ClockThứ Năm, 24/10/2013 10:50

Đừng đánh mất tài nguyên quý hiếm

TTH - Vùng đất ngập nước (ĐNN) Ô Lâu với hệ sinh thái đặc trưng và nguồn nước giàu chất dinh dưỡng là điều kiện sinh tồn và đa dạng hệ động, thực vật. Nguồn thủy sinh và các loài chim bản địa, chim di trú ở vùng cửa sông Ô Lâu, hình thành nên một vùng sinh cảnh đặc thù nhất của hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Nhiều sinh vật vào sách đỏ

Ông Lê Văn Thân, người dân cao niên ở gần khu vực đập cửa Lác, thuộc xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền) cho biết, ngày trước, vùng cửa sông Ô Lâu cây cối mọc um tùm. Ven hai bên đập là rừng cỏ lác rất rậm rạp nên gọi là đập cửa Lác. Nơi đây quần tụ nhiều loài chim bản địa và chim di trú, trong đó nhiều loài quý hiếm, như sâm cầm, đầu vàng, móng két... Vùng cửa sông Ô Lâu còn có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, như cá dầy, đối, lươn, chình, cua... Người dân sống khu vực này (khoảng 1.000 hộ) chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản để mưu sinh; mỗi hộ có thể thu nhập từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng/ngày.

Cây lác đã không còn trên đập cửa Lác. Ảnh: Chi đoàn

Ông Lê Mến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Điền cho biết, các nghiên cứu và quan trắc tại vùng cửa sông Ô Lâu cho thấy, hệ động, thực vật ở đây phong phú, đa dạng. Hệ thực vật dọc theo sông Ô Lâu có các loại cây, như tre, nứa, keo hoa vàng, keo tai tượng và các loài cây nhỏ, như tra, mưng hoa đỏ, sến nước, sậy điệp bánh bò, bòng bong... tạo nên những tán nhô trong lùm bụi là nơi cư trú lý tưởng của nhiều loài chim. Các loài thực vật, như nghể nước, cói, cỏ mần trầu, cỏ chát, cỏ chỉ sống thành bãi, hoặc dọc theo các khu vực trồng lúa nước và cây lục bình thường xuyên xuất hiện trên mặt nước, là bãi đáp của các loài chim tìm kiếm thức ăn. Trong số 57 loài chim hiện diện trong đợt khảo sát năm 1997, có nhiều loài di cư, trong đó có 22 loài nằm trong danh sách bảo vệ nghiêm ngặt của châu Âu và 1 loài trong sách đỏ Việt Nam, là chim già đẩy. Số lượng cá thể các đàn chim quý hiếm quan sát lên đến hàng ngàn con. Các loài di cư, như vịt đầu vàng, mòng két, sâm cầm, già đẩy, choắt chân đỏ, ngỗng trời... cũng xuất hiện với số lượng lớn.

Năm 2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 109/2003/ND-CP về bảo tồn và phát triển bền vững ĐNN. Nghị định nêu rõ, các vùng ĐNN ở Việt Nam cần được quản lý vì các lợi ích sinh kế cho người dân, cũng như đóng góp cho nền kinh tế quốc gia, bảo vệ tài nguyên môi trường và ĐDSH. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg, phê duyệt chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020, quy định “Việc bảo vệ tính toàn vẹn, sử dụng có hiệu quả các vùng ĐNN và cửa sông cho các sông trọng điểm, các tầng chứa nước quan trọng”... Đây là các khung pháp lý cơ bản cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững các vùng ĐNN, trong đó có vùng đất ngập nước cửa sông Ô Lâu.

Vùng cửa sông Ô Lâu còn có 12 loài thực vật thủy sinh bậc cao sống chìm và 5 loài thủy sinh phân bố cả trên, dưới khu vực đập cửa Lác, như các loài rong: đuôi ngựa, đuôi chồn, xương cá, cỏ nhọn, mái chèo; cói bông sang, lắc, súng, cỏ gà nước, cỏ nhả từ Malaysia... Các loài thủy sinh không chỉ góp phần ĐDSH, mà còn là nguồn sử dụng làm phân bón và thức ăn chăn nuôi. Phía trên đập cửa Lác có 77 loài tảo, chủ yếu các tảo nước ngọt, tảo phù du nước lợ - mặn và dưới đập được xác định 102 loài tảo. Có nhiều loài thực vật phân bố rộng trên trằm cát và vùng ven cửa sông Ô Lâu, nhiều nhất là lùm, lát, tràm, mưng... Có nơi, tràm và mưng mọc thành rừng từ 5 đến 7ha. Khu vực trằm Trung Thạnh, vùng đất cát ngập nước xuất hiện các loài cỏ, như nắp ấm, tranh lương, cỏ dùi trống, trong đó loài nắp ấm được ghi vào sách đỏ Việt Nam... Riêng vùng mặt nước ở xã Quảng Thái còn có 41 loài động vật thủy sinh, 45 loài cá được quan trắc ở vùng hạ lưu sông Ô Lâu, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao, như cá dầy, cá đối mục và 21 loài động vật không xương sống... Sự ĐDSH đặc trưng và quý hiếm, có đặc tính di cư ở vùng ĐNN Ô Lâu kể trên chính là nguồn tài nguyên không chỉ có tầm quan trọng đối với quốc gia, mà còn cả quốc tế.

