ClockThứ Năm, 03/04/2014 10:16

Đừng đổ thừa hoàn cảnh

TTH - Tòa hỏi: “Không quen biết, không thù oán, vì sao bị cáo quyết liệt đánh các bị hại”? Bị cáo cộc lốc đáp: “Vì say. Gặp người mô là đánh người đó”. Trong đám đông người dự khán, bật ra tiếng xì xào bất bình: “Đồ nát rượu”. “Liều”. “Ngang ngược”…

Bảy giờ tối hôm đó, trong lúc đi bộ đến quán karaoke ở phường Phú Bài (thị xã Hương Thủy), N.H.K (29 tuổi) gặp chị Y đang đi với bạn đến quán hát. K chặn chị Y lại hỏi cắc cớ: “Mi gặp tau răng không chào”. Chị Y sợ sệt: “Em có hẹn với bạn đi hát, có chi anh em mình gặp nhau sau”. Tưởng nhún nhường là để thoát nạn, ai ngờ, chị Y bị K đánh liên tiếp vào mặt phải hốt hoảng bỏ chạy. Vẫn không tha, K đuổi theo, chụp tóc đè nạn nhân xuống đất, dùng đá đánh vào đầu gây thương tích 12%. Khoảng mười phút sau, K nhặt hai vỏ chai bia đập vào nhau làm vỡ, cầm đi vào hành lang quán karaoke thì gặp chị B. K chặn chị này lại, dí vỏ chai bia vào lưng đe dọa, ép đi ra khỏi quán, giật tóc, đè chị B xuống đất, dùng chân đạp vào đầu, mặt nạn nhân; đồng thời, dùng vỏ chai bia đâm vào lưng chị B, gây thương tích 3%. TAND thị xã Hương Thủy mở phiên tòa lưu động tại Nhà văn hóa cộng đồng (tổ 5, phường Thủy Châu) xét xử NHK về tội “cố ý gây thương tích”.

Khuyết

Đại diện Viện kiểm sát công bố xong bản cáo trạng. Tòa hỏi: “Bị cáo thấy nội dung bản cáo trạng vừa công bố có giống nội dung bản cáo trạng bị cáo đã nhận được?” Đáp: “Giống”. Tòa lại hỏi: “Bị cáo có ý kiến gì về bản cáo trạng không?” Đáp: “Không”. Tòa hỏi về hành vi của bị cáo xảy ra tại quán karaoke. Bị cáo ráo hoảnh kể lại diễn biến sự việc và thừa nhận toàn bộ hành vi đó là sai trái. Theo đó, bị cáo và các nạn nhân không có mối quan hệ quen biết, càng không mâu thuẫn, thù oán gì nhau. Tòa hỏi: “Không quen biết, không thù oán, vì sao bị cáo quyết liệt đánh các bị hại”? Bị cáo: “Vì say. Gặp người mô là đánh người đó”. “Chị Y kê khai chi phí thuốc men điều trị tại bệnh viện và yêu cầu bị cáo bổi thường 10 triệu đồng, bị cáo nghĩ sao?” Đáp: “Ra tù rồi sẽ đi làm lấy tiền bồi thường”. Một người phụ nữ luống tuổi đến xem phiên xử không chen được vào trong phòng, lót dép ngồi phía ngoài sân, tỏ vẻ khó chịu: “Ô hay cái thằng (ý nói bị cáo), hành động đã ngang ngược, phải ra đứng trước vành móng ngựa thế kia mà còn ăn nói cộc lốc. Hỗn. Mà mặt mũi hắn cũng sáng sủa đó chớ. Con cái nhà ai…”.

Người ngồi cạnh ra chiều thông cảm: Hồi trẻ mẹ hắn “dại dột” với một thanh niên người địa phương, nhưng người này không thừa nhận, không cưới hỏi. Sinh con ra, mẹ hắn chán đời vứt hắn lại cho ông bà ngoại nuôi rồi đi khỏi địa phương làm ăn, sau đó lấy chồng ở tỉnh khác. Hắn có cha có mẹ, cha mẹ còn sống sờ sờ đó, nhưng cũng như không. Ông bà ngoại có thương, chăm sóc cỡ nào thì cuộc sống tình cảm của hắn cũng bị khuyết. Không có cha mẹ bảo ban dạy dỗ, con cái ắt hư”.

Theo lời kể của nhiều người khác sống cùng địa phương, đến lúc ông bà ngoại qua đời, còn lại một mình, bị cáo càng lêu lổng, sa đà vào men bia rượu. Đi làm phụ hồ, kiếm được bao nhiêu tiền, gã thanh niên này “đổ” hết vào rượu. “Con ma men nó điều khiển, khiến hắn đôi khi càn quấy thái quá (năm 2005, K có hành vi gây rối trật tự công cộng, bị đưa vào cơ sở giáo dục Hoàn Cát ở tỉnh Quảng Trị 24 tháng. Trở về địa phương, hai năm sau, K lại có hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, bị đưa ra kiểm điểm, giáo dục tại cộng đồng) chứ bình thường lúc tỉnh hắn cũng hiền lành, chẳng làm hại ai.” Người hàng xóm cạnh nhà, phân trần cho bị cáo.

