ClockThứ Năm, 25/11/2010 16:23

Đừng đánh mất ước mơ

TTH - Lâu rồi cũng quen, cứ sau bữa cơm, tôi ngồi nhâm nhi bên khay trà, vừa nói chuyện bâng quơ, những câu chuyện không bao giờ hết của các bà nội trợ, vừa nhìn cô loay hoay đủ thứ việc, nào gọt trái cây, dọn dẹp, rửa bát… Từ ngày dọn đến căn nhà nhỏ này, cạnh những căn phòng trọ, tôi có cơ hội quen biết cô. Hầu như hôm nào cũng vậy, đi làm về tôi đã thấy cô ấy trong bếp, những việc như cắm cơm, nấu nước… đâu đã vào đấy, chỉ chờ tôi mang thực phẩm về là cùng nhau trổ tài nấu nướng.

Nói thật, mới đầu tôi cũng “đề phòng” chứ, luôn xuất hiện trong nhà mình người phụ nữ ngoài ba mươi tuổi, sống tự do cùng con trai đang độ trung học, nghề nghiệp không có, chẳng ai biết cô ấy làm gì để sống, chỉ biết cô luôn lo cho con chu toàn hai bữa ăn mỗi ngày, rồi hầu như tối nào cũng đi thật khuya mới về… Nhưng rồi, càng ngày tôi phát hiện ra, ngoài cái bếp nhà tôi, cô ấy chẳng quan tâm điều gì khác, bữa nào ăn cơm chung cô cũng góp vui ít nhất một món gì đó. Thật ra, chỉ bởi cô ấy thích cái “bếp” của tôi! Căn phòng nhỏ của cô không có bếp, cô không có nhiều thứ khác như những người phụ nữ khác. Có lần thằng lớn nhà tôi hỏi: “Dì thích điều gì nhất?”; Cô trả lời thật nhanh: “Nấu ăn, dì thích chế biến món ăn”. Quả thật, ỷ có người làm giúp “miễn phí”, tôi thả sức chế biến những món ăn công phu, như canh riêu cua, vả trộn, mít trộn… rồi mắm tôm, dưa cải, tỏi ớt ngâm dấm... cuối tuần thì làm đủ các loại bánh, kem. Ai vào căn bếp nhà tôi cũng trầm trồ khen đảm đang. Nhưng không, nói nhỏ chứ tôi không thể có “không khí nhà bếp” ấm áp và tươm tất như thế nếu không có cô ấy.

Sinh ra trong một gia đình cán bộ, cha mẹ tập kết rồi về quê sống và làm việc, tuy không vào được đại học, nhưng xong cấp III cô học may và trở thành thợ giỏi, phụ bố mẹ nhiều về kinh tế để nuôi các em ăn học. Năm 23 tuổi, lấy chồng rồi sinh con. Những năm tháng làm dâu, làm vợ, làm mẹ cô luôn làm tròn trách nhiệm của mình, toàn tâm toàn lực xây dựng một gia đình đầm ấm như bao gia đình bình thường khác. Nhưng rồi, cái thói “chán cơm, thèm phở” của chồng đã dần phá vỡ cái bình thường ấy của cô. Chồng cô từ xa lánh, lạnh lùng, đến “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”… Một lần, hai lần, ba lần… càng nhịn, cô càng nhận thấy không bao giờ có lần cuối. Bế con về nhà bố mẹ, cô lại ngỡ ngàng nhận ra, nơi đây là “nhà ngoại”, hai mẹ con đâu được ở lại lâu dài.
 
Tính đến nay, hai mẹ con tá túc trong căn phòng chật hẹp ấy hơn 5 năm rồi. Từ bao giờ cô tìm quên với rượu, bia, thuốc lá và đón nhận những lời tán dương của những kẻ “chán cơm, thèm phở”. Cuộc sống không có ngày mai, cô không lo nhiều trước kết quả học tập hạng bét của con trai, không cần biết ngày mai cuộc đời mình rồi sẽ ra sao. Chỉ cần kiếm đủ tiền mua thức ăn, quần áo và thuê trọ… Nhiều lần tôi góp ý, nhưng những câu trả lời của cô chỉ mang tính buông xuôi. Tất cả đã quá quen thuộc, không chỉ một, hai người khuyên, đã nhiều, đã nhàm… Cô chỉ cười, khi buồn so, lúc như muốn tung phá, nhưng đều chỉ một ý: Đó là do số phận (?!!)
 
Hiểu và thương cô, nhưng để thông cảm lại là điều thật khó. Tôi thầm nghĩ đến nhiều điều “giá như”, giá như ngày ấy cô vào được đại học, giá như cô không gặp người chồng vũ phu, giá như gia đình che chở lần cô thất bại trở về… Nhưng rồi tôi lại nghĩ, giá như cô hiểu rằng, những người không may mắn như cô và cả những người bất hạnh hơn cô rất nhiều, nhưng cuộc đời đâu có đóng hết mọi cánh cửa với họ. Phải chăng, cô đã không dũng cảm trước những điều không may mắn, để chọn cánh cửa làm lại cuộc đời tốt hơn, để đừng đánh mất ước mơ trong một căn bếp đầm ấm. Và giá như, bây giờ cô tự tin nghĩ rằng, làm lại cuộc đời không bao giờ là muộn.
 
                Nhị Hải
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian

Những bức tranh bích họa dọc theo nhiều tuyến đường ở Huế được coi là địa điểm check in hấp dẫn, thu hút nhiều du khách và giới trẻ. Song, theo thời gian, những hình ảnh sống động, đẹp mắt, độc đáo và ý nghĩa ấy đã hoen ố, một số bức bị xuống cấp, bôi bẩn, mốc meo.

Để đường tranh bích họa “sống” cùng thời gian
Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện vọng chung của cả cộng đồng xứ Huế. Nó đã đi vào đời sống và đang dần tạo thành thói quen tự giác nơi mỗi thành viên…

Buồn vui chuyện… rác
Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

Suy cho cùng, ý thức người dùng mới là quan trọng nhất. Nhưng nói ý thức chung chung thì khó quá, còn làm thế nào để buộc mọi người phải có ý thức trong cái sự xử lý "đầu ra" tế nhị và nhạy cảm kia thì lại là câu hỏi không hề dễ.

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top