ClockThứ Tư, 25/08/2010 15:32

Đừng lãng quên cây xanh

TTH - Nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh) ở một số vùng nông thôn cho thấy, thay vì trồng các loại cây xanh quanh nhà như tre, hóp, chè tàu… để bảo vệ, người dân đang có xu hướng xây các bức tường cao to, bề thế. Ngoài lý do an ninh, bê tông hóa đang là trào lưu chung, khiến cây xanh - vệ sĩ đắc lực bảo vệ con người - đang bị lãng quên.

Ngay cả ở một số xã vùng biển, dù luôn đối mặt với biển dữ, gió lớn, nóng hạn nhưng người dân cũng chưa mấy quan tâm đến việc trồng cây xanh. Ở một vài khu tái định cư, cả người thiết kế lẫn người sử dụng đều quên mất việc dành chỗ cho cây xanh. Họa hoằn lắm, một vài hộ dân vẫn giữ được lối kiến trúc xưa, với việc rào dậu cây xanh quanh nhà.


Cây xanh là vệ sĩ đắc lực bảo vệ con người
 
Theo các nhà nghiên cứu, khoảng mươi năm tới, biến đổi khi hậu sẽ gây ra nhiều biến động lớn cho con người. Riêng ở Thừa Thiên Huế, hiện tượng biển xâm thực đang làm sạt lở nghiêm trọng ở các xã Quảng Công, Quảng Ngạn của huyện Quảng Điền, làm hàng chục hộ dân sinh sống tại đây phải di dời khẩn cấp. Dĩ nhiên, việc di dời và tái định cư dân ở những vùng sạt lở là giải pháp tất yếu nhưng về lâu dài, cần đặt ra giải pháp trồng cây xanh để chắn gió, chống bão, cản lụt, chặn xâm thực ...
 
Đáng vui là mới đây, các nhà thiết kế tour du lịch đầm phá Tam Giang ở Quảng Điền đã đưa vào tour một hoạt động rất hay. Đó là mỗi du khách sẽ trồng một cây xanh để bảo vệ môi trường ở khu vực ven biển và đầm phá. Mỗi người một cây xanh, nếu làm tốt, lâu ngày sẽ thành rừng. Nhưng trước sự biến đổi dữ dội, nhanh chóng và khó lường của thiên tai như hiện nay, ý thức trồng cây xanh giữ nhà, giữ đất, giữ làng phải được khuấy động mạnh mẽ hơn, gấp gáp hơn.
 
Không chỉ trồng rừng từ dự án. Không chỉ trồng cây vào các dịp lễ, Tết. Làm sao để từng thế hệ người dân ở mỗi địa phương, từ khi sinh ra đã biết trồng cây xanh như một bổn phận để bảo vệ nhà cửa, đất đai, của cải và tính mạng của chính mình.
 
Tiểu Muội
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top