ClockChủ Nhật, 08/12/2019 09:09

Dừng kiểm tra & cấp chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C là tất yếu

TTH - TS. Bảo Khâm, Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Ngoại ngữ, ĐH Huế khẳng định với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, khi nói về những thay đổi sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT.

Bộ Giáo dục - Đào tạo bãi bỏ thi chứng chỉ ngoại ngữBộ GD&ĐT công bố các đơn vị được tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ và tin họcTạm dừng cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ đối với một loạt trường đại họcTạm dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ Năng lực ngoại ngữ ngoài nhà trường

Theo TS. Bảo Khâm, việc dừng kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C là chuyện tất yếu. Điều cần thiết hiện nay là không chỉ các cơ quan chức năng, đơn vị tuyển dụng mà cả người học phải quan tâm vấn đề thực học chứ đừng chỉ nghĩ, đi thi để có tấm bằng.

TS. Bảo Khâm, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế

TS đánh giá như thế nào về chủ trương xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C của Bộ GD&ĐT?

Đây là chủ trương đúng và cần thiết. Có nhiều lý do để khẳng định điều đó. Đầu tiên là chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C trước đây còn thiếu cơ sở cho việc chuẩn hoá các trình độ ngoại ngữ bảo đảm sự tương thích với các chuẩn quốc tế. Trái lại, việc xây dựng chuẩn theo khung năng lực 6 bậc dựa trên chuẩn quốc tế của châu Âu, được vận dụng thành khung năng lực của Việt Nam để phân cấp độ, tạo điều kiện để hội nhập, đáp ứng với các chứng chỉ quốc tế.

Thứ hai là, do nhu cầu quá lớn đã nảy sinh ra những mặt trái trong việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C như báo chí đã phản ánh các vi phạm trong việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ. Có thể khẳng định dừng cấp chứng chỉ A, B, C là đúng.

Nhưng Việt Nam đã xây dựng khung năng lực 6 bậc từ lâu, tại sao vẫn áp dụng song song và đến bây giờ mới có quy định bãi bỏ trên, thưa TS?

Kể từ năm 2014, lúc xây dựng và có khung năng lực 6 bậc đến khi có Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT (ngày 29/9/2017) của Bộ GD&ĐT về ban hành quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam thì phải trải qua rất nhiều giai đoạn.

Tuy có khung năng lực 6 bậc nhưng phải đòi hỏi các yếu tố đáp ứng, đó là định dạng các đề thi theo từng bậc để tổ chức bồi dưỡng và tổ chức thi cấp chứng chỉ; bồi dưỡng cán bộ đạt chuẩn mới theo khung năng lực được xây dựng; các đơn vị được phép bồi dưỡng và tổ chức thi cần phải xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hoá. Ngoài ra, do sự phát triển của công nghệ hiện nay, cần có sự chuẩn bị về mặt cơ sở, trang thiết bị phục vụ việc đánh giá khách quan và chuẩn xác hơn.

Trong trường hợp yếu kỹ năng ngoại ngữ, người học cần tham gia các lớp bồi dưỡng (Ảnh minh họa)

Thời gian để giải quyết những vấn đề trên không hề ngắn nên chưa thể bãi bỏ việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ A, B, C. Có thể thấy, từ năm 2018 mới có 4 đơn vị đủ điều kiện được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ trong đó có Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế. Đến nay, cũng mới chỉ có 9 đơn vị trong toàn quốc đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Nói điều này để thấy, khi thấy đủ điều kiện, Bộ mới có quy định trên, đó là thực tế khách quan chứ chưa hẳn là Bộ chậm bãi bỏ tổ chức thi và cấp chứng chỉ A, B, C.

Đến 15/1/2020 mới chính thức dừng kiểm tra và cấp chứng chỉ A, B, C, nghĩa là trước thời điểm đó các chứng chỉ trên vẫn có giá trị, điều này có tạo ra sự thiếu công bằng, thưa TS?

