ClockThứ Tư, 22/01/2020 21:05

Dựng nêu đón Tết

TTH.VN - Trong những ngày giáp tết Canh Tý 2020, khắp các đình làng, tộc họ trên địa bàn huyện Phong Điền tổ chức nghi thức dựng cây nêu để đón Tết cổ truyền dân tộc. Đây là nghi lễ truyền thống được người dân Phong Điền gìn giữ hàng trăm năm nay.

Dựng cây nêu ngày Tết tại Đại Nội HuếTrải nghiệm dựng cây nêu, gói bánh chưng với “Khám phá Tết Việt”Cây nêu ngày Tết

Cây nêu được người dân làng Trạch Phổ (Phong Hòa, Phong Điền) dựng lên để đón tết cổ truyền

Giữ gìn phong tục

Theo tục lệ, hằng năm, sau khi làm lễ cúng đưa ông Công, ông Táo về trời, các đình làng, dinh miếu và các nhà thờ họ ở huyện Phong Điền tổ chức dựng cây nêu đón Tết cổ truyền của dân tộc. Trước khi thượng nêu, nghi lễ mộc trụ thường kỳ vui Xuân đón Tết được các bô lão thực hiện thể hiện lòng thành kính với các tiền nhân có công khai khẩn vùng đất và tri ân cha ông đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc và với mong muốn Tết đến Xuân về xóm làng được bình yên, làm ăn phát đạt. Kết thúc nghi lễ, cây nêu được đưa ra trước sân đình, miếu hay các nhà thờ tộc để dựng lên báo hiệu với tiền nhân ngày Tết đã đến. Thân cây nêu được sơn màu đỏ, dài từ 4 đến 5 mét. Trên đỉnh cây nêu được gắn cờ Tổ quốc, linh vật con công, cá hóa rồng và cờ phướn rực rỡ.

Tại làng Trạch Phổ (Phong Hòa, Phong Điền) hình ảnh cây nêu và tục dựng nêu ngày cuối năm vẫn luôn được gìn giữ. Ông Võ Tứ ở làng Trạch Phổ, xã Phong Hòa cho hay: “Hình ảnh cây nêu và tục dựng nêu ngày cuối năm vẫn luôn được các bậc bô lão gìn giữ, lưu truyền theo cách riêng và độc đáo. Cây nêu không những là biểu tượng văn hóa mang ý nghĩa “tống cựu, nghinh tân” mà còn thể hiện sự gắn bó với làng nước, thủy chung, đoàn kết dân tộc và quê hương”.

 “Cây nêu tốt được tìm mua thường là cây tre cứng cáp, chắc khỏe, độ già tre vừa phải; thân tre thon tròn, thẳng tắp và được tỉa tót sạch sẽ, nhẵn bóng; khoảng cách giữa các đốt tre đều đặn. Trước khi thượng nêu, sẽ sửa soạn bữa cơm cúng Tất niên và khấn tế cầu mong quốc thái dân an, sức khỏe, may mắn, một năm mưa thuận gió hòa, có những chuyến biển bình an”, một vị bô lão ở làng Trạch Phổ (xã Phong Hòa) cho biết thêm.

Phong tục dựng cây nêu trong ngày Tết có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đối với quan niệm của người dân, cây nêu có thể là cây tre, cây trúc, lồ ô… nhưng đa phần người ta dùng cây tre cao tỉa sạch cành lá. Trên cây nêu, người ta treo những vòng tròn nhỏ hoặc các đồ vật theo tín ngưỡng của người địa phương. Và qua thời gian, cây nêu đã trở thành một vật mang tính biểu tượng nhiều hơn là một loại cây thực sự. Phong tục cuối năm trồng cây nêu là để xua đuổi đi những điều xấu, điều không may mắn. Những ngọn nêu vươn cao trong nắng gió là cầu mong cho một năm mới bội thu, nhiều may mắn.

Ông Đỗ Minh Điền ở thôn Hiền Sĩ (xã Phong Sơn) cho biết: “Cây nêu trong phong tục lâu đời của dân tộc Việt còn mang triết lý âm dương, được biết qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất) nằm trong hình ảnh cái nón và cây gậy của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Ở đây còn bao hàm sự thống nhất và tương trợ giữa Âm và Dương hay sự không tách rời giữa Động và Tĩnh…”.

Cây nêu được người dân dựng lên trong những ngày Tết Cổ truyền của dân tộc

Bức tranh văn hóa đa sắc màu

Theo các nhà nghiên cứu, đây là nghi thức truyền thống của dân tộc và cũng là một nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều Nguyễn. Ngoài những quan niệm tâm linh của dân gian, lễ dựng nêu của triều Nguyễn còn có mục đích để báo hiệu ngày Tết cổ truyền đã tới. Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động khác đều dừng lại, tạo nên thế cân bình tuyệt đối trong sự vận hành giữa năm cũ và năm mới. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ.

Khởi nguyên cây nêu được dựng với ý nghĩa trừ ma quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, trừ những điều xấu xa của năm cũ. Nhưng theo thời gian cùng với sự phong phú của các đồ lễ treo trên ngọn cây, cây nêu là cầu nối giữa vũ trụ với đất trời.

Theo thời gian, việc dựng cây nêu ngày Tết tuy có nhiều thay đổi theo tập quán của từng địa phương. Song ý nghĩa tượng trưng cho mong muốn bảo vệ con người, tạo lập hạnh phúc thì không thay đổi. Chính vì vậy mà việc tái hiện phong tục dựng cây nêu ngày Tết một lần nữa nhắc nhở mỗi người ý thức giữ gìn một nét văn hóa có ý nghĩa trong đời sống tâm thức của người Việt từ xa xưa.

Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Cây nêu được dựng lên cũng là báo hiệu mùa xuân mới đã về. Là thời điểm mọi người con của quê hương trở về đón Tết cùng người thân, gia đình. Dựng cây nêu ngày Tết ngoài dụng ý để trừ ma diệt quỷ, thờ phụng thần linh và tổ tiên còn có ý nghĩa cầu mong năm mới may mắn và mời các vị thần linh, các vị tiền bối về đón năm mới với người dân, đồng thời qua đó người dân mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu”.

Thông qua hoạt động này, thể hiện một bức tranh văn hóa đa dạng, đa sắc màu văn hóa dân tộc, góp phần quảng bá, giới thiệu về nghi lễ dựng nêu, động viên tinh thần phấn khởi, đón mừng Xuân mới với khí thế mới của quê hương, đât nước; qua đó giáo dục cho các thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Bài, ảnh: Hải Huế - Tiến Dũng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phong Điền nhất trí chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

Chiều 12/3, HĐND huyện Phong Điền tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 9 khóa VII, nhiệm kỳ (2021 - 2026) để xem xét, cho ý kiến về chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phong Điền nhất trí chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương
Return to top