ClockThứ Bảy, 21/04/2018 10:23

Đừng tạo áp lực cho con

TTH - Sự việc nam sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP. Hồ Chí Minh) tự tử, để lại thư tuyệt mệnh với nội dung do không đáp ứng được kỳ vọng từ gia đình không chỉ khiến nhiều người đau lòng và thương xót, mà còn dấy lên vấn đề xã hội cần quan tâm: Các bậc làm cha làm mẹ đừng biến sự kỳ vọng của bản thân trở thành gánh nặng cho con cái, những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn.

Với con

Hằng năm, vấn đề cải cách nền giáo dục đều được đưa ra để bàn luận, nhiều thay đổi, tinh chỉnh trong chương trình học được áp dụng; ai cũng mong muốn con của mình được thụ hưởng một môi trường giáo dục thoải mái, năng động và sáng tạo hơn thay vì tình trạng học sinh lớp một “cõng” hơn chục cuốn sách vở đến trường mỗi ngày. Đó là về phía nhà trường và xã hội, ngược lại đối với các bậc phụ huynh, liệu chúng ta đã thật sự “bắt tay” với nhà trường giúp đỡ con em hay lại biến chúng trở thành những đứa trẻ sống vì kỳ vọng của người khác.

Là một đất nước với nền khoa cử lâu đời, bao nhiêu thế hệ người Việt vẫn luôn đặt nặng việc học hành, xem đây là “kim chỉ Nam” cho con đường lập thân, lập nghiệp. Đó là tình trạng chung của các nước đồng văn chịu ảnh hưởng lớn của nền Hán học, trong đó có Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ở hai nước bạn, áp lực học hành còn nặng nề hơn ở nước ta, mỗi kỳ thi cuối cấp hay đại học đều được xem là sự kiện lớn trong đời người, được xã hội quan tâm kèm theo đó là sự kỳ vọng cực kỳ lớn từ những bậc phụ huynh. Học sinh cuối cấp ngoài giờ học tại trường buộc phải tham gia các lớp học phụ đạo, học thêm đến tối mịt để không bị tuột lại phía sau. Và như một hệ quả tất yếu, không thiếu những trường hợp trở nên nổi loạn, phá phách và chống đối hay thậm chí nặng hơn là tìm đến cái chết.

Tôi có một người em họ, với thành tích 12 năm học sinh giỏi gắn bó với trường chuyên, lớp chọn cậu luôn là niềm tự hào, hãnh diện của bố mẹ mỗi khi nhắc đến. Nhưng rồi khi lên năm nhất đại học cậu lại bỏ bê việc học hành và chạy theo những thú vui phù phiếm với lời tâm sự: “12 năm đèn sách chán lắm rồi, giờ  đến lúc xả hơi đó anh”. Như chim xổ lồng, cậu trượt dài trong những cuộc vui và đứng trước nguy cơ bị đình chỉ học. Đến nay khi gặp tôi, bố mẹ của cậu vẫn tặc lưỡi: “Phải chi hồi trước không ép nó học nhiều như vậy thì đã không đến cớ sự ngày hôm nay”.

“Đại học là con đường dẫn đến thành công”, đó là câu nói được giáo viên chủ nhiệm bậc phổ thông của tôi nhắc đi nhắc lại trong 3 năm học. Theo tôi, điều này đúng nhưng chưa đủ, xin được phép sửa lại: “Đại học là con đường ngắn nhất nhưng không phải là duy nhất dẫn đến thành công”. Học sinh học hết chương trình trung học có thể lựa chọn các trường trung cấp, cao đẳng nghề nếu cảm thấy năng lực bản thân không đáp ứng đủ trình độ đại học, và tất nhiên điều này hoàn toàn được nhà trường, xã hội và phụ huynh hoan nghênh. Tham gia với vai trò tư vấn, định hướng thay vì bắt ép con trẻ luôn là phương pháp giáo dục hiệu quả nhất.

Trở lại với câu chuyện của bản thân tôi, 12 năm học với thành tích khá, không trường điểm, không lớp chuyên; mọi việc vẫn ổn nếu như tôi không ở cạnh nhà một cậu bạn bằng tuổi với thành tích học tập cực khủng, luôn là “con nhà người ta” trong mắt  mọi bậc phụ huynh. Càng lớn, khoảng cách giữa hai người bạn thời thơ ấu dần rộng ra khi tôi chọn cách thu mình lại vì mặc cảm, thấy thua kém bạn quá nhiều. Tôi tin chắc nhiều bậc phụ huynh trong trường hợp này sẽ đem con mình so sánh với cậu bạn đó để tạo động lực cho con nỗ lực học tập. Tôi may mắn hơn khi có một người bố cực kỳ tâm lý, ông luôn là người động viên tôi học tập hết sức có thể nhưng không đặt nặng vấn đề thành tích. “Mỗi người đều có thế mạnh riêng, rồi sẽ có lúc con tìm được thế mạnh riêng của bản thân để phát triển nó”, lời khuyên của bố vẫn luôn là hành trang tôi mang theo trong suốt cuộc đời, là lời động viên mỗi khi tôi thất bại hay có ý nghĩ bỏ cuộc.

Con cái học hành thành tài luôn là ước mong lớn nhất của các bậc làm cha làm mẹ, nhưng xin đừng biến mong muốn của bản thân chúng ta trở thành gánh nặng cho con.

Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để nỗi đau không tiếp diễn

Mới đây, rạng sáng ngày 1/4, cái chết của một nam sinh ở Hà Nội cùng bức thư tuyệt mệnh em để lại một lần nữa dấy lên nỗi đau. Một lần nữa nỗi đau lại dấy lên khi cách đây chưa đầy hai tháng, một sinh viên năm nhất ở Bình Định trong lúc bế tắc về tinh thần, cũng đã chọn cách tự kết thúc đời mình trong ngày đầu vào TP. Hồ Chí Minh nhập học.

Để nỗi đau không tiếp diễn
Ấm nghĩa tình

Từng chuyến hàng nhu yếu phẩm, các phần quà của Mặt trận các cấp kịp thời chuyển đến cho người dân ở các khu phong tỏa và các trường hợp gặp khó khăn đã làm ấm lòng, tiếp thêm động lực cho người dân vượt qua đại dịch COVID-19.

Ấm nghĩa tình
Người cán bộ hậu cần gương mẫu, trách nhiệm

Đối với từng công việc phải tâm huyết, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân. Từ đó, làm gương và truyền cảm hứng cho anh em cấp dưới cùng thực hiện... là “bí quyết” của Thiếu tá Hoàng Văn Hải, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để cùng tập thể đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Người cán bộ hậu cần gương mẫu, trách nhiệm
Return to top