ClockThứ Năm, 08/10/2015 15:02

Đường còn dài - Kỳ 1: Đi không đặng, ở chẳng xong

TTH - Trong khi nhiều cụm CN vẫn “nhà không, đất trống” thì ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất trong khu đô thị, dân cư vẫn gia tăng và ngày càng bức bách.
Nhiều xưởng cơ khí nằm xen kẽ trong khu dân cư gây ô nhiễm tiếng ồn, khí, bụi ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cảnh quan

Không ít doanh nghiệp hay hộ sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) còn đắn đo giữa đi và ở. Muốn đi đổn định sản xuất kinh doanh thì lại gặp khó vì vốn để tái đầu tư không hề nhỏ; trong khi đó khu quy hoạch nơi đến chưa được xây dựng hoặc nếu có thì hạ tầng chưa đồng bộ...

Tiến thoái lưỡng nan
Đầu năm 2014, nhà máy gạch tuynel của Công ty cổ phần Gạch Tuynel số 1 Thừa Thiên Huế nằm cách T.P Huế chưa tới 1 km, thuộc khu đô thị thị xã Hương Trà có chủ trương của UBND tỉnh buộc phải di dời do ô nhiễm của nhà máy. So với thời kỳ đầu hình thành, qua thời gian nhiều nhà dân, trường học mọc lên san sát, khiến sự tồn tại của nhà máy tại vị trí này không còn phù hợp. Việc di dời để đảm bảo chất lượng sống, cảnh quan đô thị là điều tất yếu. Tuy nhiên, để di dời một cơ sở sản xuất có truyền thống, làm ăn hiệu quả từ mấy chục năm nay không hề đơn giản. Ông Hoàng Trường Thắng, Giám đốc Công ty này thẳng thắn: “Trước sau gì cũng phải đi nên chúng tôi rất muốn nhanh chóng tìm được đối tác đầu tư để có tiền đền bù mặt bằng, cơ sở hạ tầng, sớm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Thay vì trước đây, sản lượng mỗi năm khoảng 38 triệu viên, nhưng thời gian này, đơn vị phải sản xuất chậm lại, giảm dần công suất xuống chưa tới 20 triệu viên/năm và có thể sẽ còn giảm thêm”. “Điều này khiến thu nhập của hơn 170 lao động có thâm niên từ 15 năm trở lên rất bấp bênh. Trường hợp không tìm ra lối thoát, có nghĩa không tìm được nhà đầu tư thì buộc lòng công ty phải giải thể”, ông Thắng trải lòng.
Rất nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh đang gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng mỹ quan đô th
Thống kê của Sở Công thương, chưa tính số khu CN, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch được 10 cụm CN với diện tích 353 ha và đã thành lập được 8 cụm CN tại các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có 9/10 cụm CN đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 270,85 ha, phân bở T.P Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền, A Lưới, Nam Đông và Phú Lộc. Tuy nhiên, trong số những cụm CN được thành lập, hiện chỉ có 5 cụm CN được đầu tư hạ tầng, gồm: An Hòa, Bắc An Gia, Thủy Phương, Tứ Hạ, Hương Hòa với tổng vốn gần 115 tỷ đồng so với tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng của 5 cụm này trên 270 tỷ đồng. Trước những hạn chế, yếu kém về hạ tầng, cũng như ảnh hưởng của nền kinh tế, nên tỷ lệ lấp đầy bình quân tại 4 cụm CN đã đi vào hoạt động: An Hòa, Thủy Phương, Tứ Hạ, Hương Hòa chỉ đạt khoảng 20,4%.
Tương tự, trường hợp nhà máy xi măng Long Thọ của Công ty cổ phần Xi măng Long Thọ đáng lẽ đến thời điểm này đã dừng đốt lò và di dời nhà máy vào tháng 6/2016, nhưng đến nay mọi việc còn trong giai đoạn “rục rịch”. Thách thức lớn nhất của đơn vị là phải giải quyết chế độ tinh giản cho hơn 150 lao động đã gắn bó nhiều năm với công ty. Bên cạnh đó, sau di dời, việc tính toán, sắp xếp chuyển đổi phương án sản xuất kinh doanh sẽ gặp rất nhiều rào cản. Tuy biết sẽ đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng trước tình thế này, đơn vị vẫn phải dốc sức để đảm bảo di dời đúng kế hoạch đề ra.
