ClockThứ Hai, 11/05/2015 07:00

Được mùa dù thời tiết phức tạp

TTH - Thời điểm này, khắp những cánh đồng lúa chín phủ một màu vàng ươm, nông dân nhiều nơi khấp khởi vui mừng, bắt đầu bước vào thu hoạch những trà lúa chín.

Thu hoạch lúa đông xuân

Được mùa

Trong khi toàn tỉnh có thêm vụ lúa thắng lợi, thì tại nhiều địa phương ở huyện Quảng Điền bị mất mùa do đợt lũ cuối tháng 3 vừa qua. Ông Hoàng Vọng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền cho biết, đợt lũ gây ngập úng hơn 1.100 ha lúa trên địa bàn huyện; trong đó, có khoảng 242 ha bị mất trắng và khoảng 600 ha bị thiệt hại từ 30% đến 70% năng suất. Ước tổng thiệt hại vụ lúa đông xuân toàn huyện trên 10 tỷ đồng. Huyện Quảng Điền cũng đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ thiệt hại do người dân theo Quyết định 09 của UBND tỉnh và Nghị định 42 của Chính phủ đối với các hộ có diện tích lúa bị thiệt hại do thiên tai.

Chị Lê Thị Bê cũng như nhiều người dân ở xã Phú Lương (Phú Vang) tỏ ra bất ngờ trước vụ mùa thắng lợi. Hộ chị trồng hơn 10 sào lúa, chủ yếu các giống Khang dân và TH5, thu được hơn 35 tạ. “Đầu vụ đã xảy ra nắng hạn gay gắt. Ngày nào cũng túc trực trên cánh đồng, máy chạy bằng dầu hoạt động 24/24 giờ để đưa nước vào ruộng tưới lúa. Giữa vụ thì sâu bệnh diễn biến phức tạp, phát tán trên diện rộng. Lúa đang làm đòng thì gặp trận mưa lớn bất ngờ... Bao nhiêu nỗi lo, gian khó rồi cũng qua, giờ có được vụ lúa năng suất cao, ai cũng mừng!”, chị Bê chia sẻ.
Tại một số địa phương của huyện Phong Điền, như xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Sơn..., nhiều diện tích lúa cũng ảnh hưởng sâu bệnh, mưa lũ, nắng hạn nhưng nhìn chung năng suất vẫn đạt khá, thậm chí cao hơn các vụ đông xuân trước. Ông Nguyễn Bá Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn nói: “Phong Sơn là vùng đất trồng lúa thường gặp nhiều khó khăn về thời tiết, sâu bệnh, nhất là nắng hạn. Vậy mà, vụ đông xuân này vẫn được mùa. Năng suất lúa bình quân mỗi ha ước đạt trên dưới 60 tạ... Theo ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, phần lớn các địa phương trên địa bàn huyện, như Điền Hòa, Điền Hải, Điền Lộc, Điền Hương, Điền Môn... đều có một vụ lúa khá thuận lợi, năng suất cao, ước đạt 58-60 tạ/ha...
Năng suất cao, giá ổn định
Các yếu tố làm nên thắng lợi vụ lúa đông xuân, là nhờ các địa phương đã có nhiều kinh nghiệm trong điều hành sản xuất, chủ động ứng phó thiên tai. Theo ông Bạch Văn Khai, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc, trước khi bước vào mùa vụ, chính quyền địa phương và các ban ngành tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân khẩn trương làm đất, gieo cấy đảm bảo khung lịch thời vụ, đúng cơ cấu giống, đưa các giống xác nhận vào sản xuất đạt gần 100%. Sau khi kết thúc gieo cấy, người dân triển khai ngay việc chăm sóc, bón phân, diệt cỏ, phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Tại các xã khu 3 là nơi không chủ động nguồn nước tưới, từ đầu vụ, các địa phương huy động người dân nạo vét kênh mương, thủy lợi, tranh thủ tích nước trong các ao hồ khi có mưa để tưới lúa. Đợt mưa lớn cuối tháng 3 làm ngập gần 900 ha lúa trên địa bàn, song nhờ chủ động ứng phó, đóng mở các cống, huy động máy bơm điện, bơm dầu đấu úng kịp thời, không để thiệt hại lớn. Năng suất lúa bình quân toàn huyện ước đạt gần 60 tạ/ha...
 Ông Trần Quang Phước, Trưởng phòng Trồng trọt - Chăn nuôi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch khoảng vài ngàn ha, năng suất bình quân gần 60 tạ/ha. Các địa phương đạt năng suất cao, như các huyện: Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy... từ 58-62 tạ/ha. Không chỉ được mùa, qua nắm bắt thị trường, giá lúa năm nay cũng tương đối ổn định. Các sản phẩm lúa truyền thống, như Khang dân, 4B... có giá 6.500 đồng đến 7.000 đồng/kg, các giống lúa mới, chất lượng cao, như TH5, HT1, Hương Cốm 4, Băc thơm 7... có giá từ 15 ngàn đến 20 ngàn đồng/kg...

Kiểm tra lúa ở phường Thủy Lương (TX Hương Thủy)

 
Góp phần đưa vụ đông xuân được mùa còn do các địa phương giống lúa cấp 1, chất lượng cao, chủ yếu HT1, TH5, Iri352, PC6, BT7, QR1, Khang dân, 4B... Các giống lúa này không chỉ đạt năng suất, chất lượng sản phẩm cao mà còn có khả năng chống chịu sâu bệnh, đổ ngã và nắng hạn rất tốt. Đợt lũ cuối tháng 3, mặc dù gây ngập úng nhiều diện tích, nhưng cũng góp phần tưới lúa trong thời điểm nắng hạn gay gắt. Theo ông Phước, nếu không có lũ một số vùng... sẽ có nhiều diện tích lúa thiếu nước trầm trọng, nguy cơ chết cháy rất cao... Nông dân tích lũy nhiều kinh nghiệm, chấp hành tốt khung lịch thời vụ gieo cấy, quy trình chăm bón, phòng trừ sâu bệnh... cũng là yếu tố thành công vụ lúa đông xuân 2014-2015. 
Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Xung kích trên mặt trận kinh tế

Phát huy vai trò xung kích, các cấp bộ Đoàn ở Hương Trà đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia xây dựng thị xã, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nổi bật trong đó là phong trào phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ...

Xung kích trên mặt trận kinh tế
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn trao đổi, mùa nắng nóng được dự báo bắt đầu từ những ngày cuối tháng 3 này. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nắng nóng diễn ra gay gắt, diễn biến phức tạp khiến rủi ro, nguy cơ cháy rừng cấp độ cao. Hầu hết các cánh rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là rừng thông cảnh quan, đặc dụng, rừng phòng hộ, keo tràm, kể cả dương liễu vùng cát đều có nguy cơ cháy.

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

TIN MỚI

Return to top