Đừng để sự việc đáng tiếc xảy ra
TTH - Đến thời điểm này, đã hơn 10 ngày đi qua kể từ đêm 30/11, khi Lăng Khải Định “đón” những vị khách không mời khiến thùng phước sương và một số cổ vật bị mất đi, các cơ quan chức năng vẫn đang... điều tra. Vẻ như, thêm một ngày “đang điều tra” là thêm một quãng nỗi bất an về số phận các cổ vật Huế bị kéo dài.
1. Loay hoay trong những thông tin về cổ vật, tôi lại gặp “Cổ vật trong các di tích triều Nguyễn ở Huế” của TS. Trần Đức Anh Sơn. Càng đọc “Cổ vật...” của anh, càng thấy giá trị của cổ vật là vô cùng và trách nhiệm bảo vệ các cổ vật của Huế càng thêm nặng nề.

Du khách đến tham quan lăng Khải Định. Ảnh: Tuệ Ninh
Theo TS. Trần Đức Anh Sơn, trong 16 điểm di tích triều Nguyễn do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế quản lý, có 12 di tích đang bảo quản và trưng bày khoảng 2.400 cổ vật (chưa kể, Bảo tàng Cổ vật cung đình của Trung tâm đang tập trung hơn 8.000 cổ vật khác). Đó là những vật dụng từng gắn bó mật thiết với cuộc sống của các bậc đế hậu; những đồ dùng cho các nhu cầu sinh hoạt, lễ nghi, tín ngưỡng và quốc phòng của hoàng gia và triều đình nhà Nguyễn; những tặng phẩm, thương phẩm phản ánh các quan hệ ngoại giao, thương mại giữa Việt Nam với các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan, Anh, Thái Lan… trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XX. Đây cũng là những vật chứng để người đời sau hiểu thêm về đời sống trong cung đình Huế; về thân thế và sự nghiệp của các bậc đế vương triều Nguyễn; về các quan hệ ngoại giao, thương mại giữa Việt Nam với các nước thời phong kiến; về lễ nghi và đời sống tôn giáo, tín ngưỡng thời Nguyễn. Đối với hoạt động du lịch, sự hiện diện của các cổ vật trong các di tích đã tạo ra cho những không gian lịch sử, không gian văn hoá, không gian tri thức vốn là những cái đích cần hướng đến của một tour du lịch văn hoá (loại hình du lịch được coi là thế mạnh của Cố đô Huế nói riêng và Việt Nam nói chung). Không thể hình dung được cảnh tượng một khu di tích, dù được trùng tu hoàn mỹ, đúng nguyên trạng nhưng lại thiếu vắng những cổ vật, những tự khí bài trí ở nội và ngoại thất. Khi ấy, đó sẽ là những di tích chết vì chúng đã thiếu mất những dấu ấn xưa cũ của quá khứ mà cổ vật chính là thứ chứa đựng cái “cũ” quý giá đó...

Thăm cổ vật triều Nguyễn ở Cung An Định
Đồng Văn