Cần sớm có biện pháp bảo tồn

Vùng cửa sông Ô Lâu nằm phía bắc hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, nơi giao thoa giữa hệ nước ngọt từ thượng nguồn sông Ô Lâu đổ về và hệ nước lợ của đầm phá Tam Giang nối liền với biển. Đặc điểm tự nhiên này làm cho nguồn tài nguyên thủy sinh ở đây rất phong phú và mang tính đặc thù, thích hợp cho nhiều loài chim di cư trú ngụ. Do mức độ khai thác ngày càng tăng khiến tài nguyên ĐNN, các chức năng sinh thái và ĐDSH trong vùng suy giảm nghiêm trọng. Số lượng cá thể trong quần thể chim di cư giảm mạnh. Ông Nguyễn Văn Tám, người dân ở gần khu vực đập cửa Lác, thuộc xã Điền Hòa (huyện Phong Điền) cho biết, mấy năm gần đây, cỏ lác và một số loài cây ven đập ngày càng suy dần do bão lũ và tác động của con người khiến nhiều loài chim biến mất. Người dân không còn bắt gặp những loài chim quý, như sâm cầm, đầu vàng, móng két nữa, chỉ còn lại một số loài như cò, vạc, ngỗng trời... nhưng số lượng cũng rất ít. Nhiều loài thủy sản, trong đó có những loài quý, như cá đối mục, dầy, chình, cua... ngày càng khan hiếm.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết, theo khảo sát và đánh giá của ngành tài nguyên và môi trường, vài năm gần đây, số lượng chim ngỗng trời, sâm cầm, già đẩy... rất hiếm thấy. Các loài chim phổ biến hiện nay, gồm cò ngàng, cò ruồi, diệc xám, diệc lửa và le le... với số lượng cá thể chỉ trên dưới vài trăm con. Diện tích thảm cỏ và đa dạng loài thủy sinh cũng có dấu hiệu suy giảm. Các loài đặc hữu và bãi giống, bãi đẻ của các loài thủy sản có nguy cơ biến mất, làm hạn chế nguồn lợi sinh sống của các cộng đồng dân cư ở đây và ảnh hưởng đến tài nguyên của toàn hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Bảo tồn ĐDSH vùng ĐNN sông Ô Lâu không chỉ là nhu cầu cấp bách cho bảo vệ tài nguyên, mà còn giúp duy trì sinh kế bền vững cho cộng đồng từ việc phát triển du lịch sinh thái; đồng thời tạo tiền đề cho việc mở rộng khu bảo tồn (KBT) ĐNN trên hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Năm 2004, dự án Quản lý tổng hợp vùng ven bờ (VNICZM) tỉnh Thừa Thiên Huế do Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tài trợ đã tiến hành một số hoạt động xây dựng KBT ĐNN Ô Lâu. Nghe có dự án, người dân các địa phương, nhất là xã Quảng Thái sẵn sàng nhường 60 ha đất trồng lúa phục vụ quy hoạch KBT ĐNN. Đến tháng 7 năm 2007, dự án “Trợ giúp thực hiện chương trình hỗ trợ ĐNN Quốc gia” (NWSP-Pre) hỗ trợ đề án “Xây dựng KBT ĐNN Ô Lâu theo phương thức đồng quản lý”, với đề xuất phân vùng quy hoạch và hoạt động có sự tham gia quản lý của cộng đồng. Quy mô diện tích KBT hơn 12,5 ngàn ha của 6 xã thuộc khu vực cửa sông Ô Lâu, là các xã: Quảng Thái, Quảng Lợi (huyện Quảng Điền), các xã: Điền Hải, Điền Hoà, Điền Lộc và xã Phong Chương (huyện Phong Điền). Vùng lõi được bảo vệ trong giai đoạn đầu có diện tích tương đối nhỏ khoảng 173 ha, sau đó sẽ mở rộng dần theo năng lực và đồng thuận giữa các đối tác. Nguồn kinh phí để triển khai thực hiện đề án khoảng 12 tỷ đồng, do tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ 25% và huy động các tổ chức tài trợ trong và ngoài nước 75% kinh phí... Tuy nhiên đến nay, đề án vẫn nằm trên giấy, chưa trở thành hiện thực, trong khi việc thành lập KBT ĐNN đang là vấn đề cấp thiết.

Hoàng Triều - Liên Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024

Sáng 14/4, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tổ chức lễ khai mạc triển lãm và chấm thi Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh lần thứ XVII, năm 2024. Tham dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành cùng giáo viên, học sinh các đơn vị dự thi.

163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024
Nâng hạng chỉ số DTI

Những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn nằm trong tốp đầu về chỉ số chuyển đổi số. Song năm 2023, qua rà soát, trong Bộ chỉ số chuyển đổi số có nhiều nhóm tiêu chí không đạt bền vững, do vậy cần những giải pháp căn cơ để chuyển đổi số trở thành chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng hạng chỉ số DTI
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Return to top