Nan giải kể trên không chỉ của những trường hợp sản xuất quy mô lớn, mà ngay cả hàng loạt cơ sở, hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ gây ÔNMT nằm xen kẽ trong khu dân cư cũng đang là bài toán khó. Doanh thu không ổn định, phải bám nghề để kiếm kế sinh nhai, nên hầu hết các chủ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ với nhiều ngành nghề như mộc, cơ khí, thu mua phế liệu… gây ô nhiễm cố tình “làm lơ”, “dây dưa” trong việc khắc phục hay di dời ra khỏi khu dân cư, chấp nhận nộp phạt mỗi khi bị đoàn thanh tra, kiểm tra xử lý.
Thiếu quyết tâm
Pháp luật về bảo vệ môi trường quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải có hệ thống kết cấu xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, phải có khoảng cách an toàn môi trường đối với khu dân cư. Thế nhưng trên thực tế, từ thành phố cho đến các huyện, thị xã rất khó thống kê xuể số điểm sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ với nhiều loại hình ngành nghề đang gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Nhà sát vách với xưởng cơ khí chuyên gò hàn nhôm sắt nằm ngay mặt tiền đường Lê Thánh Tôn, T.P Huế, không chỉ chị Ánh mà nhiều gia đình sống lân cận rất bức bối. Chị Ánh thổ lộ: “Tuy xóm giềng rất quý mến nhau, nhưng vì ngày nào cũng bị tra tấn bởi tiếng gõ, tiếng hàn in ỏi và mùi sơn nhức váng cả đầu, nên ai cũng mong nhà xưởng sớm chuyển đi nơi khác”. Cùng chung nỗi niềm, anh Tuân, sống gần một xưởng mộc ở khu dân cư phường Kim Long bức xúc: “Chẳng qua vì rơi vào tình thế bắt buộc, không thể chuyển nhà đi nơi khác nên cố chịu cảnh sống khổ, sống dở với “bóng ma” ô nhiễm đang ăn dần, ăn mòn sức khỏe và lâm bệnh chết lúc nào không hay!”.
Cách đây mấy năm, một số địa phương như Hương Thủy, Phong Điền… bắt tay xây dựng đề án di dời các hộ sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư và đã nhắm địa điểm quy hoạch. Nhưng sau nhiều năm, dường như những đề án trên vẫn còn nằm trên giấy, thậm chí có nơi đã bị lãng quên. Nguyên nhân được các địa phương đưa ra là do không có kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu quy hoạch. Đây là một trong nhiều lý do khiến nhiều cơ sở gây ô nhiễm nằm trong khu dân cư dù muốn đi để ổn định sản xuất, tránh vi phạm vẫn chưa thể đi và người dân sống xung quanh vẫn phải chịu ô nhiễm. Ngược lại, một số địa phương dù đã quy hoạch khu tập trung và bằng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích, vận động quy gom các cơ sở vào sản xuất kinh doanh nhưng vẫn không thu hút thành công, như cụm làng nghề mộc mỹ nghệ Xước Dũ (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà), cụm làng nghề thủ công mỹ nghệ Thủy Lương (phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy)… chỉ rãi rác vài ba cơ sở đang hoạt động. Trong khi đó, ở những khu vực gần kề vẫn còn nhiều xưởng sản xuất hoạt động ngay tại gia đình không đảm bảo môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.
 Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nếu cứ “bình chân” mà không đề ra phương án, giải pháp đột phá, thì vòng luẩn quẩn ô nhiễm sẽ còn tiếp diễn và mức độ ngày càng gia tăng, ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe người dân mà còn đến cảnh quan môi trường sinh thái và tốc độ phát triển kinh tế- xã hội.
 (Kỳ 2: Thà muộn còn hơn không!)
Bài, ảnh: Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso

Ngày 22/3, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học về dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền". Dự án do PGS.TS Nguyễn Văn Toản, giảng viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm.

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso
Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng
Return to top