ClockThứ Bảy, 19/06/2010 22:09

Xung quanh nghi vấn “ Vua Tự Đức là con của ai ?”

TTH - LTS: Chúng tôi vừa nhận được bài viết của tác giả Trân Huyền xung quanh các "nghi án" lịch sử dưới triều Nguyễn. Bắt đầu từ hôm nay ( 19.6), Báo Thừa Thiên Huế xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Kỳ I bài viết: Xung quanh nghi án " Vua Tự Đức là con ai?" Nhưng kỳ tiếp theo sẽ được đăng tải trên báo in và Thừa Thiên Huế online vào này thứ 7.Mời độc giả đón xem

Một ngày đầu xuân Đinh Hợi (2007), có một ông cụ tầm 80 tuổi đến tìm tôi ở nơi làm việc. Sau lúc sơ kiến, ông cụ hỏi tôi: “Anh là người nghiên cứu lịch sử, vậy anh có bao giờ nghe chuyện vua Tự Đức không phải là con ruột của vua Thiệu Trị mà là con của đại thần Trương Đăng Quế không?”.

Tôi thưa: “Lời đồn đãi này đã có từ lâu. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước đã cố công tìm hiểu thực hư chuyện này và đã công bố khảo cứu của họ trên nhiều sách báo. Cách nay 15 năm, tôi có đọc một bài viết in trên tạp chí Thế Giới Mới của Quốc Thái viết về chuyện này. Tác giả bài viết này đã xác quyết Trương Đăng Quế không thể là cha ruột của vua Tự Đức với những luận cứ có vẻ rất xác đáng. Sau bài viết này, không thấy ai tranh luận gì thêm. Tôi tưởng mọi việc đã êm rồi”.
 
Ông cụ nói: “Không phải thế đâu. Tôi tặng anh cuốn sách mà tôi đã dày công biên soạn. Toàn bộ bí ẩn của chuyện này đều nằm trong đó. Anh đọc rồi sẽ rõ”. Ông cụ rút trong cái túi mang theo bên mình một cuốn sách, viết lời đề tặng tôi rồi ra về. Cuốn sách tựa là: Bức mật thư ĐẤT - NƯỚC - GIÓ - LỬA trong THƯƠNG SƠN THI TẬP; Tác giả: Trần Như Thổ; Nxb Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2005.
 
Tôi đã đọc cuốn sách này một cách cẩn thận, say mê và chợt nhận thấy rằng: Gần 125 năm sau ngày vua Tự Đức thăng hà, câu hỏi “Vua Tự Đức là con của ai?” vẫn còn là một điều bí ẩn và tiếp tục làm hao tốn giấy mực của giới nghiên cứu.
 
