ClockChủ Nhật, 27/11/2016 06:13

Đừng vội người ơi

TTH - Lão lom lom nhìn hai thanh niên, cũng quần áo xanh lem nhem vôi vữa, cả giày bảo hộ lao động; rõ là công nhân rồi.

1. Đang lúi húi quét mớ bông giấy vương vãi nơi ngõ, lão nghe tiếng gọi vừa rụt rè vừa thân thiện từ phía sau: “Anh ơi!” Lão quay lại, gặp ngay nụ cười cầu tài nhưng dúm dó như bông hoa héo. Lão đứng sững nhìn hai gã trẻ măng, to như cặp voi còi, đè trên chiếc Dream II xẹp cả lốp vừa trờ tới. Lão khó chịu khi đột ngột bị kẻ đáng tuổi con hạ cấp xuống “anh”. Định kết bạn vong niên chắc?!

Hẳn thấy đôi mắt hình viên đạn cùng vẻ mặt mất lửa của lão, gã ngồi trước chủ động chuyển tông: “Sếp ơi, sếp mua khoan bê tông không? Chánh hiệu USA đấy”. Như để minh chứng cho lời nói, gã vọt xuống xe, lấm lét nhìn quanh rồi mở bịch ni lông màu đen lôi ra chiếc khoan còn mới. Gã đưa tay miết nhẹ lên mặt thép lạnh tanh, ngước nhìn “đối tác”, giọng dẻo quẹo: “Tụi em là công nhân xây dựng, khoản này tiết kiệm được nên giá hữu nghị, sếp ạ”. Lão lom lom nhìn hai thanh niên, cũng quần áo xanh lem nhem vôi vữa, cả giày bảo hộ lao động; rõ là công nhân rồi. Nhớ lại những lần đóng tường treo giá sách, móc quần áo hay mắc thêm cái bóng đèn mà phải bỏ cả mớ đinh quẹo đầu do không có khoan, lão muốn xuôi theo lời tiếp thị “có cánh”. Vẫn giữ vẻ hững hờ cần có của một “thượng đế”, giọng lão vênh lên: “Hữu nghị là bao nhiêu?”. Đoán chừng thần kinh cảnh giác của “đối tác” đã bị “gây mê”, đứa ngồi sau cất giọng: “Báo cáo sếp, đúng giá là năm trăm ngàn nhưng bọn em khuyến mãi, xin sếp bốn trăm rưỡi”. Cò kè một lát, lão móc túi xìa ra bốn trăm ngàn đồng, lập tức cái khoan được đổi chủ. Nhìn chiếc xe vù đi, thoắt trông đã nhỏ như bàn tay và kẻ bán chỉ kịp quăng lại câu chào vội lẫn trong khói bụi, lão sinh nghi. Lão xuýt xoa rồi tự xỉ vả sự nông nổi của mình khi lấy khoan dùng thử. Chẳng cần bê tông, ngay tường gạch mà khoan cũng chẳng chịu đi.

Lão ra chợ, chỉ vào cái khoan giống hệt cái đã mua, hỏi giá. Hai trăm ngàn đồng - câu trả lời của bà chủ gian hàng đồ sắt khiến lão ngửa mặt kêu “trời”.

2. Một sáng chủ nhật, đúng lúc lão cảm thấy dễ chịu sau cử cà phê cùng âm thanh du dương của “Hạ trắng”, “Diễm xưa” thì người đẹp xuất hiện. Nghe tiếng đẩy cổng rèn rẹt, lão hạ tờ báo xuống khỏi tầm mắt, gỡ kính, nhìn ra. Nụ cười của mỹ nhân tự nhận là nhân viên tiếp thị của hãng dầu gội TITANIC khiến lão không thể hững hờ.

Không giống bao kẻ tiếp thị cứ nài nỉ, chèo kéo gần như cưỡng bức, cô gái đang đối diện lão rất kiệm lời, không phung phí những mỹ từ khi nói về sản phẩm của mình, chỉ có nụ cười. Nhưng sao dầu gội lại kèm đồng hồ treo tường? Đơn giản là khuyến mãi, có nghĩa hai trăm ngàn đồng chỉ tính riêng cho chai dầu gội đặc biệt, to bự. Lão không biết đồng hồ thời nay đâu còn cao giá như thuở người ta đo thời gian bằng tiếng gà, bóng nắng nên cứ gật gù, ra vẻ thông suốt với giải thích của cô gái.

