thuật đắp giả sơn, tạo mặt nước, tạo cây kiểng và xây dựng các kiến trúc nghệ thuật. Ít ai biết rằng, kinh đô Huế từng có hơn 30 khu vườn ngự với những phong cách riêng rất đặc sắc. Riêng trong Hoàng thành và Tử cấm thành đã có đến 5 khu vườn Ngự: vườn Thiệu Phương, Ngự Viên, vườn Cơ Hạ, Hậu Hồ và cung Trường Ninh với tổng diện tích gần 90.000m2, tức chiếm đến 1/4 diện tích Hoàng cung. Bên ngoài hoàng thành nhưng vẫn nằm trong kinh thành lại có hồ Tịnh Tâm, vườn Thư Quang, vườn Thường Mậu, cung Khánh Ninh, cung Bảo Định, vườn Thường Thanh… rất nổi tiếng bởi những công trình kiến trúc đặc sắc và đầy chất nghệ thuật. Ra hẳn bên ngoài kinh thành là những khu vườn hoàng gia đóng vai trò như những ly cung, nằm ở vùng Đông Trì hay Kim Long, và nằm ngay cả trên hòn đảo nổi trên sông Hương vốn được chọn làm “Hữu bạch hổ” cho kinh thành, làm nên tên riêng cho đảo - vườn Dữ Dã hay quen gọi là Dã Viên.

Tranh gương vẽ cảnh vườn Thiệu Phương
Nhưng độc đáo nhất vẫn là những khu lăng tẩm, được thiết kế theo kiểu kiến trúc vườn đầy vẻ lãng mạn với diện tích mặt nước rất lớn. Lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức… đều là những khu vườn sinh thái rộng từ hàng chục đến hàng trăm héc ta. Chính kiểu kiến trúc vườn đã tạo cho những công trình vốn dành cho thế giới bên kia lại tràn ngập sinh khí, “nơi tang tóc mỉm cười, vui tươi thổn thức”, khiến biết bao du khách phải ngẩn ngơ khi viếng thăm.

Tranh gương thời Nguyễn vẽ cảnh hồ Tịnh Tâm
Và phong phú, đa dạng hơn là những phủ đệ-nhà vườn, chùa- vườn, đàn-vườn, miếu –vườn cùng nhà vườn dân gian có mặt ở khắp mọi nơi trong thành phố và vùng phụ cận. Mỗi công trình dù quy mô lớn hay nhỏ đều vận dụng kiểu kiến trúc vườn, tạo nên những không gian riêng mềm mại mà cá tính. Có lẽ, đó là điểm nổi bật nhất của phong cách Huế (hay tính cách Huế) thể hiện trong kiến trúc.
Thú chơi cây kiểng
Gắn với vườn là nghệ thuật chơi cây kiểng và các loài hoa quý. Huế nổi tiếng là thành phố vườn dĩ nhiên cũng nổi tiếng bởi nghệ thuật chơi kiểng với những phong cách riêng.

Huế là thành phố xanh màu thiên nhiên
Thú chơi cây kiểng ở Huế có từ rất sớm. Mấy trăm năm trước, nhiều giáo sĩ, nhà buôn phương Tây khi đến Huế đã hết sức ngạc nhiên bởi tại thành phố yêu kiều này nhà nhà đều có vườn cây và ít nhiều chậu cảnh trang trí. Đến khi trở thành kinh đô của cả nước, đất Huế là nơi tụ họp của các nghệ nhân tài hoa nhất trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực dựng vườn, tạo kiểng. Nghệ nhân tạo kiểng ở Huế biết chắt lọc tinh hoa từ các phong cách chơi và tạo kiểng của nhiều trường phái khác nhau để tạo nên một phong cách riêng của đất Thần kinh: tinh tế, quý phái mà tự nhiên.

Nghệ thuật làm vườn và tạo kiểng là nghệ thuật mô phỏng và thu nhỏ thiên nhiên, nhưng phải là những gì tinh túy nhất của tự nhiên để tác phẩm tạo nên phải cao hơn tự nhiên. Với những gì đã và đang có, Huế xứng đáng với vị thế một trung tâm hàng đầu của đất nước về nghệ thuật vườn và cây kiểng. “Vẻ đẹp Huế” chẳng nơi nào có được như lời một bài hát nổi tiếng về đất cố đô âu cũng là từ đó. Festival nghề truyền thống với chủ đề “Bếp Việt trong vườn Huế” tổ chức từ ngày 30/4 đến 3/5 năm nay sẽ là cơ hội tuyệt vời để du khách gần xa hiểu thêm về một nét đặc sắc của vùng đất Thần Kinh văn vật.
Phàm là chơi cây kiểng, ai cũng biết 3 tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá một cây kiểng đạt đến mức nghệ thuật là: cổ - kỳ - nhã. Cổ là đánh giá tuổi cây, trông càng già lão càng quý. Kỳ là đánh giá dáng vẻ của cây, càng kỳ lạ càng hiếm quý. Còn Nhã là đánh giá thần thái, phong cách của cây, càng trang nhã, quý phái càng quý. Cây kiểng mà đạt được cả 3 tiêu chí trên thì được người ta xem như đồ trân bảo. Nhưng ở Huế, ngoài 3 tiêu chí trên vẫn còn một tiêu chí khác rất quan trọng, đó là “ý”. Ý ở đây là ý tưởng, ý thơ toát lên từ cây kiểng. Một chậu kiểng đạt đến đỉnh nghệ thuật phải hội tụ đủ cả 4 yếu tố: cổ -kỳ -nhã -ý. Có lẽ chỉ có tại Huế, xứ sở mà mỗi người dân bẩm sinh đã là một nhà thơ thì mới có thêm tiêu chí này. Cũng chính vì vậy, cây kiểng có xuất xứ Huế trở nên rất nổi tiếng và luôn có giá rất cao trên thị trường từ xưa đến nay.
Như một bản năng, nghệ nhân Huế tạo kiểng bao giờ cũng thuận theo thế tự nhiên của cây để xây dựng cá tính cho cây chứ không cố công gò ép, đi ngược lại quy luật tự nhiên. Có lẽ đó là do triết lý đạo Phật đã thuần nhuần trong họ, khiến mọi suy nghĩ sáng tạo dẫu có độc đáo bao nhiêu thì vẫn tôn trọng chữ thuận, tức thuận theo quy luật tự nhiên của đất trời. Cũng vì vậy mà cây kiểng Huế dù có toát lên vẻ cổ nhưng không suy, kỳ nhưng không nghịch, và bao giờ cũng mang thần thái cao quý, trang nhã, giàu ý thơ.
Huế lại là điểm trung độ của đất nước cả về địa dư và khí hậu, rất nhiều loài thảo mộc hoa cỏ tiêu biểu của cả hai miền Nam, Bắc đều sinh trưởng được ở Huế. Cũng vì thế, các loài kiểng của Huế rất đa dạng, cây kiểng từ Huế cũng được trao đổi, luân chuyển đến khắp mọi nơi.
TS Phan Thanh Hải
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế

TIN MỚI

Return to top