ClockThứ Sáu, 25/06/2010 16:00

Xung quanh nghi vấn “ Vua Tự Đức là con của ai?”

TTH -  Một người là từng làm quan suốt 43 năm, trải ba đời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức; được phong là Lưỡng triều Cố mạng lương thần và Tam triều Thạc phụ; là một bậc đại danh thần của vương triều Nguyễn. 

Kỳ 1: NHỮNG LUỒNG DƯ LUẬN  

Một người là con của đại thần đầu triều, 14 tuổi nhập cung làm vợ của hoàng trưởng tử; 36 tuổi trở thành quý phi; 39 tuổi là hoàng thái hậu; có tầm ảnh hưởng đến 8 đời vua Nguyễn, từ Thiệu Trị cho đến Thành Thái; được tấn tôn là Nghi Thiên Chương hoàng hậu, đức hạnh vang danh.

Vậy, có hay không mối “dan díu” giữa một bậc đại danh thần và một bậc mẫu nghi thiên hạ? 

Kỳ II: MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐẠI THẦN TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ VÀ BÀ TỪ DŨ

 Lưỡng triều cố mạng lương thần
 Trương Đăng Quế tên tự là Diên Phương, hiệu là Đoan Trai, biệt hiệu là Quảng Khê, sinh ngày 1 tháng Giêng năm Quí sửu (1793) tại làng Mỹ Khê, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tổ tiên của ông quê gốc ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, di cư vào Nam dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635) cầm quyền ở Đàng Trong.
Năm 1819, Trương Đăng Quế thi đỗ Hương tiến (tương đương Cử nhân sau này), là người Quảng Ngãi đầu tiên đỗ đạt trong khoa cử thời Nguyễn. Năm 1820, ông nhập quan trường với chức Lễ bộ hành tẩu của triều Minh Mạng; ít lâu sau được thăng lên Biên tu, được bổ làm thầy dạy học cho các vị hoàng tử con vua Minh Mạng. Năm 1830, ông được thăng Công bộ thị lang, rồi Lễ bộ thị lang, đến năm 1831 thì được thăng Hộ bộ tham tri kiêm quản Vũ khố, sung chức Độc quyển thi điện, làm giám khảo chấm bài thi của các tiến sĩ ứng thí thi đình). Năm 1832, ông giữ chức Binh bộ thượng thư, kiêm giữ ấn triện Đô sát viện, sung Cơ mật viện đại thần. Về sau, ông được vinh thăng Lễ bộ thượng thư, Văn Minh điện đại học sĩ, cung hàm Thái phó (sau khi mất được vua Tự Đức truy tặng Thái sư), tước Tuy Thạnh Quận Công.
Tuy chỉ đỗ Hương tiến, nhưng trong suốt 43 năm làm quan, Trương Đăng Quế đã được các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức tin dùng, giao phó đảm trách nhiều chức vụ quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa. Nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc, mang lại những thành tựu đáng nể phục cho triều đình và đất nước.
 
Hệ thống trường lang nối liền các Diên Thọ Chính Điện, Thọ Ninh Điện, Trường Du Tạ… dẫn vào Khương Ninh Các và Phước Thọ Am.

Tuy quyền cao chức trọng, nhưng Trương Đăng Quế lại là người sống giản dị và thanh liêm; phong thái ung dung, tự tại. Chính vì thế mà ông đã hai lần được giao trọng trách Cố mạng lương thần: lần thứ nhất phụng mệnh vua Minh Mạng đưa vua Thiệu Trị lên ngai vàng (1841); lần thứ hai vâng mệnh vua Thiệu Trị đưa vua Tự Đức lên ngôi báu (1847).

