ClockThứ Ba, 14/11/2017 08:24

“Đường” đến tấm huân chương

TTH - Bằng tâm huyết, trí tuệ, Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh La Minh Tường đã có những đóng góp quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng xét xử của TAND hai cấp Thừa Thiên Huế và trong hệ thống TAND toàn quốc. Ông vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Lặng lẽ đóng góp

Trực tiếp quản lý  án tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính, ông La Minh Tường vừa phụ trách xét xử (đối với TAND hai cấp) các loại án này. Đây là những loại án khó, phức tạp. Án dân sự chủ yếu là các tranh chấp thừa kế, tranh chấp quyền sử dụng đất. Án kinh doanh thương mại thường là những vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng có thế chấp tài sản, đương sự không hợp tác, cố tình né tránh, gây khó khăn cho việc định giá, xác minh, thu thập chứng cứ của tòa án, kéo dài vụ án để chậm thực hiện nghĩa vụ. Án hành chính ngày càng phức tạp và nhạy cảm, phần lớn tập trung vào việc khởi kiện yêu cầu hủy quyết định hành chính của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện và Chủ tịch UBND cấp huyện liên quan đến thu hồi đất, giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng… Quá trình thu thập chứng cứ, xây dựng hồ sơ, tìm hiểu, áp dụng đúng pháp luật... luôn là thách thức đối với người giải quyết. Làm thế nào để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết vụ án đạt lý thấu tình, góp phần đảm bảo ổn định xã hội là trăn trở của người cán bộ vừa trực tiếp xét xử vừa làm công tác quản lý.

Dù đã có vốn liếng hơn 20 năm kinh nghiệm, nhưng mỗi ngày ông La Minh Tường vẫn dành thời gian miệt mài nghiên cứu các văn bản, các bộ luật, những điểm mới hoặc “lỗ hổng”, bất cập để hướng dẫn các thẩm phán thực hiện tốt quá trình thu thập chứng cứ, hoà giải, phối hợp các ngành hữu quan để giải quyết, ban hành bản án, quyết định bảo đảm đúng pháp luật, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thi hành. Từ trăn trở cộng với sự tâm huyết với nghề, trong 4 năm (2012 đến 2016), ông Tường “cặm cụi” viết 11 chuyên đề, đã được Hội đồng Khoa học - sáng kiến TAND  tỉnh và TAND tối cao công nhận, đánh giá xuất sắc và được ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả cao, thiết thực. Điển hình là chuyên đề “Những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Phá sản” đã được TAND tối cao đưa vào tài liệu thảo luận tại hội nghị tập huấn trong toàn ngành và được đăng trên Tạp chí TAND. Các giải đáp, giải thích trong chuyên đề đã giúp các thẩm phán nắm rõ, hiểu sâu hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giải quyết, xét xử liên quan đến Luật Phá sản, góp phần giúp TAND tối cao hướng dẫn kịp thời, giúp thẩm phán trên toàn quốc áp dụng thống nhất pháp luật để giải quyết các vụ án phá sản. Đồng thời, chuyên đề cũng là các ý kiến góp ý để sửa đổi Luật Phá sản năm 2014.

Bằng cái tâm

Bi kịch trong những vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài (một bên vợ hoặc chồng ở nước ngoài) dường như bị nhân lên nhiều lần bởi chỉ có nguyên đơn “cầu cứu” tòa, trong lúc bị đơn biệt vô âm tín. Nguyên đơn hầu hết là những cô gái trẻ, muốn có cuộc sống sung sướng ở “miền đất hứa” nên sẵn sàng “gật đầu”, dù chỉ quen biết đối tượng qua mai mối “tốc hành” mà không cần tìm hiểu, không có tình yêu. Sau đám cưới và thời gian chung sống chừng vài tuần, vài tháng, chú rể về nước. Lời hứa hẹn bảo lãnh cứ nhạt nhòa từ năm này qua năm khác. Tuổi xuân lỡ làng. Có cô còn một mình nuôi con trong vô vọng. Thế là đành phải nhờ tòa giải quyết ly hôn. “Khi thụ lý vụ án, chúng tôi mời bố mẹ nguyên đơn và nguyên đơn đến để giải thích, đồng thời nhắc nhở và cảnh báo, để những người con, người em khác của họ không “dẫm vết xe đổ”, tránh đến với hôn nhân vụ lợi, không tình yêu, tự hủy hoại cuộc sống. Không chỉ giải quyết theo quy định của pháp luật mà phải làm tất cả bằng cái tâm của người làm công tác xét xử, để ngăn ngừa những điều không hay, không phải”- ông Tường trải lòng. 