KỲ 1: NHỮNG LUỒNG DƯ LUẬN
 
Chân dung Vua Tự Đức
Vua Tự Đức tên húy là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, trước khi lên nối ngôi được đặt tên Thì, một chữ trong bài Tự chế mạng danh thi của vua Minh Mạng. Ông sinh ngày 25 tháng Tám năm Kỷ sửu (22.9.1829), là con trai thứ hai của hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (con vua Minh Mạng) và bà Phạm Thị Hằng (bà Từ Dũ sau này).
Tháng Giêng năm 1841, vua Minh Mạng thăng hà, hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông được chọn là người kế vị ngai vàng. Ngày 11.2.1841, Miên Tông đăng quang ở Thái Hòa điện, đặt niên hiệu là Thiệu Trị. Phạm Thị Hằng được tân vương phong làm Cung tần. Năm 1843, vua Thiệu Trị phong cho Nguyễn Phúc Hồng Bảo, là con trai trưởng của vua với bà Quí nhân Đinh Thị Hạnh, tước An Phong Công và cho ở tiềm đế, chuẩn bị kế vị ngai vàng sau này. Năm 1844, Thiệu Trị mới phong cho Nguyễn Phúc Hồng Nhậm tước Phúc Tuy Công.
Tháng Tám năm Đinh mùi (9.1847), vua Thiệu Trị ốm nặng, biết khó qua khỏi, nên cho gọi Cố mệnh lương thần Trương Đăng Quế và các đại thần: Vũ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Thiếp vào hầu, và bảo: “Ta nối nghiệp lớn đã 7 năm, ngày đêm lo lắng không dám vui chơi, mấy lâu se mình, hôm nay ta mệt lắm. Ta lo nghiệp lớn của tổ tông phó thác cho ta nên phải lựa chọn người để yên xã tắc. Trong mấy người con, Hồng Bảo tuy là con lớn, nhưng thứ xuất, mà lại kém cõi ít học, ham chơi, nối nghiệp lớn không được. Con thứ hai là Phúc Tuy Công thông minh ham học, giống in như ta đáng nối ngôi vua. Hôm trước ta đã phê vào chiếu để trong long đồng, các ngươi phải kính noi theo, đừng trái mệnh” (Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb. Thuận Hóa, 1995, tr.343).
Tháng Mười năm Đinh mùi (11.1847) vua Thiệu Trị thăng hà. Đình thần triều Nguyễn, đứng đầu là Trương Đăng Quế, đã đưa Hồng Nhậm lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Tự Đức (1848 - 1883). Việc “phế trưởng, lập thứ” này lập tức gây xôn xao dư luận đương thời. Người ta nghi rằng có sự mờ ám trong việc “phế, lập” này và quy cho người gây nên mọi sự chính là Cố mệnh lương thần Trương Đăng Quế. Từ đó nảy sinh mấy nghi vấn: Hồng Nhậm chính là con ruột của đại thần Trương Đăng Quế, được đánh tráo làm con của vua Thiệu Trị và vị đại thần này đã dùng quyền uy của mình ép vua Thiệu Trị đưa Hồng Nhậm lên ngai vàng? hoặc: Trương Đăng Quế tư thông với bà Phạm Thị Hằng, sinh ra Hồng Nhậm. Vua Thiệu Trị không biết chuyện này, chỉ căn cứ vào sở tài và sở đức của Hồng Nhậm mà chọn ông lên kế vị…
Thực hư chuyện này không ai hay, tuy nhiên, từ đó đến nay, vấn đề “vua Tự Đức là con của ai?” đã làm hao tốn tâm trí và giấy mực của các nhà nghiên cứu lịch sử:
 
Lăng vua Tự Đức

 Giáo sĩ Paul Gally, trong một bức thư gửi giáo sĩ Barrau của Hội Thừa sai Paris, đề ngày 15.1.1852, rằng: “Ông hoàng Bảo, cũng gọi là An Phong, với tư cách là trưởng nam của vua Thiệu Trị, tự nhiên đáng lẽ phải kế vị nhà vua… Nhưng ông Cai Trương, mà người ta thường gọi là Ông Quế, vị thượng thư đầy quyền lực ở triều đình đã cướp ngôi của ông, để dành cho con rể của ông ta là Tự Đức” (Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối điện với Pháp và Trung Hoa, 1990, tr. 162).