Khi đến tuổi hưu, ông phải nhiều lần dâng sớ xin về quê hưu dưỡng, vua Tự Đức không thuận, cố tìm cách lưu dụng ông; sau mấy phen đình hoãn mới y cho vì không muốn làm trái ý Thạc phụ. Ngày Trương Đăng Quế quy hương, đình thần đặt tiệc ở bến sông Hương; còn hoàng thân, công chúa thì đặt tiệc ở đình tiếp khách của Thương Sơn Công Miên Thẩm để đưa tiễn. Thơ văn tống tiễn không kém một nghìn bài.
Lúc về trí sĩ ở quê nhà, Trương Đăng Quế vẫn lo nghĩ đến chuyện quốc sự, nên thường xuyên dâng tấu tham vấn cho vua Tự Đức. Sau khi ông mất, vua và đình thần thương tiếc không nguôi; đích thân Tuy Lý Công Miên Trinh soạn văn bia khắc vào bia đá dựng trước mộ ông (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Tập 3, Nxb Thuận Hóa, tr. 423).
 Nghi Thiên Chương hoàng hậu Từ Dũ
Bà Từ Dũ tên húy là Phạm Thị Hằng, sinh ngày 19 tháng Năm năm Canh ngọ (1810) tại Tân Hòa, Gia Định (nay thuộc huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Bà là con gái của Lễ bộ thượng thư Phạm Đăng Hưng, điện hàm Cần Chánh điện đại học sĩ, tước Đức Quốc Công.
Thuở nhỏ bà thích đọc sách, thông kinh sử, tính tình hiếu hạnh. Năm 14 tuổi, bà được Thuận Thiên Cao hoàng hậu (mẹ vua Minh Mạng), tuyển vào cung làm vợ của hoàng trưởng tử Miên Tông đang ở tiềm để, chờ ngày nối ngôi. Năm 1829, bà sinh hạ hoàng nam Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, sau khi đã sinh cho Miên Tông hai hoàng nữ vào các năm 1824 và 1826. Năm 1841, vua Thiệu Trị bước lên ngôi báu, bà được phong làm Cung tần; năm 1843 được phong làm Thành phi; đến năm 1846 được phong làm Quý phi, là bậc cao nhất trong cửu giai (9 thang bậc quy định chức phận của các bà vợ vua).
Là người thông minh, học rộng, nhớ nhiều, nên bà được vua Thiệu Trị tin cẩn, thường hay tham vấn. Khi vua ngự ở điện Khâm Văn để bàn việc nước, bà được ngồi ở sau vách để nghe lời tâu của bá quan và lời chỉ thị của vua để khi cần mà trình lại. Trong cung thì bà hết lòng nuôi nấng, dạy dỗ các hoàng tử và hoàng nữ. Vì thế vua Thiệu Trị rất ngợi khen và trọng vọng bà, mỗi khi diện kiến thường gọi là phi mà không gọi tên. Khi vua Thiệu Trị lâm bệnh nặng, bà hầu hạ ngày đêm, vì thế, những việc cơ mật về sau bà đều được vua dặn dò kỹ càng. Trước lúc lâm chung, vua Thiệu Trị bảo quần thần “Quí phi là nguyên phối của trẫm, phúc đức hiền minh giúp việc trong cung cho trẫm đã 7 năm, ý trẫm muốn lập làm hoàng hậu. Tiếc thay chưa kịp” (Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb. Thuận Hóa, 1995, tr. 280).
Năm 1849, vua Tự Đức tôn bà làm hoàng thái hậu. Đến năm 1883, vua Tự Đức thăng hà, để lại di chiếu tấn tôn bà làm Từ Dũ hoàng thái hậu, nhưng đến năm 1885 mới làm lễ tôn phong.
Là người ở vị trí cao nhất trong nội cung suốt 7 đời vua, từ Tự Đức cho đến Thành Thái, bà Từ Dũ là người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn. Vì thế, các phe phái trong triều luôn tìm cách trá mệnh bà trong các việc “phế, lập” các vị vua. Sau khi xảy ra vụ Kinh đô thất thủ vào tháng 7.1885, bà bị ép đưa ra Quảng Trị nhưng bà không chịu đi, đình thần phải đưa bà tạm lánh vào Khiêm lăng. Sau khi tình hình trong cung tạm yên, Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường mới rước bà trở về Đại Nội Huế.
