ClockThứ Bảy, 28/09/2019 12:28

Dùng “mác” cán bộ quản lý thị trường để lừa đảo

TTH - Dùng “mác” cán bộ quản lý thị trường để “tín chấp”, N.H.H. đã dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người với tổng số tiền 930 triệu đồng.

Cảnh giác với những chiêu thức lừa đảo trên mạng xã hộiCảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo mớiThu giữ hơn 11 tỷ đồng từ đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Từ 2007, N.H.H là cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho đến ngày gây án. Do cần tiền trả nợ cá nhân, cuối tháng 1/2015, H. đến nhà chị P. để mượn tiền. H. nói dối cần 200 triệu đồng để mua lô hàng do cơ quan của H. bán thanh lý, bán lại kiếm lời. Biết H. là cán bộ quản lý thị trường nên chị P. tin tưởng cho H. mượn số tiền trên. H. viết giấy mượn tiền, hẹn trong vòng 3 tháng sẽ trả lại đầy đủ.

Nửa tháng sau, H. tiếp tục mượn tiền chị P. Lần này H. nói dối cần mượn cho sếp của mình 100 triệu đồng. Tin tưởng, chị P. cho H. mượn số tiền trên. Nhưng do lần trước H. chưa trả tiền, nên chị P. đề nghị H. phải thế chấp vật gì đó có giá trị để làm tin. H. viết giấy mượn tiền giao cho chị P.  kèm theo thẻ kiểm tra thị trường mang tên V.H.H., hẹn trong vòng 60 ngày sẽ trả lại tiền đầy đủ.

Thế nhưng 5 ngày sau đó, H. lại mượn chị P. 150 triệu đồng; nói dối cần số tiền này để mua lô hàng quần áo do cơ quan H. bán thanh lý. Không mảy may nghi ngờ, chị P. đưa số tiền trên cho H mượn. H. viết giấy mượn tiền, hẹn trong vòng 90 ngày sẽ trả lại đầy đủ.

Sau đó, H. viện cớ cơ quan có đợt kiểm tra thẻ ngành nên xin mượn lại thẻ, khi nào kiểm tra xong, sẽ đưa lại cho chị P. Chị P. tưởng thật giao lại thẻ ngành cho H. Nhưng sau đó H. không đưa thẻ lại cho chị P. nữa. Đến hạn trả nợ, H. không trả tiền cho chị P. mà dùng số tiền trên trả nợ cho người khác. Như vậy, H. đã chiếm đoạt của chị P. tổng cộng 450 triệu đồng.

Với cách nói dối như: “cần tiền mua hàng do cơ quan thanh lý”, “mượn giúp sếp”, “cần tiền lo tết cho cán bộ cơ quan”, “chữa bệnh cho người nhà”, “chạy thủ tục làm giấy tờ nhà đất cho người khác để “kiếm” tiền công”, đồng thời giả vờ “tín chấp” thẻ ngành (hoặc giao cho nạn nhân thẻ ngành giả được in sao từ thẻ ngành gốc) để mượn tiền, H. đã lừa chiếm đoạt của 7 bị hại với tổng số tiền 930 triệu đồng.

Bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào không sớm thì muộn cũng sẽ bị phát giác, bị pháp luật xử lý. 7 năm tù là mức hình phạt mà bị cáo phải “trả” cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hết sức nguy hiểm nêu trên. Điều đáng nói khác, từ vụ án này còn có “bài học” cảnh giác đắt giá. Giá như các nạn nhân không quá nhẹ dạ, đặt lòng tin vào vị trí công tác mà trước đó bị cáo đảm nhiệm, chiếc thẻ ngành mà bị cáo đưa ra làm vật “tín chấp”, thì có thể sẽ không bị “sập bẫy” hết lần này đến lần khác một cách “phi lý” như vậy.

Bà C., một người bị hại cũng bị H. lừa liên tiếp 3 lần tổng cộng 150 triệu đồng. Trong lần thứ 3 bị cáo đến mượn tiền, dù thắc mắc 100 triệu đồng mượn từ 2 lần trước đó chưa trả, sao lại tiếp tục mượn, nhưng khi nghe H. nói  “dì lo chi, cháu đã để lại thẻ ngành nơi dì, mai mốt thanh toán được tiền sẽ trả hết cho dì”, thì bà C. lại dễ dàng đưa 50 triệu đồng cho kẻ lừa đảo.

Khi vụ án vỡ lở, những bị hại mới “té ngửa”. Sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác của bản thân đã vô tình “tiếp tay” cho tội phạm. Các bị hại trong vụ án này may mắn vì đã được người cha của bị cáo đứng ra thay con bồi thường toàn bộ số tiền bị cáo đã chiếm đoạt. Tuy nhiên, thực tế xét xử cho thấy trong nhiều vụ án lừa đảo, phần lớn các bị hại vì nhẹ dạ, thiếu cảnh giác mà mất hết tài sản. Tuy các bị cáo bị pháp luật hình sự xử lý, nhưng không có khả năng bồi thường tiền đã chiếm đoạt; nhiều gia đình nạn nhân vì vậy mà vợ chồng ly tán, hệ lụy khôn lường.      

Vì vậy tất cả mọi người dân cần luôn nâng cao cảnh giác. Làm được điều đó chính là góp sức chung tay một cách thiết thực và hiệu quả trong phòng, chống tội phạm. Đồng thời vụ án này cũng là lời “nhắc nhở” trong việc quản lý, giáo dục cán bộ trong các cơ quan Nhà nước.

QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top