ClockThứ Năm, 08/08/2013 14:06

Đùn đẩy trách nhiệm giải quyết chế độ cho người lao động

TTH - Công ty Du lịch Cố đô Huế (nay đổi tên là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và Du lịch Huế) liên doanh với Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Đầu tư Xây dựng HaCo Hà Nội, thành lập Công ty TNHH HaCo Huế (gọi tắt là HaCo Huế). Một số người lao động (NLĐ) làm việc nhiều năm tại Công ty Du lịch Cố đô được chuyển giao sang làm việc tại HaCo Huế. Hoạt động kinh doanh của HaCo Huế kém hiệu quả, nhiều NLĐ bị mất việc hoặc bị cho thôi việc; Điều đáng nói là việc giải quyết chế độ cho NLĐ lại bị lại các đơn vị đùn đẩy trách nhiệm khiến NLĐ không biết bấu víu vào đâu.
 
Thiệt thòi
 
Theo đơn bà Trần Thị Như Mai (trú tại 287 Đặng Tất, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà), gửi đến Báo Thừa Thiên Huế phản ánh: Năm 1990, bà Mai vào làm tại Công ty Du lịch Ngô Quyền. Đến tháng 6/2003, Công ty này sáp nhập vào Công ty Du lịch Cố đô Huế, bà Mai trở thành nhân viên của Công ty Du lịch Cố đô. Năm 2004, Trung tâm vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên được thành lập (thuộc Công ty Du lịch Cố đô), bà Mai được công ty điều đến công tác tại trung tâm này. Mặc dù chuyển công tác nhiều nơi, nhưng cùng một công ty nên bảo hiểm xã hội của bà Mai được đóng liên tục, không gián đoạn.
 
Tháng 3/2009, Công ty Du lịch Cố đô chuyển nhượng Trung tâm vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên cho Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Đầu tư Xây dựng HaCo Hà Nội, với hình thức góp vốn, thành lập Công ty TNHH HaCo Huế. Trong đó, vốn của HaCo 90% và Cố đô 10%. Bà Mai và một số NLĐ được HaCo Huế tiếp nhận công tác, theo sự chuyển giao của Công ty Du lịch Cố đô. Theo đó, HaCo Huế ký hợp đồng lao động với những NLĐ này.
 
Tháng 4/2012, do Trung tâm vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên hoạt động kinh doanh không hiệu quả, HaCo Huế cho bà Mai và một số NLĐ thôi việc, đồng thời giải quyết chế độ cho họ 1 năm làm việc là ½ tháng lương. Bà Mai có 22 năm công tác, nhưng chỉ được HaCo Huế giải quyết chế độ 8 năm, từ năm 2004 đến 2012 (từ khi Trung tâm vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên (thuộc Công ty Du lịch Cố đô) được thành lập đến năm 2009 bán cho HaCo Huế), còn 14 năm công tác trước đó, HaCo Huế không giải quyết. Một số NLĐ mất việc khác cũng được HaCo Huế bồi thường theo cách tính về thời gian như vậy. Một số khác còn thiệt thòi hơn khi hoàn toàn không được giải quyết chế độ. Khi họ xin thôi việc, HaCo Huế chỉ ra quyết định cho thôi việc (chốt sổ bảo hiểm xã hội) rồi thôi. Họ có đơn yêu cầu HaCo Huế giải quyết quyền lợi chính đáng của mình, tuy nhiên đến nay vẫn không được giải quyết.
 
Đùn đẩy trách nhiệm
 
Theo bà Mai (diện được bồi thường nhưng chưa đủ) và một số người khác (diện hoàn toàn không được bồi thường), vấn đề nêu trên, họ đã có ý kiến với HaCo Huế và Công ty Du lịch Cố đô. Kết quả, NLĐ được “chỉ qua chỉ lại”. “Công ty Du lịch Cố đô nói, việc này thuộc trách nhiệm của HaCo Huế; trong khi HaCo Huế đang “chết”, hoàn toàn không còn hoạt động gì. Đơn của chúng tôi gửi HaCo Huế từ lúc thôi việc đến nay hoàn toàn rơi vào im lặng. Vậy nên, chúng tôi có đòi thì cũng chỉ như “bắt rắn đằng đuôi”, ông N.T.H, nguyên Phó Giám đốc Công ty HaCo Huế, chua chát ví von.
 
Tại Công văn số 1177 ngày 2/10/2012 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trả lời đơn kiến nghị của bà Trần Thị Như Mai về việc giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc đã nêu “Chế độ trợ cấp thôi việc của bà công tác từ năm 1990 đến tháng 2/2009 thuộc trách nhiệm chi trả của Công ty Du lịch Cố đô Huế”. Bà Mai cho biết, sau khi được Sở LĐTB&XH trả lời, bà có đơn gửi Công ty Du lịch Cố đô Huế, nhưng công ty này lại cho rằng, họ đã bàn giao cho công ty HaCo Huế, nên không chịu trách nhiệm về vấn đề này.
 