Nếu chỉ mất hai trăm ngàn đồng thì chuyện nhỏ nhưng chuyện lão suýt bị hói thì nhỏ sao được! Khi vợ đi làm về, chưa kịp khoe mua một được hai, lão vội nhờ vợ xem đầu sao mà ngứa dữ. Vợ lão lật từng mớ tóc đã lấm tấm bạc, đưa mũi hít hít đầy vẻ cảnh giác rồi nhăn mặt: “Anh gội dầu gì?” Lão chưa dứt lời, vợ lão bực tức, đùng đùng chạy vào buồng tắm lôi ra chai dầu cùng tên với con tàu đoản mệnh từ đầu thế kỷ trước. Sau một hồi ngửi, đổ ra để nhìn, cho một tí lên lòng bàn tay xoa xoa, vợ lão buông lời rên rỉ: “Của giả!” Lão những hai lần muốn phát khùng trước lời lời cay độc: “Nếu gội hết chai dầu này lại hoá hay vì khỏi phải tốn tiền cắt tóc. Thấy gái là tít mắt lại, biết gì nữa!?” - Người cứ như sôi lên nhưng lão cứng họng, không cất nên lời.

3. Có phải do đúng dịp Vu lan thắng hội hay không mà lòng trắc ẩn trỗi dậy và một lần nữa lão cười như mếu khi tưởng thế mà không phải thế. Họ gồm hai người, tuyền màu nâu từ mũ len đội đầu đến quần áo, cả chiếc túi vải khoác trên vai đựng đầy hương. Họ chắp tay, “mô Phật” rồi bằng giọng giống đọc kinh, khơi gợi tình thương đồng loại của lão. Họ xoè ra tập ảnh về các hoạt động của ngôi chùa nào đó, cả tờ giấy có dấu đỏ lem nhem do nhà chùa giới thiệu họ đi bán hương để quyên góp ủng hộ quỹ từ thiện. Tốn trăm ngàn đồng để có hai thẻ hương đáng giá năm ngàn nếu mua ở chợ nhưng lòng lão ấm lại bởi ý nghĩa tốt đẹp của việc mua bán. Nhìn hai Phật tử lầm lũi trong nắng bụi trên con đường tấp nập người qua, lão trào lên niềm thương không tả xiết.

Nhưng lão chơi vơi, hẫng hụt như đang bay trên chín tầng mây bỗng rơi xuống vực sâu, khi chiều đó vào quán Bảy Hoàng. Lão trố mắt nhìn hai Phật tử lúc sáng giờ đang ngoác mồm gặm những cục xương to như nắm đấm cùng những miếng thịt nướng thơm nức mũi. Họ liên tục “dô, dô” khiến lão nhìn cũng đủ say; họ làm cả quán phải tròn mắt khi liên hồi văng tục rồi vừa cười hô hố vừa kể về khoản “thu nhập” tăng đột biến trong ngày lễ Vu lan. Lão choáng, căng mắt; những mong nhầm nhưng buồn sao không nhầm. Có khác chăng, mũ và quần áo nâu đã thay bằng bộ cánh sặc sỡ, diêm dúa hệt như y phục của diễn viên hề trên sân khấu. Nhìn kỹ, lão phát hiện túi vải nâu đựng hương được bỏ vào bao lác trắng để ngay dưới gầm bàn. Trên cánh tay và vùng ngực hở ra của nhị vị hằn những hình xăm rùng rợn, trẻ con thấy chắc phải khóc thét. Bộ dạng kia không thể là người lương thiện, càng không thể là Phật tử-nhận định ấy khiến lão trừng mắt, định bước tới nhìn thẳng mặt hai đứa lừa đảo nhưng chợt nghĩ chẳng để làm gì, lão đứng thẳng đuột như nuốt phải cây thước vào bụng.

4. Cạch tới già, không bao giờ dây vào bọn “tiểu yêu” nữa. Nghĩ thế và lão làm đúng thế. Lão lắc đầu quầy quậy, xua tay lia lịa trước những lời mời chào tha thiết của ông mài dao kéo đến đứa bé bán vé số, của kẻ ăn mày đến bà mua ve chai. Ai không khôn hồn biến ngay mà cứ “cố đấm ăn xôi” thì coi chừng, lão chẳng khách sáo. Cả các cô cậu với đồng phục bắt mắt đi tiếp thị bột ngọt, dầu gội lão cũng đuổi thẳng. Có cô tròn mắt nhìn lão như dị nhân khi bị quát do cố nhét gói bột giặt loại mới, bé tí vào khe cổng nhà lão.