Bộ GD&ĐT cũng có thước đo quy đổi về chứng chỉ. Đơn vị tuyển dụng cũng có cách đánh giá, kiểm tra và họ được quyền quy định về yêu cầu đầu vào khi tuyển dụng. Cần hiểu, chứng chỉ là điều kiện để tham khảo và chắc chắn đơn vị tuyển dụng sẽ không cứng nhắc để tuyển chọn người tài. Tất nhiên vẫn luôn khuyến khích mọi người học các chứng chỉ mới có chuẩn cao hơn.

Việc dừng kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C có gây khó khăn cho các đơn vị đào tạo theo khung năng lực 6 bậc, thưa TS?

Nhu cầu rất lớn trong khi toàn quốc đến nay mới chỉ có 9 đơn vị được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ thì sẽ có những khó khăn nhất định. Vì các đơn vị phải đảm bảo chất lượng của các chứng chỉ, không để xảy ra tình trạng cấp bừa, trong khi trình độ của không ít cán bộ, viên chức, học viên, sinh viên còn hạn chế. Giải quyết bài toán giữa nhu cầu – trình độ thực tế - điều kiện đáp ứng là một áp lực không nhỏ mà các đơn vị đào tạo gặp phải.

Theo TS, để giải quyết bài toán trên cần phải làm gì?

Thực sự cần cộng đồng trách nhiệm. Nhà nước cần có chủ trương, chính sách xem xét về trình độ ngoại ngữ của từng nhóm công việc, ngành nghề để giảm bớt nhu cầu trong việc cấp bằng. Cần có những quy định hay cơ chế rõ ràng về những ngành nghề nào không cần chứng chỉ ngoại ngữ, những ngành nghề nào cần chứng chỉ ở trình độ nào, chứ không thể cào bằng. Bởi vì có những ngành nghề không bắt buộc sử dụng ngoại ngữ. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý của Nhà nước cũng cần có những biện pháp bảo đảm khâu tổ chức thi, cấp chứng chỉ đúng quy định và quy trình, không để xảy ra tiêu cực.

Để đáp ứng việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ tốt thì các đơn vị đào tạo, kể cả các trường tổ chức thi và các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài cần làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho học viên, chú trọng năng lực ngoại ngữ thực sự.

Quan trọng nhất là người học. Họ phải nhận thức được vấn đề thực học, tránh tình trạng đổ xô đi thi chỉ để có chứng chỉ. Thời gian qua các vụ việc tiêu cực như tìm cách để có chứng chỉ A, B, C đã được báo chí phản ánh rất rõ.

Khi kết hợp đầy đủ các yếu tố: người học chú trọng thực học, công tác đào tạo bồi dưỡng hiệu quả, quản lý thi và cấp chứng chỉ tốt thì dĩ nhiên nỗi lo về năng lực ngoại ngữ cùng những tấm bằng, chứng chỉ mới được xua tan.

Là đơn vị được phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cần làm gì, thưa TS?

Nhà trường đã, đang và sẽ đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, nhất là các phần mềm, máy tính, ngân hàng đề thi, trang thiết bị phục vụ thi để mở rộng nhu cầu phục vụ đánh giá ngoại ngữ.

Trường cũng mở thêm các lớp bồi dưỡng để nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng ngoại ngữ cần thiết cho các đối tượng người học để họ có thể tham gia thi khi cần thiết hoặc phục vụ cho chính nghề nghiệp của họ.

Xin cảm ơn TS về cuộc trao đổi!

Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT ngày 26/11/2019 của Bộ GD&ĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6/6/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2020. Các chứng chỉ ngoại ngữ đã cấp theo quy định tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6/6/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên có giá trị sử dụng.

Đối với các khóa đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên đang triển khai thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện việc đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ cho đến khi kết thúc.

HỮU PHÚC (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quân khu 4
Kiểm tra huấn luyện tại các đơn vị

Ngày 11/3, đoàn công tác Bộ tư lệnh Quân khu 4 tiến hành kiểm tra huấn luyện tháng đầu năm 2024 tại Trung đoàn 6 và Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 3.

Kiểm tra huấn luyện tại các đơn vị
Kiểm tra công tác huấn luyện chiến sĩ mới

Chiều 27/2, Đại tá Hoàng Văn Nhân, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã đến kiểm tra công tác tiếp nhận và huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6.

Kiểm tra công tác huấn luyện chiến sĩ mới

TIN MỚI

Return to top