ClockThứ Tư, 15/03/2017 14:31

Đừng đổ tại rượu

TTH - Mẹ bị cáo: “Con tui hiền lành, tại hôm đó có bia rượu, không làm chủ mới trót lỡ...”. Tòa: “Không chỉ bị cáo phải biết thừa nhận sai lầm mà người thân của bị cáo cũng tuyệt đối không nên bao biện cho cái sai của con cháu mình, có như vậy người lầm lỗi mới biết sửa chữa...”.

L. (26 tuổi) và anh V. là bạn bè. Hôm ấy sau cử nhậu thứ nhất, anh V. chở L. vào bệnh viện thăm vợ anh V. đang sinh. Sau đó, cả hai cùng một người khác tiếp tục “chén chú chén anh”. L. nảy sinh ý định chiếm đoạt xe máy của anh V. nên giả vờ mượn xe V. chở người bạn kia về nhà thay áo, nhưng thực chất là mang chiếc xe này đi cầm lấy tiền tiêu xài.

Giữa đường biết ý định xấu của L. người bạn kia can ngăn, nhưng L. vẫn không “tỉnh”. Người kia bỏ về còn L. tiếp tục đến tiệm cầm đồ, nói dối là xe máy của mình nhưng mẹ đi vắng khóa tủ nên không lấy được giấy tờ xe. Chủ tiệm đồng ý cho L. cầm xe với giá 4 triệu đồng. Anh V. báo công an và sự việc được nhanh chóng điều tra rõ. Chiếc xe từ tiệm cầm đồ “quay về” với chính chủ. L. bị bắt tạm giam.

Mẹ bị cáo mặt mũi, áo quần lam lũ, có mặt từ sớm, bồn chồn đi tới đi lui. Hình ảnh chiếc làn nhựa cũ kỹ đựng mấy món đồ ăn thức uống “nép” sát bức tường phòng xét xử và người mẹ cứ rướn mắt ra đường ngóng chiếc “xe tù”, khiến mọi người không khỏi xót lòng. Có người thở dài bảo, con cái lớn rồi mà cứ làm khổ cha mẹ. Mẹ bị cáo buồn bã kể bà làm thợ hồ, một mình nuôi 3 đứa con. Lớn lên, L. cũng là thợ hồ. Rồi người mẹ phân bua, con trai bà vốn dĩ hiền lành, không làm điều xấu bao giờ. Chỉ tại hôm đó có men bia rượu mới không làm chủ được. Trước tòa, bà cũng phân trần như thế. Một vị hội thẩm nhân dân phân tích, bị cáo phạm tội là phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Điều quan trọng là không chỉ bị cáo phải biết thừa nhận sai lầm mà người thân của bị cáo cũng tuyệt đối không nên bao biện cho cái sai của con cháu. Có như vậy người lầm lỗi mới biết sửa chữa, đừng đổ tại bia rượu hay nguyên nhân này, nguyên nhân khác. Mẹ bị cáo như hiểu ra, ngồi lặng.

Tòa phân tích, bị cáo đã 26 tuổi, có nghề nghiệp. Nếu thiếu tiền tiêu xài thì phải cố gắng hơn nữa, kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Không thể dùng thủ đoạn vi phạm pháp luật để chiếm đoạt tài sản của người khác. Tài sản đó cũng là mồ hôi của người ta. Vợ của bạn đang sinh nở trong bệnh viện, bị cáo suy nghĩ như thế nào mà đang tâm lấy mất, đem đi cầm. May chiếc xe sớm được trả về cho anh V., nếu không bị hại lấy đâu phương tiện đi làm, chạy lui chạy tới chăm sóc vợ con. Bị cáo chỉ vì chút lợi trước mắt, bây giờ bạn bè cũng không còn, lại phải ra đứng đây bị pháp luật xử lý, làm khổ người thân. Bị cáo có thấy ân hận không? Bị cáo lí nhí trả lời, bây giờ rất ân hận. Vị hội thẩm dặn dò: Nếu bị cáo thực sự ân hận thì phải cải tạo cho tốt, “ra” còn lao động mưu sinh. Mẹ bị cáo mỗi ngày một già yếu, sau này con cái là chỗ dựa. Nếu bị cáo còn trượt, còn vấp như thế này thì chỉ tự làm hại mình, làm khổ mẹ...

Tại tòa, hội đồng xét xử cũng phân tích và nhắc nhở đối với chủ tiệm cầm đồ. Xe không có giấy tờ mà người ta đem đi cầm là xe của kẻ gian đi trộm, đi lừa. Biết mà vẫn cầm, chủ tiệm sẽ bị xử lý về hình sự. Lần này do chủ tiệm mới vào nghề (mới mở tiệm hoạt động kinh doanh cầm đồ), do tin lời bị cáo, nên chỉ bị nhắc nhở và đã bị phạt hành chính.

Bị cáo bị Hội đồng xét xử TAND TP. Huế phạt 6 tháng tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Người mẹ lật đật theo con ra tận chiếc xe đang đợi đưa bị cáo trở lại trại tạm giam. Bà nói với theo: "Con ráng cải tạo tốt...".

Phạm Thùy Chi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo thói quen “đã lái xe, không uống rượu, bia”

Tăng cường xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (TGGT) vi phạm nồng độ cồn không chỉ nhằm mục đích giảm tai nạn giao thông, mà dần xây dựng ý thức, tạo thói quen “đã lái xe, không uống rượu, bia”.

Tạo thói quen “đã lái xe, không uống rượu, bia”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top