ClockThứ Tư, 15/07/2020 14:54

Xử lý nghiêm nạn “chặt chém” du khách

TTH - Du lịch Huế được nhiều hãng du lịch, báo giới, du khách trong nước và thế giới đánh giá cao và bình chọn là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Thế nhưng, thi thoảng vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh” bằng việc cò mồi, nâng giá, “chặt chém” du khách.

Chuẩn bị đón khách quốc tếTrải nghiệm tour ngắm hoàng hôn trên phá Tam Giang

Việc chấn chỉnh tình trạng chặt chém du khách nhằm gìn giữ môi trường du lịch an toàn. (Trong ảnh: Du khách nước ngoài mua hàng lưu niệm trên khu phố Tây)

Khi “thượng đế” bức xúc

Dù đã nhiều lần các đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra, xử phạt những hàng quán “chặt chém” khách hàng ở Huế nhưng thi thoảng vấn nạn này vẫn tái diễn. Những khách hàng này vô cùng bức xúc, họ đã chia sẻ về việc bị chặt chém lên các trang mạng xã hội, ít nhiều đã ảnh hưởng đến thương hiệu mà ngành du lịch và chính quyền đã ra sức gầy dựng lâu nay.

Gần nhất, vào ngày 12/7, một đoàn khách ở Quảng Trị có chuyến công tác ở Kinh thành Huế ghé vào một quán bún bò trên đường Lê Huân, TP. Huế để ăn sáng. Ăn xong mọi người trong đoàn giật mình khi chủ quán tính giá 60.000 đồng/tô. Sự việc sau đó được chia sẻ lên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc bởi mức giá đó khó chấp nhận được.

Ngay khi nhận được thông tin, Đội Quản lý thị trường số 2 – Cục Quản lý thị trường tỉnh đã vào cuộc xác minh thông tin và xác định quán bún này đã vi phạm quy định “không niêm yết giá hàng hóa tại điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật”. Vi phạm này được lập biên bản và xử phạt 750.000 đồng.

Trước đó, vào giữa năm 2019, Công an phường Hương Long (TP. Huế) cũng xử phạt hành chính trường hợp L.T.E trú trên địa bàn phường vì hành vi “Dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản” của khách du lịch trong lúc bán hàng trước khu vực chùa Thiên Mụ. Bà E. bán 1,7 kg măng cụt cho một vị khách nước ngoài với giá 100.000 đồng. Tuy nhiên do không rõ mệnh giá tiền Việt, vị khách đã đưa cho bà E. 1 triệu đồng. Khi vị khách yêu cầu trả lại tiền thừa thì bà E. ra hiệu số tiền này đã đủ và không có tiền thừa.

Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng công an đã mời bà E. lên làm việc và bà đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Bà E. bị xử phạt 1,5 triệu đồng và buộc phải trả lại số tiền 1 triệu đồng đã chiếm đoạt của du khách.

Giữ gìn hình ảnh du lịch Huế

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, lâu nay việc gìn giữ hình ảnh du lịch Huế, trong đó việc xử phạt những trường hợp tính giá bất hợp lý đối với du khách được các ban ngành liên quan thực hiện một cách nghiêm minh. “Mỗi khi nắm được thông tin, sở liên hệ với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc đến kiểm tra và có hình thức xử phạt nếu đúng như phản ánh”, ông Giang nói.

Ông Giang cũng khẳng định trong thời gian tới, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo an toàn cho du khách, làm lành mạnh môi trường kinh doanh, giữ hình ảnh du lịch Huế thân thiện, mến khách. Ngoài ra, sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến, mở các lớp bồi dưỡng về văn hóa giao tiếp, ứng xử và phục vụ trong hoạt động du lịch tới người dân, các doanh nghiệp tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh, kiểm tra, nhất là ở các địa bàn trọng điểm về du lịch; yêu cầu niêm yết giá rõ ràng để hạn chế và tiến tới xóa bỏ những hành vi định giá bán bất hợp lý đối với hàng hóa, dịch vụ cho khách du lịch.

Liên quan đến việc này, ngày 14/7, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã có văn bản tăng cường kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, giá cả hàng hóa, dịch vụ đến các đội quản lý thị trường. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ, du lịch là tâm điểm, nhất là vào mùa cao điểm du lịch nội địa khi học sinh nghỉ hè.

Cụ thể, ngành quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát những địa bàn, khu vực, mặt hàng kinh doanh trọng điểm, các khu tham quan du lịch, điểm tổ chức lễ hội, trung tâm thương mại cũng như các dịch vụ trông giữ phương tiện, ăn uống, giải khát… Ngoài ra, tăng cường quản lý theo địa bàn, giám sát việc thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá đã niêm yết cũng như bố trí tổ công tác ứng trực để xử lý kịp thời các tình huống bất thường.

Khách đến Huế gặp sự cố nên liên hệ đường dây nóng

Đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch đến Huế được thiết lập từ nhiều năm qua với hai đầu số công khai: 0234.3828288 hoặc 0234.3501111. Ngoài ra, du khách, người dân có thể gọi phản ánh qua số đường dây nóng của Ban chỉ đạo 389 của tỉnh: 0918.079.389.

Các đường dây nóng này ngoài giúp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch thông qua những phản ánh của du khách, còn là nơi tiếp nhận những cuộc gọi khẩn cấp khi du khách gặp sự cố trong quá trình du lịch đến Huế.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chấn chỉnh công tác đón khách du lịch tàu biển

Mỗi đợt tàu du lịch biển cập Cảng Chân Mây, lại xảy ra tình trạng bát nháo khai thác khách du lịch bên ngoài cảng theo kiểu tự phát, không qua đơn vị lữ hành được cấp phép. Đáng nói là dù Sở Du lịch và các ban, ngành, đơn vị nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nhưng cách thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi.

Chấn chỉnh công tác đón khách du lịch tàu biển
Hình ảnh làm xấu du lịch Huế

Một trong những hình ảnh không đẹp xuất hiện tại thành phố hiện nay là nhiều người vô ý thức biến nơi công cộng thành "nhà vệ sinh công cộng".

Hình ảnh làm xấu du lịch Huế
Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân

Nếu như “Avatar” là một thủ thuật của marketing để tạo dựng, củng cố hình ảnh cá nhân, nhận diện thương hiệu cho một hay nhóm sản phẩm nào đó, thì “Avatar” của làng hương Thủy Xuân được tạo ra theo một cách hết sức thú vị, ít ai ngờ tới.

Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân
Return to top