Vị Phó Chánh án chia sẻ, đối với những vụ án tranh chấp đất đai, thừa kế, hành chính…, hòa giải, đối thoại bao giờ cũng là khâu mà bản thân ông và đồng nghiệp dồn nhiều tâm huyết, mong làm dịu bớt căng thẳng, đạt được những thỏa thuận giữa các bên đương sự. Khép lại một hồ sơ vụ án trong “hòa bình”, đồng nghĩa với mang lại sự ổn định trong cộng đồng, xã hội. Trong từng vụ án, ông Tường đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết, tạo điều kiện để các bên nhiều lần “ngồi lại với nhau”. Và rất nhiều vụ, hai bên đương sự đã có “tiếng nói chung”. Như vụ một họ tộc kiện quyết định của Chủ tịch UBND TP. Huế quyết định thu hồi đất (trên đất có nhà thờ) làm ảnh hưởng đến nhà thờ. Họ tộc này đề nghị hủy quyết định nêu trên. Sau nhiều lần đối thoại, UBND tỉnh đã thống nhất điều chỉnh một số nội dung trong quyết định và người dân cũng vui vẻ rút đơn. Hay vụ ông M.V.R. kiện quyết định của UBND tỉnh về thu hồi đất. Sau khi tòa án làm việc nhiều lần, trong quá trình hòa giải, hai bên đã đi đến thương lượng và người khởi kiện đã rút đơn. Ông Tường trải lòng, đối với những người làm công tác xét xử, kết quả đó chính là niềm vui, hạnh phúc.

Phạm Thùy Chi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á và chìa khóa trí tuệ để hướng đến thịnh vượng cho toàn khu vực

Vào mùa xuân hàng năm, hội nghị thường niên của Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) được tổ chức tại tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc. Năm nay, chủ đề của diễn đàn là “châu Á và thế giới: Những thách thức chung, trách nhiệm chung”. Các chuyên gia nhận định đây là một chủ đề rất phù hợp với thời cuộc.

Châu Á và chìa khóa trí tuệ để hướng đến thịnh vượng cho toàn khu vực
Tâm huyết với công tác Hội

Nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội, quan tâm, giúp đỡ hội viên khó khăn là nhận xét của những hội viên phụ nữ tổ dân phố (TDP) 8, phường Phú Bài, TX. Hương Thủy dành cho chị Lê Thị Sen, sinh năm 1965, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ TDP 8.

Tâm huyết với công tác Hội
Khơi dậy sức trẻ, nhiệt huyết và trí tuệ

Xây dựng môi trường học tập, rèn luyện và thi đua cho học sinh, sinh viên thông qua các phong trào “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”, “Sao tháng Giêng”… là cách làm hay của tuổi trẻ Thừa Thiên Huế, nhằm phát huy sức trẻ, nhiệt huyết và trí tuệ; cổ vũ những nhân tố trẻ phấn đấu, góp sức cho địa phương.

Khơi dậy sức trẻ, nhiệt huyết và trí tuệ
Tâm huyết với hội viên và trẻ em nghèo

Chính từ sự nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm đối với công việc của người đứng đầu, chị Trần Thị Ngọc Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Phú Thượng, TP. Huế mà phong trào phụ nữ của địa phương ngày càng khởi sắc.

Tâm huyết với hội viên và trẻ em nghèo

TIN MỚI

Return to top