ClockThứ Bảy, 26/11/2016 08:26

Đừng vì tác dụng phụ mà bỏ điều trị ung thư

TTH - Trong phần lớn các nghiên cứu lâm sàng đánh giá hiệu quả các phác đồ hóa trị ung thư, một trong những mối quan tâm hàng đầu là độc tính (tác dụng phụ) của phác đồ như thế nào và có thể kiểm soát được hay không? Nhiều người từ chối hóa trị chỉ vì sợ không chịu nổi tác dụng phụ. Với tình trạng quá tải của bệnh viện, không phải bệnh nhân nào cũng được giải thích đầy đủ các tác dụng phụ trước khi “vô thuốc”.

“Đi thì sợ hóa chất vào...”

Ba tác dụng phụ phổ biến nhất của hóa trị ung thư đó là nôn mửa, rụng tóc và mệt mỏi. Có bệnh nhân thậm chí mới thoáng thấy chai dịch truyền là đã nôn thốc nôn tháo. Có bệnh nhân làm thơ cảm thán về việc điều trị hóa chất: “Không đi thì nhớ bác Giang/ Điều dưỡng, hộ lý dịu dàng làm sao/Đi thì sợ hóa chất vào.../ Râu tóc rụng hết trán cao hơn đầu”.Còn mệt mỏi, thường được mô tả là “không còn chút sinh lực nào” ở trong người. Nguyên nhân do thuốc hóa trị là các thuốc gây độc tế bào, có thể diệt tế bào ung thư nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến các tế bào lành. Những tế bào bình thường dễ bị ảnh hưởng nhất chính là các dòng tế bào sinh sản liên tục, như tế bào máu (tạo ra từ tủy xương), tế bào chân tóc, niêm mạc đường tiêu hóa, các tế bào thuộc hệ sinh sản.

Trên thực tế, không phải ai cũng gặp tác dụng phụ và mỗi người sẽ chịu đựng độc tính ở các mức độ khác nhau. Các tế bào lành mạnh bình thường sẽ nhanh chóng hồi phục nên độc tính cũng sẽ hết sau khi kết thúc hóa trị. Hồi phục hoàn toàn sẽ tùy thuộc cơ địa, sức khỏe mỗi người và loại thuốc được dùng. Một số rất hiếm các trường hợp có thể kéo dài nhiều tháng hay nhiều năm, thậm chí suốt cuộc đời còn lại, đặc biệt là với các loại thuốc gây độc cho thận, tim, hay các cơ quan sinh sản. Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ khác như thiếu máu, bong loét da, tiêu chảy, nhiễm trùng... Vấn đề là bác sĩ phải giải thích rõ tất cả những tác dụng phụ có thể gặp phải, mức độ và khả năng kiểm soát, vì bệnh nhân hoàn toàn có quyền được biết. Biết để sẵn sàng đương đầu.

Tự mình kiểm soát độc tính

Mặc dù bác sĩ có thể cho thuốc trên từng trường hợp cụ thể để kiểm soát độc tính, nhưng về phía bệnh nhân cũng có một số phương pháp hay “chiêu thức” để tự đối phó với những độc tính thường gặp nhất.

Để chống lại buồn nôn hay nôn mửa, bệnh nhân nên thay đổi cách ăn uống. Không nên ăn nhiều quá trước khi vô hóa chất. Nên chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày thay vì ăn ngày ba bữa như trước đây. Ăn chậm, nhai kỹ. Không ăn những món quá ngọt, cay, chua, những món chiên xào, thức ăn để nguội lạnh. Nên uống nước hay các thức uống khác (mát và trong như nước táo, nước trà...) một tiếng trước hay sau bữa ăn thay vì uống cùng với bữa ăn. Sau ăn uống nên ngồi nghỉ trên ghế, tránh nằm duỗi thẳng. Bệnh nhân nên xua đi cảm giác buồn nôn bằng nhiều cách thư giãn như xem phim, nghe nhạc hay trò chuyện cùng người thân, bạn bè.