Mới rồi có cậu thanh niên tới gõ cửa nhà lão kêu cứu. Thoạt nhìn lão biết ngay cậu ra đi từ đồng ruộng. Với giọng khu Bốn trọ trẹ, đầy những thổ âm, cậu cố diễn đạt để người đối thoại hiểu rằng cậu đang trên đường đi thi đại học thì bị mất cắp. Ngửa tay xin người dưng, ấy là cách để cậu có tiền ở lại thành phố này ba ngày dự thi. Lão đóng sầm cửa khiến khuôn mặt trẻ ngơ ngác rồi lủi thủi bỏ đi. Nhưng lòng tốt của những người cùng hẻm phố với lão đã cho chàng trai khổn khổ được toại nguyện. Ông Đạt - tổ trưởng dân phố còn “tiếp sức mùa thi” bằng cách cho cậu ta ở trong nhà và mượn xe đạp đi thi. Khi mọi người dường như đã quên chàng trai nhà quê đen như gỗ mun nọ thì cậu đột ngột xuất hiện. Với nét mặt phơi phới thay cho vẻ buồn như đưa đám cách đây hai tháng, cậu báo tin mình đã đậu đại học. Lần này vào nhập học, cậu đến thăm lại những ân nhân chưa kịp biết tên và biếu mỗi nhà vài ký đậu lạc, gọi là có chút quà quê. Hẻm phố bỗng nhiên vui, mọi người cười nói hồ hởi, mừng cho đoạn kết có hậu của chàng trai lạ mà quen. Thấy cậu đi ngang cổng nhà mình nhưng không dừng, lão khe khẽ khép cửa. Chuỗi âm thanh vui tươi từ bên ngoài vọng tới khiến lão đứng lặng, lòng tràn tủi hổ.

5. Vẫn là mất nhưng lần này chưa hẳn đã mất. Sau chầu nhậu bát ngát với các “chiến hữu” ở quán Bảy Hoàng, lão khật khưỡng về, bỏ lại quán chiếc điện thoại di động. Sáng hôm sau, khi đã ra khỏi cõi mê, lão mới sực nhớ, hết lục túi áo đến túi quần rồi buông hai tay, chép miệng. Định quay lại hỏi chủ quán nhưng lão nghĩ chắc đã “bốc hơi” nên thôi.

Cũng tại quán đó, khoảng mười ngày sau đó, khi lão ra về thì nghe tiếng gọi giật ngược từ phía sau: “Bác ơi, bác ơi!”. Lão ngoái lại, thấy thằng bé bán báo hộc tốc chạy tới, giơ tay vẫy vẫy. “Nhìn đường còn loáng choáng thì đọc báo bằng gì?!”, lão lầu bầu, vọt lên xe, nổ máy. “Đừng vội bác ơi!”, thằng bé chạy tới chặn trước xe lão, há mồm thở. Nó thò tay vào túi quần rút ra chiếc điện thoại, toét miệng cười: “Của bác đúng không?”. Lão trố mắt, cầm chiếc điện thoại nghiêng ngó, giọng như reo: “Đúng rồi. Nhưng ở đâu?”. “Trên ghế bác ngồi bữa trước nhưng hết pin rồi - nó nhanh nhẩu - cháu gửi lại bác.”

Lão lí nhí cảm ơn, bối rối nhìn thằng bé, thấy quen quen. Thôi đúng rồi, chính là thằng bé từng năn nỉ lão đánh giày, bị lão nạt chạy mất dép.

NGUYỄN CẢNH TƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nắng cuối ngày

1 - Ngày dần tàn. Duỗi dài trên chiếc võng xếp ở tầng thượng, ông lơ đãng nhìn ánh ngày đang nhạt nhòa trên vòm xà cừ bên đường. Nếu đời người chỉ gói gọn trong một ngày thì đời ông đang bước vào độ giống những tia nắng cuối ngày kia.

Nắng cuối ngày
Người phía sau

Chị Ba tôi có chồng sớm, đó là hậu quả của điều mà ngày nay người ta hay nói là thiếu hiểu biết để phòng vệ trong quan hệ lứa đôi.

Người phía sau
Mẹ

Cậu Hai và cô Ba ở thành phố nhiều lần đánh xe về tận ngõ mời mẹ lên ở cùng nhưng bà nhất quyết “bám trụ” ở quê cùng cậu Út. Anh chị đều thành đạt nhưng Út thì ngược lại. Di chứng của những trận đau dặt dẹo ngày bé khiến chân phải cậu co rút và teo như ống tre, giọng thì méo như nói qua chiếc loa rè. Đã thế, vợ lại chẳng mấy nhanh nhẹn cùng đàn con ba đứa lút chút khiến Út càng lam lũ. Bà ở cùng, lặng lẽ chia sẻ những cực nhọc của đứa con không may mắn. Ngoài bảy mươi, bà vẫn lội đồng cấy hái. Rời cái liềm cái cuốc, lại chăm heo gà hay quét dọn cửa nhà. Trừ những lúc ốm mệt, bà ít khi ngơi tay.

Mẹ
Return to top