ClockChủ Nhật, 02/10/2016 06:44

Đừng vì hoang mang mà bớt học

TTH - LTS: Là một giáo viên đang công tác tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Hương Thủy - cũng như bao đồng nghiệp khác, tác giả không khỏi lo lắng trước Dự thảo của Bộ Giáo dục với kỳ thi năm nay. Nhưng bất an hơn cả là sự xáo trộn trong tâm lý và thái độ chưa thực sự chăm chú của học sinh hiện nay, nhất là học sinh cuối cấp THPT. Thao thức của tác giả được gửi về TS qua bài viết sau:

Dẫu biết rằng, đổi mới có cái được, cái chưa được, có dễ, có khó hơn những năm trước đây, nhưng vấn đề là “cứ phải”: đổi. Chính vì vậy, cứ một quy chế mới sắp được công  bố là cả thầy, trò lẫn phụ huynh chờ đợi. Nhưng tại sao, chúng ta lại quá chú tâm vào chờ đợi mà không chuẩn bị tâm lý đón đầu!

Giờ đã cuối tháng chín, thời gian không còn nhiều, song cũng không phải là quá ít để chú trọng vào bài vở. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, câu cửa miệng là thi hay không tất cả các môn học, đề thi như thế nào… được sĩ tử rôm rả từ lớp học, tới  nhà xe, căng tin, và nhất là trên facebook.

Đâu đâu các em cũng tranh luận gay gắt và điểm chung là: “Chết rồi, thi thế này thì học thế nào đây?”.

Tâm thế hoang mang không chỉ tác động từ những thông tin trên báo chí, mà ngay cả thầy cô và quý phụ huynh cũng xôn xao. Tính  lan tỏa, cộng hưởng từ nhiều nguồn để rồi sự lo lắng, chán nản chi phối đến tâm lý học sinh. Tâm lý càng nặng nề, hiệu quả học tập ngày một kém, trong khi thời gian đang nhích lên từng ngày.

Nhưng mấu chốt vấn đề không phải ở không khí “rộn ràng”, mà nằm ở tâm thế học tập của học sinh hiện nay, cũng như cách các em hiểu chủ trương của Bộ Giáo dục.

Các em đang từng ngày, từng giờ cập nhật thông tin, các em rất lo lắng, điều đó đáng được cảm thông và trân trọng. Song, điều giáo viên lo âu là ý thức học tập của các em chưa cao, tinh thần tự giác chưa phát huy cao độ. Nói rằng lo, nhưng bài ở nhà các em không học, không soạn, đến lớp lại thiếu tập trung, lịch học thêm rất dày nhưng chỉ là chạy theo phong trào mà kết quả học tập chưa được cải thiện.

Giờ này là thời  điểm nào mà các em vẫn đi dã ngoại, uống cà phê, vào rạp xem phim, up facebook đều đều…

Nói lên thực tế ấy, không có nghĩa đánh đồng cho tất cả học sinh. Khảo sát nhanh ba lớp học với gần trăm học sinh, nơi tôi đang giảng dạy thì có hơn 30% học sinh tỏ ra bình thản trước  thông tin thay đổi cách thức thi. Điều đó, dễ nhận ra, đây là bộ phận khá, giỏi của lớp. Vậy tại sao, các bạn ấy vững vàng tâm lý, trong khi số còn lại suốt ngày rên rỉ, hoang mang? Đơn giản, các em đón chờ kỳ thi với một hành trang tri thức đầy đủ, chắc chắn! Có được điều đó là sự tích lũy với ý thức tự giác cao trong học tập.

Học tập là một quá trình, thông minh hay không, chưa phải là yếu tố quyết định, ăn thua là chăm chỉ, cần cù. Điều này không có nghĩa các em cứ phải suốt ngày cắm đầu vào sách vở, mà là biết phân bổ thời gian hợp lý.

Vậy với thời gian ngắn ngủi còn lại, đủ hay không để các em cố gắng? Xin trả lời rằng: ĐỦ, khi các em hiểu và học theo một số gợi ý sau:

Thứ nhất, các em nên biết, chủ trương ra đề thi của Bộ Giáo dục hiện nay là phát huy khả năng vận dụng và tính sáng tạo dựa trên kiến thức sách giáo khoa học sinh nắm được, tránh học tủ, học vẹt. Chỉ cần học, hiểu được nội dung cốt lõi của bài học thì sẽ ung dung với bất cứ kiểu đề thi nào.

Thứ hai, để rút ngắn thời gian, cần cố gắng tập trung nhớ bài học ngay tại lớp, thời gian về nhà đọc lại bài, soạn lại bài theo cách hiểu của mình, làm các dạng bài tập liên quan tới bài học. Chỗ nào chưa hiểu cứ mạnh dạn hỏi thầy, cô, bạn bè, tuyệt đối không vì sĩ diện mà giấu dốt. Nên học theo sơ đồ tư duy, để vừa dễ nhớ vừa dễ học.

Thứ ba, không nhất thiết phải tới các lò luyện thi mà chỉ cần học thầy, cô dạy ở trường là đủ, nếu muốn chắc chắn và có hào hứng để học, có thể học nhóm.

Thứ tư, tâm thế học tập thoải mái, không quá áp lực trước sự kỳ vọng của gia đình và mục tiêu quá cao của bản thân. Thời gian học tập cần có thời gian nghỉ ngơi để cập nhật những thông tin xã hội . Bởi đó cũng là cách ra đề của Bộ hiện nay, là: “gần với thực tế của đời sống”.

Chủ động tiếp cận cái mới là tâm thế của thế hệ trẻ. Dễ là dễ chung, khó cũng là khó chung, nhưng kết quả đạt được thì không phải đồng nhất. Vậy còn chần chừ gì nữa, khi thời gian đang là vàng, mà cũng có thể hơn vàng bởi đây là thời điểm tạo nên những bước ngoặt cuộc đời, mà người kiến tạo không ai khác chính là bản thân mình.

HỒ THỊ QUỲNH LÂM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Chế biến trà từ hoa sim

Từ việc nghiên cứu đề tài tham dự cuộc thi khoa học – kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, nhóm học sinh Trường THPT Đặng Trần Côn đã chế biến trà túi lọc từ hoa sim, một sản phẩm độc đáo từ nguồn nguyên liệu địa phương.

Chế biến trà từ hoa sim
Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top