ClockThứ Năm, 23/10/2014 13:12

Ý thức di sản

TTH - Những ngày qua, dư luận không chỉ ở Huế lại xôn xao về chuyện ứng xử với di tích, đó là chuyện tấm bia “Đông Gia Kiều” vốn được dựng đầu cầu Đông Ba cách đây hơn 170 năm đã bị “mất tăm” sau khi cây cầu này được đầu tư xây dựng mới.

Lý do được báo chí dẫn lời lãnh đạo Sở Xây dựng là “do khi thiết kế, chủ dự án đã không đưa chi tiết tấm bia cổ vào bản vẽ; hội đồng tuyển chọn do không đi thực địa nên không hề biết có tấm bia cổ. Giám đốc Sở VH-TT&DL và giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế là thành viên hội đồng nhưng cũng không có ý kiến.” Không có trong thiết kế nên đơn vị thi công không đưa vào, đó là điều dễ hiểu và không thể trách cứ.

Điều đáng nói là, sau khi sơ sót này được phát hiện, một quan chức quản lý của ngành giao thông đã giải thích tỉnh rụi, đại ý, cho dù có đặt lại tấm bia thì cũng không ai đọc, vì bây giờ mấy ai biết chữ Hán (!??)

Cầu Đông Ba là một trong những cây cầu cổ nhất Huế. Cây cầu bắc qua sông Gia Hội tại vị trí mé ngoài cửa Đông Ba (nối từ đường Đào Duy Từ sang đường Nguyễn Chí Thanh hiện nay). Chiếu theo sử liệu thì cầu được xây dựng bằng gỗ vào năm 1808, khởi thuỷ được đặt tên là cầu Đông Hoa (Đông Hoa Kiều). Đến dưới thời Thiệu Trị, vì kỵ tên húy của thân mẫu nhà vua - nên cầu được đổi thành Đông Gia Kiều. Sự kiện này được biết diễn ra năm 1841. Có nghĩa tấm bia Đông Gia Kiều đã tồn tại cùng tuế nguyệt đến nay là 173 năm.

Gần 2 thế kỷ tồn tại, dù đã được tu đi sửa lại không ít lần, nhưng cầu Đông Ba đã không còn đáp ứng nhu cầu đi lại của một đô thị đang phát triển. Cuối năm 2012, UBND tỉnh đã quyết định tháo dỡ cầu cũ, đầu tư xây dựng mới vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép với quy mô chiều dài toàn cầu 91m; rộng 10,5m, gờ lan can mỗi bên rộng 0,25m. Cùng với việc xây mới cầu cũng đồng thời sẽ cải tạo chỉnh trang đường hai đầu cầu, mở rộng các nút giao thông khu vực đường vào cầu... Cây cầu mới đã hoàn thiện đưa vào sử dụng và lập tức xảy ra điều tiếng làm mất vui cho một công trình ý nghĩa của Huế.

Việc nghiên cứu vị trí để đặt lại tấm bia cho cầu Đông Ba là ý kiến được nhiều người đồng tình, theo dư luận mà chúng tôi nắm được. Bởi lẽ cũng khó ai có thể phản bác ý kiến hết sức xác đáng của nhà nghiên cứu Phan Thuận An khi ông cho rằng “tấm bia đá này là một chứng tích lịch sử có giá trị, gắn liền với quá trình xây dựng kinh thành Huế của triều Nguyễn, cũng như các giai đoạn chỉnh sửa và hình thành nên cây cầu này. Việc vứt bỏ tấm bia đá đã làm mất giá trị di sản văn hóa mà Huế đang cố gắng gìn giữ. Nếu giữ lại tấm bia đá này thì giá trị chiếc cầu mới tăng lên!”.

Việc cần kíp hiện nay là cho kiểm tra xem tấm bia đang ở đâu để mà giữ gìn, bảo vệ, tránh những hành vi- đôi khi là vô tình- nhưng gây tổn hại đối với hiện vật. Sở dĩ phải nói lên điều này là bởi cách đây vài năm, chúng tôi đã từng ngạc nhiên và ái ngại khi thấy một tấm bia cổ được dựa hờ hững vào một gốc thông bên chân đàn Nam Giao, trong khuôn viên di tích. Chất liệu và dạng tự đều rất xưa cũ nhưng thiếu đi sự chăm sóc, bảo vệ. Chúng tôi đã lên tiếng cảnh báo trên báo Thừa Thiên Huế. Rất buồn là không lâu sau trở lại, thấy tấm bia không những không được chăm sóc mà còn bị… đập vỡ làm đôi; và sau đó không biết số phận tấm bia này ra sao?

Từ câu chuyện tấm bia cổ “Đông Gia Kiều” lại nhớ về chuyện gần chuyện xa của Huế- Huế theo nghĩa rộng chứ không chỉ là Huế theo địa giới hành chính. Gần như chuyện chỉnh trang sông Ngự Hà buộc phải tạm ngưng vì chưa bảo đảm các nguyên tắc về bảo tồn, trùng tu di tích. Xa hơn chút nữa là chuyện gắn tên cầu Trường Hà thay vì lẽ ra phải là Trừng Hà mà đến nay vẫn còn không ít người ấm ức; hoặc chuyện gắn tên cầu Tràng Tiền thay vì Trường Tiền sau khi cây cầu này được đầu tư xây dựng lại khiến cho sau đó báo chí truyền thông phải tốn không ít giấy mực luận bàn, phê phán, cuối cùng cây cầu cũng được trả lại cái tên nguyên bản Trường Tiền…

Tất cả những câu chuyện đó đang đòi hỏi mỗi người dân Huế chúng ta - những người đang sống trên đất di sản - cần phải luôn thường trực ý niệm về trách nhiệm đối với di sản của tiền nhân. Với người dân bình thường điều đó đã quan trọng, với những người có chức trách điều đó lại càng quan trọng bội phần. Giá trị Huế, di sản Huế có sức hút, có lan toả hay không, chính là bắt đầu từ ý thức đó.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân từng kể câu chuyện khiến ông nhớ và “đau” mãi, đó là khi ông dẫn một chuyên gia quốc tế đi thăm di tích Huế, bất chợt bắt gặp dân ta có những hành vi thiếu tôn trọng di tích. Vị chuyên gia này đã bộc trực: “Di tích của các bạn, các bạn không tôn trọng, làm sao khiến những người nước ngoài như chúng tôi tôn trọng ?”...

Hiền An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top