Theo ghi chép của sử sách triều Nguyễn, bà là người đức hạnh, biết chăm lo cho chồng, là người mẹ nghiêm khắc của vua Tự Đức và rất được các vị vua kế nhiệm kính nể, tôn sùng. Bà mất năm 1901, hưởng thọ 92 tuổi.
Có hay không mối tư thông giữa đại thần Trương Đăng Quế và bà Từ Dũ?
Theo tác giả Quốc Thái, trong bài viết “Vua Tự Đức con ai?” in trên tạp chí Thế Giới Mới vào tháng 9.1992, thì vua Tự Đức không thể là con trai của Trương Đăng Quế vì không thể có chuyện dan díu giữa Trương Đăng Quế và bà Phạm Thị Hằng. Sở dĩ như thế là vì những lý do sau:
- Khi sinh Hồng Nhậm, bà Phạm Thị Hằng “mới 15-16 tuổi, hoàng trưởng tử Miên Tông mới 23 tuổi, đang độ cường tráng thanh xuân, khí huyết phương cương, tràn trề nhựa sống, lại thương yêu bà hết mực và tương lai sẽ lên ngôi vua. Thế thì bà Phạm Thị Hằng còn ước muốn cái gì trên đời này nữa mà lại đi tư thông với một ông quan đáng tuổi cha mình. Vào thời điểm đó, Trương Đăng Quế còn là một ông quan bình thường, chưa có địa vị và tên tuổi gì đáng kể tại triều đình Huế” (Quốc Thái, Bài đã dẫn, tr. 16).
- Tự Đức sinh ra dưới triều Minh Mạng, là thời kỳ vàng son cực thịnh của vương triều Nguyễn. Vua Minh Mạng là một ông vua chuyên chế, cực kỳ nghiêm khắc, siêng năng cần mẫn, thận trọng và quán xuyến tối đa trong mọi việc. “Đây là thời kỳ quân chủ pháp trị, kỷ luật nghiêm minh, trật tự quy cũ, thưởng phạt đâu ra đó. Vậy thì cho dù bị “tiếng sét ái tình”, thử hỏi một cô gái xuân xanh, con quan đại thần như Phạm Thị Hằng và một ông quan cực kỳ khôn ngoan như Trương Đăng Quế có dám phiêu lưu mạo hiểm, vượt qua Tử Cấm Thành, qua mặt quan quân, thái giám và tam cung lục viện để “vuốt râu, giỡn mặt” vua Minh Mạng, người luôn sẵn sàng ban phát ân huệ “tru di tam tộc” kia không?” (Quốc Thái, Bài đã dẫn, tr. 16).
- Bà Phạm Thị Hằng vào cung làm vợ Miên Tông lúc mới 14 tuổi, hoàn toàn xa lạ với nề nếp sinh hoạt cung đình. Bà lại được chính Thuận Thiên Cao hoàng hậu tuyển chọn cho cháu đích tôn (Miên Tông), là người được chính tay bà chăm sóc nuôi nấng từ nhỏ, nay đang ở ngôi Đông Cung thái tử, chuẩn bị kế vị ngai vàng. Vậy thì, “Phạm Thị Hằng hẳn nhiên là cái “đích” được giám sát tối đa bởi Thuận Thiên Cao hoàng hậu và toàn thể thái giám, cung nga thể nữ trong cung, nên bà có dám phiêu lưu làm cái chuyện tày trời kia không?” (Bài đã dẫn, tr. 17).
- Về phần Trương Đăng Quế, ông là một danh thần được trọng dụng suốt 3 triều vua Nguyễn. Sở dĩ ông được vua Minh Mạng tin dùng vì ông đã chứng tỏ tài đức của mình; đã được thử lửa thử vàng. Xung quanh ông lại có nhiều quan lại thanh liêm, trung nghĩa như Nguyễn Tri Phương, Lê Văn Đức, Phan Thanh Giản, Võ Trọng Bình… đều là những người quả cảm và tinh tường. Liệu Trương Đăng Quế có dám qua mặt vua Minh Mạng, hoàng trưởng tử Miên Tông và các đại thần kia để chơi trò “chim chuột” với một cung nữ như Phạm Thị Hằng? (Bài đã dẫn, tr. 17).
 