“Theo lời truyền khẩu, vua Tự Đức là con Trương Đăng Quế thông dâm bà Từ Dũ” (Nguyễn Quang, “Giặc chày vôi”, Phổ thông, Số 32, Ngày 15.4.1960).
“Tương truyền rằng Hồng Nhậm (sau này là vua Tự Đức) là con Trương Đăng Quế, lúc bấy giờ là một quyền thần rất có thế lực tại triều, lại là chồng của một bà công chúa em vua Thiệu Trị, nên xuất nhập bất cấm ở cung điện nhà vua. Nhân dịp vợ vua Thiệu Trị là hoàng thái hậu Từ Dũ và vợ Quế cùng sinh con trai nhằm một ngày, Quế lợi dụng sự bất cấm nói trên để đem con trai mình tên là Trương Quang Đản vào nội (giấu trong tay áo thụng), đánh lộn sòng với con trai vua Thiệu Trị. 
Trong hàng nội giám và thị nữ trong nội cung, có người hay chuyện nhưng không ai dám hé môi vì sợ Quế hãm hại. Có lẽ cũng là một duyên cớ cho Đoàn Hữu Trưng vin vào đó để mưu lật đổ vua Tự Đức và lập con Hồng Bảo là Ưng Đạo lên ngôi” (Hoàng Trọng Thược, Tinh thần trào phúng thi ca xứ Huế, 1973). 
“Dư luận đương thời cho rằng Trương Quang Đản (con Trương Đăng Quế) là con vua Thiệu Trị, còn Tự Đức mới là con của của Trương Đăng Quế tư thông với bà Từ Dũ” (Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb KHXH, 1991).
 “Sử nhà Nguyễn chép về việc của An Phong Quận Vương (Hồng Bảo) quá vắn tắt, chứng tỏ thiếu minh bạch. Di chiếu đức Hiến Tổ (vua Thiệu Trị), tuy có chép trong Quốc triều chính biên, nhưng dính vào việc phế truất ông đương nhiên phải có đại thần Trương Đăng Quế và bà Từ Dũ (Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb. Thuận Hóa, 1995, tr. 349).
 Những luồng dư luận trên, có lẽ, xuất phát từ một loạt các sự kiện liên quan đến việc tranh giành quyền lực giữa hai anh em Hồng Bảo - Hồng Nhậm và sự can thiệp của Trương Đăng Quế để bảo vệ ngai vàng của vua Tự Đức: bắt đầu bằng sự kiện vua Thiệu Trị “phế trưởng, lập thứ” dẫn đến việc Hồng Bảo nổi loạn vào năm 1851, bị vua Tự Đức tống giam và chết trong ngục thất vào năm 1854, và cuối cùng là việc Đoàn Hữu Trưng cầm đầu “loạn Chày vôi” vào tháng 10.1866, âm mưu lật đổ vua Tự Đức, đưa con trai của Hồng Bảo là Ưng Đạo lên ngai vàng, nhưng đã bị thất bại. 
 Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản bác các lời đồn đãi trên và tìm cách chứng minh sự vô can của đại thần Trương Đăng Quế trong việc “phế, lập” của vua Thiệu Trị và cho rằng hoàn toàn không có chuyện dan díu giữa vị Cố mệnh lương thần này với bà Từ Dũ.
Trần Huyền (còn tiếp)
ĐÁNH GIÁ
1
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam

Theo “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn, địa danh Phủ Cam ra đời cùng thời với Phủ Dương Xuân dưới thời các chúa Nguyễn. Cho nên phải gọi là Phủ Cam mới đúng.

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam
Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế

Trong lịch sử vùng Huế, những ngôi làng Việt cổ thường nằm dọc lưu vực sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương. Từ làng xã “gốc” phát triển về thượng nguồn hoặc hạ lưu, hình thành những làng “ngọn”. Vùng đất Phú Lộc, ngoài lưu vực sông Truồi, còn có dải cồn cát ven biển và đầm phá có vị trí chiến lược, vành đai an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng, để bảo vệ Kinh đô Huế.

Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế
Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ

Trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu, ngoài di tích nhà ở, nhà thờ và lăng mộ của cụ Phan, còn có nhiều lăng mộ, bia tưởng niệm… của các chí sĩ yêu nước được đưa vào đặt, an táng ở đây; trong đó, có lăng mộ của nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, một trong những nhân vật được xem là biểu tượng của tinh thần chống Pháp bất khuất cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, ít ai biết vì sao lăng mộ của ông lại được đưa vào an táng trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm Phan Bội Châu.

Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ

TIN MỚI

Return to top