ClockChủ Nhật, 21/06/2020 07:38

Được chủ soái Hương Bình thi xã giúp “gỡ bí”

TTH - Xuất thân quan cụ, uyên thâm chữ nghĩa như nhà thơ Ưng Bình mà ông cũng đã bày tỏ rất rõ ràng: “Bia không đề thụy phải đề tên”… Vậy là cụ đã giúp cho chúng tôi một “lối thoát” rất nhẹ nhàng…

Thêm 3 di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnhBiểu diễn ca Huế tưởng nhớ nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị

Chân dung nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị

Tưởng nhớ tiền nhân, tri ân tiên tổ là tấc lòng, là truyền thống của dân ta. Đặc biệt là với người Huế, điều này thể hiện càng đậm nét. Bằng chứng là chuyện chạp giỗ, tế lễ được cư dân Cố đô hết sức xem trọng, cung kính giữ gìn. Việc xây dựng, tôn tạo lăng mộ cho tổ tiên dòng tộc, ông bà, cha mẹ luôn được xem là việc đại sự. Không có thì thôi, chứ khi đã đủ điều kiện, thì đây là việc các gia đình đều nghĩ tới trước tiên.

Gia đình tôi không ngoại lệ. Khó khăn về kinh tế và sự ác liệt của chiến tranh khiến hầu hết các phần mộ trong gia tộc đều chỉ là những nấm đất, gò cát đơn sơ. Sau ngày đất nước thống nhất, các cụ cao niên vận động đóng góp để làm có mỗi việc: Dựng bia (mộ chí) cho tất cả các phần mộ. Mỗi mộ 1 tấm bia, nhưng gộp lại thì vô cùng nhiều. Xong việc ấy, các cụ cảm thấy mãn nguyện và an lòng vì ít ra cũng có cái mốc cho các thế hệ sau dễ tìm, khỏi lo thất tán. Việc xây dựng, tôn tạo đặt hy vọng vào con cháu đời sau.

Và đúng như mong mỏi của các cụ, lứa cháu con hậu thế chúng tôi khi đã không còn quá lo chuyện cơm áo thường nhật đã cùng động viên nhau hướng về tổ tiên. Người có của góp của, người có công góp công, quan trọng nhất là đồng thuận, có đồng thuận việc tất thành tựu. Cứ như vậy, năm này một ngôi năm sau một ngôi, dần dà mồ mả các đời trong gia đình đã được tôn tạo gần khắp…

Lăng vua Minh Mạng - người mà cụ Ưng Bình gọi bằng ông cố

Xây dựng, tôn tạo mộ phần khó mà đơn giản, riêng phần dựng mộ chí tưởng đơn giản mà… khó. Ấy là bởi đời trước, các cụ dựng bia chỉ cho khắc phần họ, còn tên của người quá cố thì cho rằng húy kỵ, phải tôn trọng nên giấu, chỉ khắc “Quý Nương”- nếu là nữ, “Quý Lang”- nếu là nam. Thành ra phần mộ nào cũng thấy tên… giống nhau. Con cháu lớp trẻ không hiểu hỏi: Sao mộ này cũng của người có tên “Quý Nương” mà mộ kia cũng thấy “Quý Nương”…; mộ này “Quý Lang” và mộ kia, mộ kia nữa… cũng “Quý Lang”? Xưa sao nghèo nàn vậy, đặt tên trùng nhau cả. Người lớn có người đôi khi cũng không hiểu, cứ thế ậm ừ cho qua chuyện.

Bàn tới bàn lui, trong gia đình có người bảo, thời hiện đại rồi, cứ để hẳn hoi tên tuổi, có gì con cháu đối chiếu gia phả còn biết người nằm dưới mộ là ai, đời thứ mấy… Nhưng lại không ít ý kiến phản đối: Xưa thế nào này cứ theo vậy mà làm, đang ăn yên ở yên, sửa đổi nhỡ xảy ra chuyện rồi hối không kịp… Mãi vẫn không ngã ngũ, mộ sắp xong mà bia thì vẫn chưa thể đặt làm. Nhiều người nhìn về hướng tôi, bảo “nhiều chữ nhiều nghĩa”, suy nghĩ thử. Đang bí, chợt nhớ có dạo đọc loáng thoáng đâu đây chuyện bia mộ của cụ Ưng Bình, tôi vội chạy đến tủ sách lục tìm xem cụ có “giúp” cho lối thoát được không. Đây rồi, may quá…

Cuốn sách tôi được nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương gửi tặng cách đây đã lâu, ghi lại những hồi ức của bà về cha mình - nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961), cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh. Cụ Ưng Bình đỗ cử nhân Hán học, từng làm quan đến chức Bố chánh Hà Tĩnh (1922), khi về hưu (1933) được thăng hàm Thượng thư, Hiệp tá Đại học sĩ. Sau khi hồi hưu, cụ làm Hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ (1939-1940), Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ (1940-1945). Sáng lập và được suy tôn chủ soái Hương Bình thi xã nổi tiếng đất Thần kinh. Lược qua như thế để thấy xuất thân danh gia vọng tộc, và sự uyên thâm chữ nghĩa của cụ. Lúc đang còn sống, cụ đã cho làm sanh phần (tức phần mộ dành cho mình sau này), tiếc là sau đó sanh phần của cụ bị chính quyền cũ giải tỏa để nhường chỗ cho một công trình xây dựng khác. Theo trí nhớ của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, ở ngôi sanh phần này, cụ Ưng Bình cho viết đôi câu đối bằng chữ Nôm trên 4 cột trụ rất cao. Cặp thứ nhất viết:

Người chẳng để da nên để tiếng,

Bia không đề thụy phải đề tên.

Và cặp thứ hai:

Mộ đá đắp gần đường, vui bước hậu sinh nhiều kẻ viếng.

Trụ vôi đề chữ Hán, hết đời cựu học có ai xem.

Quá hay, tôi ôm cuốn sách đi “mách” với mọi người. Đến đây thì ai nấy băn khoăn đều được giải tỏa. Bởi xuất thân vương tôn, uyên thâm chữ nghĩa như nhà thơ Ưng Bình mà ông cũng đã bày tỏ rất rõ ràng đến thế:“Bia không đề thụy phải đề tên”; “Trụ vôi đề chữ Hán, hết đời cựu học có ai xem”. Nói nôm na theo nghĩa đen, bia, đối là những thông tin để gửi gắm, để lưu lại mà người đời sau phải đọc, hiểu tường minh, chứ không phải là đơn thuần thờ phụng, “trang trí”. Nay, thời tân học, người tân thời “ngự trị” đã quá lâu rồi, thay đổi “thể thức” tấm bia cho cháu con dễ hiểu, dễ đọc là điều nên làm quá thể. Hà cớ gì còn phải lăn tăn.

Vậy là cụ Ưng Bình đã giúp cho chúng tôi một “lối thoát” rất nhẹ nhàng. Và cũng nghĩ có lẽ chưa nhiều người biết đôi câu đối thú vị nơi sanh phần của vị chủ soái Thi xã Hương Bình, tác giả của vở tuồng Lộ Địch nổi tiếng và nhiều câu thơ “đóng đinh” trong lòng nhiều người: “Thuở ra sân khấu không làm rộn/ Khi hạ vai tuồng ít hổ người”… Nên chép ra đây để ai thấy có nhã hứng thì cùng tham khảo.

Bài, ảnh: HUY KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Return to top