ClockThứ Ba, 10/10/2017 09:22

Đừng quên bản thân

TTH - Miwa Sado – nữ nhà báo 31 tuổi của Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) đã qua đời do suy tim. Nguyên nhân vì cô đã làm thêm 159 tiếng và chỉ nghỉ 2 ngày trong một tháng. Điều này mới chỉ được biết đến khi gần đây, gia đình của Miwa tiết lộ với báo chí.

Câu chuyện đã cho thấy sức ép kinh khủng từ việc làm việc quên mình. Tôi nói điều này là vì chúng ta chưa thể biết điều gì đã làm cho người trong cuộc phải gồng mình đến kiệt sức. Có thể do những yêu cầu bức thiết và thậm chí là hà khắc của công việc; có thể do sự mải miết thể hiện bản thân, cũng có thể vì những điều gì đó thuộc về gia đình hay đơn thuần chỉ vì những lý do cá nhân khác… Tất cả đều chỉ là phỏng đoán. Duy việc không nghĩ đến bản thân – bất luận mọi lý do – chính là hậu quả mà thiệt thòi lại thuộc về chính người đó và gia đình của họ. Tất nhiên sau cái chết của Miwa, nhiều điều đã được nhìn nhận lại, với những quy định cụ thể hơn như quy định mốc tối thiểu về giờ làm thêm và cả chế tài dành cho các công ty khi để (hoặc buộc) nhân viên phải làm thêm vượt ngưỡng quy định.

Cũng có đôi khi, người ta không có sự lựa chọn nào khả dĩ hơn việc tăng ca, tăng giờ làm để kiếm thêm một chút thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, điều này chỉ phổ biến ở những môi trường làm việc thiếu chuyên nghiệp và thiếu cả tính nhân văn. Nơi mà việc chia sẻ với người lao động, dựa trên sức khỏe và năng lực của chính họ chưa được đặt ra như những giá trị thiết yếu, với những quan tâm đủ để hướng đến những giá trị bền vững hơn.

Đọc thông tin này về Miwa Sado, tôi lại nhớ đến chị Châu, người làm công nhân vệ sinh ở sân bay Tân Sơn Nhất. Thực ra đó là câu chuyện tình cờ tôi nghe được lúc chị và người đàn ông trong trang phục an ninh sân bay trò chuyện với nhau khi họ đứng sát bên tôi. Châu tăng ca làm việc đến 16 tiếng mỗi ngày. Chị đi từ sáng sớm và chỉ về nhà lúc 23 giờ khuya, nấu cơm cho 2 chú chó ăn, dọn dẹp nhà cửa rồi mới đi ngủ. Đều rí như vậy đã được hơn 2 tuần. Bạn chị nói “Tui chịu bà! Nhưng mắc chi bà phải làm dữ vậy? Rồi chồng chán bỏ bà đi thì sao? Mắc chi bà cứ phải com cóp hoài vậy khi có nhà cho thuê? Bà nghĩ đến mình chút đi chớ? Nghỉ ngơi đi, đi chơi đi… Bộ bà muốn héo khô hả?”.

Giữa những lời như thế, tôi chỉ nghe Châu cười hiền hiền. Chị bảo, ừa, ổng lại sắp qua Mỹ phụ con bán nhà hàng, hoặc giữ cháu để nó chạy qua mấy tiệm nail rồi. Ổng về hưu rồi, không biết làm gì nên tôi khuyên ổng qua giúp con kẻo tội nghiệp nó. Con tui nó cũng bảo qua bển sống mà tôi nói thôi, nhà cửa mình có, qua đó không làm gì, không biết đi đâu cũng chán. Nói miết rồi ổng cũng chịu đi lại đó…

Tôi hỏi Châu, khi chị ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh tôi nghỉ đôi chút, là có phải ở nhà thì chị không chịu nổi vì buồn không, người đàn bà gầy gầy nói, ừa, cô nói vậy mà đúng đó. Ở nhà riết không có việc gì làm, thấy mình thừa quá! Du lịch thì tui cũng đi nhiều rồi, thôi ở nhà chi mắc công, đi làm vừa vui, vừa có tiền xài… Nhẩn nha câu chuyện, biết chị tăng thêm ca, mỗi tháng tổng thu nhập đâu khoảng hơn 10 triệu đồng, chưa kể thưởng.

Câu chuyện rồi cũng để đó, vì chúng tôi đã đến giờ ra cửa lên máy bay. Điều làm tôi nhớ hoài là điều Châu kể, rằng một bà bạn của chị đã thốt lên khi gặp chị vào sáng hôm sau: trời, làm dữ vậy mà nó còn cười được.

Không biết Châu nói điều ấy ra có phải là để phân bua cho mình không, nhưng quả thật là tôi cũng ngán ngại sức làm việc và sự chịu đựng của chị, cho dù điều đó với người có điều kiện như Châu không hề cần thiết. Điều làm tôi nghĩ khi ngồi trong chuyến bay là tại sao người ta lại không yêu quý bản thân mình, cho dù vì lý do nào đi chăng nữa, và rồi Châu sẽ kéo dài chuỗi ngày làm việc ấy được bao lâu, dù chị không để ý đến đôi mắt có quầng thâm của mình?

Mộc Trà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chỉ vì không kiềm chế

Chỉ vì một lúc không kiềm chế được bản thân, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, một gia đình vốn có cuộc sống bình thường như bao người khác, bỗng chốc “tan tành” những đầm ấm, bình yên.

Chỉ vì không kiềm chế
Muốn người khác làm, bản thân phải gương mẫu

Bất kể mưa nắng, hay những hoạt động tình nguyện vùng xa, hiếm khi vắng bóng dáng của Lê Chí Hùng Cường, giảng viên, Bí thư Đoàn Trường đại học (ĐH) Nông Lâm, ĐH Huế. Anh bảo: “Mình muốn học Bác từ những điều nhỏ nhất. Và, muốn người khác làm, bản thân phải gương mẫu, tiên phong…”.

Muốn người khác làm, bản thân phải gương mẫu
“Chạm tay” vào nghề báo

Là chúng tôi muốn nói đến những người làm báo không chuyên, chưa phải là cộng tác viên chính thức, thậm chí chưa từng có tác phẩm đăng ở các tờ báo chuyên nghiệp, nhưng đam mê, năng khiếu cùng khả năng thích ứng nhanh chóng của họ khiến người viết phải tự vấn bản thân…

“Chạm tay” vào nghề báo
Đọc sách để hoàn thiện bản thân

“Đọc sách không chỉ giúp hoàn thiện bản thân mà còn giải tỏa được căng thẳng của học hành, công việc cũng như cuộc sống thường ngày” – Phan Thúy Hoài đã chia sẻ như thế khi nhận giải Nhất ở hạng mục viết trong cuộc thi viết và nhiếp ảnh “Mở sách, mở tương lai” do Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức, trao giải vào cuối tháng 5.

Đọc sách để hoàn thiện bản thân
Return to top