ClockThứ Năm, 19/10/2017 05:46

Dùng phần mềm chống đạo văn

TTH - Tình trạng đạo văn ở một số trường đại học là chuyện không còn xa lạ. Mới đây, có trường hợp một luận văn đã được bảo vệ thành công ở trường đại học lớn sao chép gần như y nguyên luận án tiến sĩ được bảo vệ trước đó của người khác.

 Phần mềm chống đạo văn sẽ được Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế chính thức áp dụng từ kì bảo vệ luận văn, luận án năm học 2017-2018

Trước vấn nạn đó, một số trường đã chủ động đưa ra biện pháp phòng chống đạo văn trong học đường. Tại Huế, Trường đại học (ĐH) Kinh tế - ĐH Huế đã triển khai thí điểm phần mềm chống đạo văn đến toàn bộ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của trường.

Phần mềm này là sản phẩm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chuyển giao giúp trường rà soát, chống đạo văn các khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án của học viên, sinh viên một cách nhanh chóng. Tất cả các dữ liệu cũng được trường số hóa lên phần mềm để từ đó có thể kiểm tra, đối chiếu, so sánh các bài viết. Trường hợp phát hiện có sự trùng hợp, hệ thống sẽ thông báo ngay lập tức. Không dừng lại, phần mềm này còn giúp phát hiện bài báo, bài giảng, đề cương học phần, đề cương nghiên cứu, công trình khoa học có dấu hiệu đạo văn như một lời cảnh báo đến những ai có ý đồ thực hiện hành vi gian dối trong môi trường nghiên cứu, giáo dục.

Thạc sĩ Phạm Phương Trung, Giám đốc Trung tâm Thư viện – Thông tin Trường ĐH Kinh tế (ĐH Huế), người đảm nhận việc triển khai chương trình phần mềm này cho biết, đạo văn rất khó kiểm soát khi luật về trích dẫn hiện chưa rõ ràng và do thói quen sử dụng tác phẩm của người khác mà không tuân thủ về trích dẫn đang gây bức xúc, cản trở trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Khi chưa có phần mềm này, cán bộ, giảng viên phải đọc từng trang luận văn, luận án, rà soát đối chiếu nội dung nghiên cứu của học viên, sinh viên nên rất mất nhiều thời gian, hiệu quả không cao.

Thời gian đầu thử nghiệm phần mềm, mọi thứ trở nên thuận tiện, chuyên nghiệp. Bất cứ ai được cấp tài khoản, chỉ cần đăng nhập, đưa file bài viết vào phần mềm, chỉ mất mấy chục giây hệ thống sẽ quét và phát hiện được ngay mức độ tương đồng của luận văn, luận án được số hóa trên hệ thống.

Bắt đầu từ kỳ bảo vệ luận văn, luận án năm học 2017-2018 này, tất cả sẽ được áp dụng chính thức. Với phần mềm kiểm tra đạo văn được áp dụng, mọi bài thi, bài tập nhỏ đến luận văn tốt nghiệp của sinh viên đều được đưa vào để kiểm tra dễ dàng. “Khi nhà trường thực hiện nghiêm túc việc này không chỉ giúp đầu ra nghiêm túc, mà còn rèn luyện cho sinh viên đức tính trung thực ngay với bản thân mình. Phần mềm áp dụng phần nào ngăn chặn nạn ăn cắp bản quyền, trích dẫn cũng như khẳng định được cái riêng trong sự sáng tạo, văn phong của từng luận văn, luận án”, thạc sĩ Trung nói về cái hay của phần mềm chống đạo văn.

Theo ông Trung, hiện các phòng chức năng của trường đang xây dựng chế tài cụ thể về việc chống đạo văn từ phần mềm phát hiện. Tùy theo mức độ giống bao nhiêu %, sao chép nguyên văn, văn bản giống với các nguồn dữ liệu của các tác giả khác (hoặc chỉ thay đổi tên đề tài, từ ngữ, số liệu, nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc và nội dung của dữ liệu)... mà bị trừ điểm, yêu cầu viết lại, bị đình chỉ báo cáo hay bảo vệ, bị lập biên bản...

Nhiều sinh viên, học viên đánh giá rằng, việc áp dụng phần mềm này vào nghiên cứu, giảng dạy là rất cần thiết. Không chỉ ngăn chặn được nạn đạo văn mà còn giúp sinh viên tự ý thức được hành động vì liêm chính học thuật. “Phần mềm này như một lời cảnh báo đối với những ai lười nhác, có ý đồ sao chép cho nên mình rất ủng hộ, bởi đảm bảo được sự sáng tạo trong nghiên cứu cũng như đề cao vai trò của liêm chính học thuật”, sinh viên Lê Minh, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế đồng tình.

Không riêng gì dữ liệu số hóa trong nhà trường, tất cả những dữ liệu có trên internet cũng được phát hiện thông qua phần mềm nếu tác giả đạo văn. “Nếu phần mềm vận hành tốt, chúng tôi sẽ giới thiệu đến với các trường đại học thành viên thuộc ĐH Huế, cũng như một số hệ thống trung tâm giáo dục trong thời gian tới”, ông Trung nói.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bác sĩ cho mọi nhà

Tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa với phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” (BSCMN) đã tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Đây cũng là một bước tiến quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số ngành y.

Bác sĩ cho mọi nhà

TIN MỚI

Return to top