Đừng đổ phận bơ vơ

Phiên tòa chật kín người tham dự, nhưng tịnh không bóng dáng người thân bị cáo. Có lẽ ý thức được điều đó nên bị cáo không lần nào đưa mắt về phía đám đông người tham dự phiên tòa. Cứ tưởng con người “mồ côi” cha mẹ, ném cuộc đời mình vào men rượu, liều, ngang ngược… đã trơ lỳ với những cảm xúc. Ấy vậy mà, lúc đại diện viện kiểm sát công bố cáo trạng, đến phần lý lịch bị can: “Trình độ văn hóa: không; Nghề nghiệp: không; Con ông: không; Vợ, con: chưa có”… bị cáo bất chợt cúi mặt. Gần 30 tuổi, coi như đã gần một nửa cuộc đời, nhưng gã đàn ông này dường như “trắng tay”. Cúi mặt, ánh mắt chạm vào chiếc vành móng ngựa im lìm, khiến tâm can bị cáo dường như bị “lay động”.

Phiên tòa diễn ra quá nửa, dì ruột của bị cáo mới đến. Người phụ nữ này tâm sự: “Hai cậu giận nó (bị cáo), không thèm đến. Mấy người dì kia bận buôn bán, không bỏ buổi chợ nên cũng không đi được. Tui cũng giận, đã định ở nhà, nhưng nửa chừng lại thấy thương, mới đến. Vẫn biết nó bất hạnh từ trong bụng mẹ, sinh ra cha không thừa nhận, lại thiếu tình cảm của mẹ. Dù được ông bà ngoại bảo bọc cưu mang, nhưng hoàn cảnh ông bà cũng khó khăn quá, nên nó không được đi học. Một chữ bẻ đôi không biết, lại không nghề nghiệp ổn định, nó vất va vất vưởng. Từ ngày ông bà ngoại mất, cuộc đời nó càng bệ rạc vì hơi men. Đã một lần ở trại giáo dưỡng, lại một lần bị giáo dục tại cồng đồng, mà vẫn không chừa. Thực ra, mấy cậu, mấy dì ai cũng thương nó, nhưng khuyên mãi vẫn không xong, đành thả tay, bỏ rơi luôn. Lần này bị xử, mấy cậu bảo mong tòa “kêu” án thật nặng, để nó “trắng mắt” tỉnh ngộ, trở về lo chí thú làm ăn…”

Người ngồi cạnh bình luận: “Ruột rà chi mà lạ. Có giận thì những lúc như thế này cũng phải ở bên động viên. Hắn cảm nhận được tình thương thực sự, mới có thể thành tâm cố gắng. Đằng ni… Thiếu thốn tình cảm cách nớ hèn chi hắn “tuột dốc”. Nhưng trong những người tham dự phiên tòa lại có ý kiến: “Cuộc sống còn có nhiều số phận thiếu thốn, nghiệt ngã hơn, nhưng người ta vẫn vươn lên sống có ích và đóng góp cho xã hội. Đừng đổ thừa hoàn cảnh để biện minh cho sự thiếu rèn luyện, thiếu trách nhiệm với chính bản thân. Đừng “vì”… Tốt nhất lần này K phải biết giật mình, cố gắng sửa chữa mà làm lại cuộc đời”. Vừa lúc đó, tòa tuyên án, xử bị cáo 3 năm tù. Người dì ruột vội vã đến với cháu (bị cáo đang được tại ngoại) vẫn đứng lớ xớ sau vành móng ngựa.

Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù

1 án tử hình, 1 chung thân và 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2,5 - 14 năm tù là bản án nghiêm khắc dành cho 11 thanh niên trong vụ hỗn chiến kinh hoàng dưới chân đèo Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) làm 2 người chết, 3 người trọng thương.

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù
Mất tình ruột thịt

Bất kể vụ tranh chấp nào phải “mang đến” chốn pháp đình cũng phức tạp. Nhưng phức tạp và đau lòng nhất vẫn là những vụ án mà đương sự là người thân ruột thịt trong một gia đình.

Mất tình ruột thịt
Bi kịch do sử dụng ma túy

Học đến lớp 11 thì bỏ học nửa chừng vì bị chúng bạn lôi kéo sử dụng chất ma túy, Lê Ngọc Phú Thịnh (SN 1995, trú phường Kim Long, TP. Huế) trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Đau đớn hơn khi mà nạn nhân lại chính là bà nội của y.

Bi kịch do sử dụng ma túy
Lời cảnh tỉnh

Thiếu cẩn trọng khi tham gia giao thông, người thiệt mạng, người còn vị thành niên bị pháp luật xử lý.

Lời cảnh tỉnh
Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

Theo đó, tuyên mức án tử hình đối với Phan Văn Bá (SN 1976) và Lê Kim Huân (SN 1990), cùng trú TP. Đà Nẵng; đồng thời tuyên án chung thân đối với Phạm Đăng Huy (SN 1981), trú tỉnh Bình Thuận, trong vụ vận chuyển 14 bánh heroin (gần 5kg) từ Hà Tĩnh vào phía nam, bị bắt giữ tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân
Return to top