Hết cách, bà Mai có đơn gửi Công đoàn ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh. Ngày 13/8/2012, Công đoàn ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh gửi thông báo cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Du lịch Huế (Công ty Du lịch Cố đô cũ), về việc cử đoàn công tác về làm việc tại đơn vị về đơn kiến nghị của NLĐ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ngày 14/8/2012, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Du lịch Huế có công văn gửi Chủ tịch Công đoàn ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho rằng “đã chuyển nhượng 90% vốn cho Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Đầu tư Xây dựng tại Hà Nội. Mọi thủ tục từ nhân sự cho đến công nợ, tài sản đều được công ty bàn giao cho Công ty TNHH HaCo Huế điều hành. Vốn của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Du lịch Huế chỉ còn 10%. Đến tháng 6/2012 Công ty đã chuyển hết 10% vốn còn lại cho đối tác”, do đó “đề nghị BCH Công đoàn ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế làm việc trực tiếp với Công ty TNHH HaCo Huế…” Vậy nên đến nay, việc giải quyết chế độ cho bà Mai và nhiều NLĐ có cùng “hoàn cảnh” vẫn chưa được giải quyết.
 
Bà Nguyễn Thị Dung, kiểm soát viên Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và Du lịch Huế:
 
“HaCo Huế phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ mọi chế độ quyền lợi của NLĐ”
 
Theo Quyết định số 2842 ngày 16/12/2008 của UBND tỉnh phê duyệt phương án đưa Trung tâm vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên thuộc Công ty Du lịch Cố đô Huế tham gia góp vốn với Công ty TNHH Tập đoàn TM Đầu tư Xây dựng HaCo (Hà Nội), để thành lập Công ty TNHH mới (tức Công ty TNHH HaCo Huế), thì Công ty TNHH mới thành lập “Có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa thực hiện các nghĩa vụ liên quan đối với toàn bộ số lao động của Công ty Du lịch Cố đô Huế đang làm việc tại Trung tâm vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên theo các qui định hiện hành của Nhà nước”;
 
Theo Hợp đồng liên doanh ngày 25/01/2009 giữa Công ty Du lịch Cố Đô Huế và Công ty TNHH Tập đoàn TM Đầu tư Xây dựng HaCo, quy định tại Điều 19 về lao động thì “Công ty liên doanh sẽ kế thừa toàn bộ số lao động hiện có tại Trung tâm vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên và toàn bộ quyền, nghĩa vụ của NLĐ. Việc tuyển dụng lao động cũng như sa thải lao động phải tuân theo các yêu cầu của pháp luật, bảo đảm hợp lý với từng giai đoạn đầu tư và kế hoạch kinh doanh của công ty”.
 
Theo hợp đồng chuyển nhượng vốn góp, ngày 29/3/2012, thì Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và Du lịch Cố đô Huế đồng ý chuyển nhượng 10% giá trị vốn điều lệ (1.660.000.000 đồng) có tại Công ty HaCo Huế cho Công ty TNHH Tập đoàn TM Đầu tư Xây dựng HaCo, với điều kiện kèm theo là: “Bên nhận chuyển nhượng vốn phải kế thừa và chịu trách nhiệm toàn bộ quyền lợi, nghĩa vụ tài chính đối với NLĐ trong 10% vốn điều lệ của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và Du Lịch Huế.”
 
Theo các quy định trên, nay Công ty TNHH HaCo Huế chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ đang làm việc tại Trung tâm vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên, thì HaCo Huế phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ mọi chế độ quyền lợi của NLĐ mà HaCo Huế đã chấm dứt hợp đồng lao động.
 
Ths. Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh, Giám đốc Công ty Ngọc Hạnh và cộng sự, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh:
 
“NLĐ có quyền không chấp nhận chuyện chuyển giao nghĩa vụ, và yêu cầu Công ty Du lịch Cố Đô phải chi trả”
 
Nếu Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và Du lịch Huế vận dụng Điều 19 trong hợp đồng liên doanh giữa 2 công ty (công ty Cố đô và Haco), để cho rằng họ không có trách nhiệm với NLĐ là không đúng. Bởi lẽ, điều khoản này nói “kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ của NLĐ”, chứ không phải là kế thừa nghĩa vụ của người sử dụng lao động trước đó. Do đó, họ không thể cho rằng Công ty HaCo Huế phải kế thừa nghĩa vụ của Công ty Cố đô Huế trước đây.
 
Mặt khác, về chuyển giao nghĩa vụ dân sự, Điều 315 Bộ luật Dân sự quy định “bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ dân sự nếu được bên có quyền đồng ý, trừ nghĩa vụ dân sự gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ”.
 
Theo đó, trong trường hợp này khi Công ty Du lịch Cố đô Huế chuyển giao NLĐ sang cho 1 công ty khác và có liên quan đến nghĩa vụ chi trả trợ cấp mất việc hoặc trợ cấp thôi việc cho NLĐ, thì phải được sự đồng ý của NLĐ (bên có quyền). NLĐ có quyền không chấp nhận chuyện chuyển giao nghĩa vụ này, và yêu cầu Công ty Du lịch Cố đô phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình, là chi trả chế độ trợ cấp thôi việc và mất việc.
 
Phạm Thùy Chi (ghi)
 
Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế

Chiều muộn, một người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm ngồi cặm cụi băng bó hai chiếc chân đế bằng sắt của tấm pano vừa được lắp trên cầu ga Huế. Ông bảo làm thế để tránh thương tích cho người nếu không may va phải, nhất là những ngày này Huế đón người dân, du khách nơi khác về rất đông.

Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Return to top