ClockThứ Hai, 27/02/2023 08:50

Đừng chủ quan với những "buồn buồn, mệt mệt" ở trẻ

TTH - Trầm cảm tuổi học đường hiện đang là căn bệnh đáng báo động. Bệnh lý này gây ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của trẻ. Nguy hiểm nhất là những tác động của bệnh khiến trẻ dần mất niềm tin vào cuộc sống và hầu hết đều có suy nghĩ muốn tự giải thoát bản thân bằng cái chết.

Con trẻ chưa được giáo dục giới tính đúng cáchCần làm rõ đối tượng đục khoét vỏ cây xà cừVấn nạn karaoke di động: Vẫn “khó xử lý!”

leftcenterrightdel

Học sinh, sinh viên ở nước ta phải đối mặt với áp lực trong quá trình học tập. Ảnh: Bảo Phước 

Coi trọng tâm lý của trẻ

Trong khảo sát Thực trạng sức khỏe tâm thần của học sinh Việt Nam (năm 2022), có một vài con số thực sự đáng lo là: gần 14% học sinh trung học cơ sở (THCS) và 18% học sinh trung học phổ thông (THPT) từng có ý định tự tử; gần 10% học sinh THCS và 16% học sinh THPT thường cảm thấy cô đơn; 16% học sinh nam và 28% học sinh nữ có rối loạn lo âu...

Theo chuyên gia tâm lý Đậu Thị Thanh Bình (TP. Huế), sức khỏe tâm thần là sự khỏe mạnh về thể chất, tâm thần và xã hội. “Trong gia đình, bạn bè, sẽ có người hay than phiền “sao tôi mệt quá”. Họ đi khám sức khỏe, xét nghiệm, chụp chiếu nhưng không có gì bất thường. Cái cảm giác mệt mệt ấy không biết ở đâu ra, giấc ngủ rất tệ, không làm được việc gì, nhưng đó có thể là một rối loạn lo âu hay biểu hiện trầm cảm. Công việc cuốn đi, họ bỏ quên vấn đề của mình. Với học sinh, sức khỏe tâm thần cũng như vậy”, chị chia sẻ.

Chị kể, có lần một bạn trẻ đang học cấp 3, chủ động tìm đến khám tâm lý và có mẹ đi cùng. Trẻ ở phòng riêng trò chuyện cùng chuyên gia. Người mẹ ngồi bên ngoài, liên tục than phiền rằng con mình đang làm quá vì "ở nhà nó rất sướng, không phải làm việc gì, chỉ có ăn và học".

Trẻ tâm sự, cởi lòng và nói từng có ý nghĩ về hành vi tự sát. Chị bắt buộc phải thông báo cho mẹ của em để quan tâm và theo sát con. Vậy nhưng, người mẹ không hề ngạc nhiên. Người mẹ cho rằng đây là sự phóng đại, có khi do chuyên gia tâm lý mồi suy nghĩ tiêu cực vào đầu đứa trẻ. Thậm chí, người mẹ còn nói chuyện điện thoại ngay trong cuộc tư vấn này. “Tôi bắt buộc phải mời cô ấy ra ngoài, yêu cầu tắt điện thoại nếu muốn tiếp tục trao đổi. Ngay ở phòng khám với chuyên gia tâm lý, người mẹ thờ ơ như thế, vậy ở nhà, đứa trẻ đã cô đơn như thế nào?”, chuyên gia Đậu Thị Thanh Bình bức xúc.

Theo chị Thanh Bình, trường hợp này không phải là số ít. Thực tế, rất nhiều phụ huynh né tránh vấn đề. Họ đổ thừa rằng bọn trẻ lười, chỉ ăn với học mà không làm được. Họ nghĩ chỉ đi làm mới có áp lực. Nhưng không, trẻ đi học cũng là một công việc, là cách trẻ ra xã hội tiếp xúc với cộng đồng, phải dậy đúng giờ, đến lớp làm bài tập, quan hệ với bạn bè, thầy cô… y như những người lớn đi làm.

Trẻ cũng áp lực vì bị cô lập hay bạo lực học đường... Khi về nhà, trẻ lại gặp áp lực từ không khí gia đình, kỳ vọng hoặc chỉ trích của cha mẹ. Giai đoạn nào trẻ cũng có khó khăn và áp lực. Nếu các bệnh thực thể có thể do gene, di truyền hay môi trường sống thì vấn đề tâm thần cũng có thể do gene, di truyền, môi trường sống (ở nhà, ở trường) gây ra.

“Những cảm giác buồn buồn, mệt mệt tích tụ hàng năm, có thể suốt thời gian học THCS sang THPT. Đến khi trẻ hoàn toàn tuyệt vọng với cảm xúc, bế tắc, cảm giác sống vô nghĩa, dần dần hình thành suy nghĩ tiêu cực, ý định tự sát”, chị Thanh Bình phân tích.

Cần sự đồng hành

“Trẻ đến với chuyên gia tâm lý, phần lớn đã ở tình trạng nặng. Quá trình điều trị kéo dài và trở nên khó khăn, nhất là khi không có sự đồng hành, thấu hiểu của cha mẹ. Có những trường hợp điều trị 5-7 phiên nhưng không hiệu quả, bệnh nhân vẫn trong cơ chế phòng thủ tâm lý”, bác sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Cát (TP. Huế) cho biết.

Khác với việc mắc các bệnh lý về thân thể, sức khỏe tâm thần rất mơ hồ, không gây chết người ngay, điều trị không thấy hiệu quả ngay nên nhiều người dễ bỏ qua. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Cát, khi còn nhỏ, trẻ chưa nhận ra vấn đề của mình. Đến khi học phổ thông, các sang chấn và áp lực rõ ràng hơn, tâm lý bị kéo căng, xung đột, đến cuối cấp sẽ bùng nổ. Đây là thời điểm trẻ phải lựa chọn giữa đường đời, ngành học, tình bạn, tình yêu, chấp nhận kết thúc của tuổi vị thành niên và bước sang tuổi thanh niên…

“Tôi chỉ mong các em nhớ rằng, khi nào nhận ra mình gặp khó khăn trong cảm xúc, hãy tìm người hỗ trợ. Đó có thể là một người bạn, là thầy cô, cha mẹ hoặc chuyên gia tâm lý. Và những người lớn, đừng lơ đãng với những cái buồn buồn, mệt mệt mà trẻ đã tin tưởng tìm mình để than phiền”, bác sĩ Nguyễn Hữu Cát đưa lời khuyên.


ĐĂNG TRÌNH
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top