Rụng tóc (và lông, râu) là một nỗi ám ảnh, đôi khi gây mặc cảm lớn cho bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nữ. Cần biết là hầu hết tóc sẽ mọc lại sau khi hoàn tất điều trị, thường mịn, dày và đậm màu hơn trước. Trong trường hợp này, bác sĩ không có thuốc chữa mà chỉ có thể tư vấn bệnh nhân cách chăm sóc tóc và da đầu. “Trán cao hơn đầu” trong bài thơ của bệnh nhân là một lời tếu táo tự động viên cần thiết. Người bệnh cần có thêm sự quan tâm, đồng cảm từ những người thân. Bạn đọc trên mạng xã hội không quên câu chuyện tình yêu lãng mạn của chàng sinh viên năm thứ nhất Đại học Iowa (Mỹ) Riley Nicolay và cô gái Deidre: Riley Nicolay quyết định cạo trọc đầu để mình không trở nên khác biệt với người yêu bị rụng tóc vì hóa trị ung thư. Bức ảnh của họ, cùng trọc đầu, nhìn nhau đầy yêu thương được hàng triệu lượt thích, chia sẻ và bình luận chỉ sau vài giờ đăng tải. Riley bày tỏ trên kênh truyền hình ABC: “Bình thường tôi không thích cạo trọc đầu đâu, nhưng tôi làm điều đó vì cô ấy: Tôi muốn cô ấy cảm thấy được chia sẻ vì tôi cũng giống như cô ấy”.

 Mệt mỏi do ung thư không giống như loại mệt mỏi cuối ngày, không hết hay bớt mệt sau khi được ngủ đẫy giấc hay nghỉ ngơi. Nhiều bệnh nhân than phiền mệt mỏi đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống thường ngày của họ, về khả năng ăn uống, sinh hoạt, tự chăm sóc cũng như mức độ tập trung và cả những suy nghĩ tiêu cực. Cơ thể không còn sinh lực, buồn chán, hay cáu kỉnh. Ba trong bốn bệnh nhân ung thư cho rằng mệt mỏi còn tệ hơn cả các triệu chứng nghiêm trọng khác như nôn mửa, đau đớn và có người thậm chí không thể, không muốn tiếp tục điều trị. Mệt mỏi càng trầm trọng hơn do tác động cộng hưởng cả những vấn đề cảm xúc, tinh thần... mà bất kỳ một bệnh nhân ung thư nào cũng gặp phải như buồn chán, lo âu, sợ hãi (sợ đau, sợ chết)... Những lời khuyên của Hội Ung thư Hoa Kỳ có thể giúp bệnh nhân có những cách đối phó với mệt mỏi: Hoạch định những việc làm trong ngày để dành ra những khoảng thời gian nghỉ ngơi. Nhiều lần nghỉ ngơi ngắn tốt hơn một lần nghỉ lâu. Làm những việc quan trọng nhất khi cơ thể có nhiều sinh lực nhất. Để những vật dụng, món thường dùng trong tầm tay. Làm những động tác như hít thở sâu, đọc sách, chơi đàn hay làm bất cứ việc gì mình thích.Cố gắng năng động hơn. Tư vấn bác sĩ về môn thể dục nào thích hợp nhất. Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý bao gồm thịt, trứng, sữa và đậu. Uống thật nhiều chất lỏng hoặc tư vấn bác sĩ về chế độ ăn uống đặc biệt nếu có”.

 Có hàng chục tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ảnh hưởng trên bệnh nhân ung thư với các mức độ khác nhau. Chính bệnh nhân sẽ để ý đến những thay đổi, những dấu hiệu bất thường trong cơ thể của mình trong suốt liệu trình điều trị. Đừng nên coi thường những triệu chứng đó dù nhỏ nhất mà hãy thông báo cho bác sĩ hay y tá. Có thể một số triệu chứng là những phản ứng phụ rất nhẹ và không quan trọng, nhưng lại có phản ứng phụ là dấu hiệu của những vấn đề quan trọng đang xảy ra hay sẽ xảy ra. Điều quan trọng là đừng vì tác dụng phụ mà bỏ điều trị ung thư.

TS.BS PHẠM NGUYÊN TƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Thủ tướng làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Chiều tối 6/4, làm việc tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác tham quan cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế; thăm, tặng quà hai ca ghép tạng xuyên Việt mới đây đang được theo dõi sau phẫu thuật.

Thủ tướng làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

TIN MỚI

Return to top