Toàn cảnh Khương Ninh Các và Phước Thọ Am, nơi liên quan đến nghi án tư thông giữa Trương Đăng Quế và Phạm Thị Hằng.

Với những biện giải trên đây, tác giả Quốc Thái bác bỏ hoàn toàn “mối tư tình” giữa Trương Đăng Quế và Phạm Thị Hằng. Đến nay, thực hư chuyện này vẫn chưa rõ, nhưng những lập luận của ông Quốc Thái về những “điều không thể” trong việc tạo nên “mối dan díu” giữa Trương Đăng Quế và Phạm Thị Hằng thì chưa thực sự thuyết phục. Dưới đây là những điểm đáng lưu ý:

- Trương Đăng Quế sinh năm 1793. Phạm Thị Hằng sinh năm 1810. Hai người cách nhau 17 tuổi. Trong chuyện yêu đương, khoảng cách đó không phải là một trở ngại. Năm 1829, khi sinh hạ Hồng Nhậm, Phạm Thị Hằng đã 20 tuổi, Trương Đăng Quế mới 36 tuổi. Trên phương diện luyến ái, đây là những độ tuổi đang “sung” đối với cả hai phía. Ngoài ra, vua Thiệu Trị mất năm 41 tuổi do bạo bệnh, vậy thì cái sự “cường tráng thanh xuân, khí huyết phương cương, tràn trề nhựa sống” của Miên Tông vào năm 23 tuổi như ông Quốc Thái khẳng định chưa hẳn chính xác.
- Mặc khác, bảo Trương Đăng Quế không dám vượt qua Tử Cấm Thành, qua mặt thái giám và cung nga thể nữ để “tư thông” với Phạm Thị Hằng là không có cơ sở, vì Tử Cấm Thành là nơi ở của vua, các cung phi mỹ nữ và các hoàng tử, hoàng nữ chưa có gia đình. Miên Tông là hoàng trưởng tử đang ở tiềm để; đã lập thê thiếp, hẳn phải ở phủ riêng, không nằm trong Tử Cấm Thành. Việc quản lý ở nơi tiềm để sẽ không nghiêm nhặt bằng nơi cung cấm của vua và các cung phi. Ngoài ra, do vào thời điểm 1828 - 1829, vì Trương Đăng Quế đang là một vị quan nhỏ trong triều và Phạm Thị Hằng chỉ là một Cung tần, vợ thứ của một hoàng trưởng tử, nên càng ít ai để ý, giám sát.
- Phạm Thị Hằng được Thuận Thiên Cao hoàng hậu sủng ái, thường gọi vào nơi ở của bà (cung Trường Ninh, nằm ngoài Tử Cấm Thành) để dạy bảo và hầu hạ. Đó chính là những dịp thuận lợi để chuyện “dan díu” có thể xảy ra, nếu muốn.
Và một trong những chỗ mà Thuận Thiên Cao hoàng hậu và Phạm Thị Hằng thường lui tới là Khương Ninh Các, một tòa lầu quạnh quẻ và bí ẩn nằm ở góc sau cung Diên Thọ, chính là nơi mà “Bức mật thư ĐẤT - NƯỚC - GIÓ - LỬA trong Thương Sơn thi tập” khẳng quyết là nơi đã diễn ra nghi án “tư thông” giữa Trương Đăng Quế và Phạm Thị Hằng.
 
Trân Huyền ( còn tiếp)
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam

Theo “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn, địa danh Phủ Cam ra đời cùng thời với Phủ Dương Xuân dưới thời các chúa Nguyễn. Cho nên phải gọi là Phủ Cam mới đúng.

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam
Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế

Trong lịch sử vùng Huế, những ngôi làng Việt cổ thường nằm dọc lưu vực sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương. Từ làng xã “gốc” phát triển về thượng nguồn hoặc hạ lưu, hình thành những làng “ngọn”. Vùng đất Phú Lộc, ngoài lưu vực sông Truồi, còn có dải cồn cát ven biển và đầm phá có vị trí chiến lược, vành đai an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng, để bảo vệ Kinh đô Huế.

Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế
Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ

Trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu, ngoài di tích nhà ở, nhà thờ và lăng mộ của cụ Phan, còn có nhiều lăng mộ, bia tưởng niệm… của các chí sĩ yêu nước được đưa vào đặt, an táng ở đây; trong đó, có lăng mộ của nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, một trong những nhân vật được xem là biểu tượng của tinh thần chống Pháp bất khuất cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, ít ai biết vì sao lăng mộ của ông lại được đưa vào an táng trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm Phan Bội Châu.

Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ
Return to top