ClockThứ Hai, 19/03/2012 10:42

Đường đời trên những tuyến đường dây

TTH - Dọc đường năm tháng có những cột mốc cây số mãi mãi tồn tại trong ký ức người lữ hành, không phải để đánh dấu kỷ niệm mà để đo sức lớn vượt lên của chính bản thân con người. Đối với kỹ sư Hồ Văn Thái - người đã gần trọn cuộc đời gắn bó với nghề xây lắp điện, thì sự trưởng thành đó được đo thêm bằng chiều dài của những ki lô mét đường dây, chiều cao của những cột sắt, cột bê tông ly tâm, chiều dày của những khối bê tông, của những trạm biến áp và chiều sâu của những ki lô oát giờ điện…

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Thừa Thiên Huế, Hồ Văn Thái anh tham gia công cuộc kháng chiến từ rất sớm. Sau những tháng năm thử thách và tôi luyện ở chiến trường, anh được cấp trên cử ra Bắc học tập. Tốt nghiệp đại học Bách khoa với tấm bằng loại ưu, anh về nhận công tác ở Công ty Xây lắp đường dây và trạm I Hà Nội, cái nôi của ngành xây lắp điện sau này. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh về Công trường đường dây Quảng Trị với cương vị là trưởng phòng kỹ thuật, rồi phó giám đốc và giám đốc Công ty xây lắp đường dây và trạm III, tiếp đó là phó giám đốc và giám đốc Công ty xây lắp điện III, rồi Trưởng ban quản lý dự án các công trình điện Miền Trung. Dù ở cương vị chỉ đạo thi công, hay quản lý xây dựng, ở đâu, thời điểm nào anh cũng tỏ rõ được bản lĩnh và sự mẫn tuệ của mình trong mỗi công việc, trên mỗi công trình. Bởi với anh, để cho điện về muôn nẻo làng quê là cả một khát vọng mãnh liệt. Đứng trên đồi Cù Mông lộng gió, nhìn những tuyến đường dây tải điện thẳng tắp dọc ngang, anh nói với tôi:

- “Ngành công nghiệp điện được chia làm 3 công đoạn, đó là nguồn phát, truyền tải và tiêu thụ. Nhiệm vụ của những người xây lắp lưới điện là chuyên chở điện năng từ nguồn đến cơ quan - tức là từ nhà máy phát đến nơi tiêu thụ. Vì vậy, công việc truyền tải mà trục trặc thì việc cung cấp điện sẽ bị ngưng trệ, chính vì vậy mà chất lượng công trình được đặt lên hàng đầu.
 
Trong tâm thức của anh, chất lượng và tiến độ không chỉ đơn thuần là đảm bảo kinh doanh có lãi, mà còn lớn hơn đó là sự chờ đợi, là niềm tin của cán bộ và nhân dân. Là người biết trọng chữ tín, luôn luôn đặt lợi ích của Nhà nước; của tập thể lên trên hết, nên anh hiểu sâu sắc rằng, chất lượng không đơn thuần là điều kiện để đảm bảo kinh doanh có lãi mà nó còn biểu hiện đạo đức của người sản xuất, vì công trình đường dây và trạm là những sản phẩm góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước- là những sản phẩm có gí trị để lại cho đời. Tôi đã chứng kiến nhiều lần anh chạy đôn, chạy đáo, lo đến mất ăn, mất ngủ khi có một công trình nào đó bị kéo dài tiến độ do ách tắc khâu giải phóng mặt bằng, do các phụ kiện về không đồng bộ… Đây cũng chính là thời điểm tạo cho anh những linh hoạt cần thiết, mà theo anh là phải biết chủ động trong thế bị động. Anh nghiêm khắc với cấp dưới, nhưng cũng rất khắt khe với chính mình- một cuộc sống giản dị, không phô trương hình thức, nhưng thật gần gũi chân tình. Anh chắt chiu và tiết kiệm từng đồng vốn của Nhà nước, chi li đến từng cân xi măng, sắt thép, nhưng cũng rất phóng khoáng trong tiền lương, tiền thưởng trước mỗi chiến công, mỗi thành tích mà tập thể và cá nhân trong đơn vị đạt được. Có thể nói, ở Hồ Văn Thái là một sứ điệp kết tinh nhiều ngẫm nghiệm thiết thân nhân bản, mang đậm dấu ấn của độ chín và một tâm hồn khao khát được kết tinh trong những sợi tóc gom sương với sự từng trải và phong phú đường đời.  
 
Trò chuyện với anh, tôi được biết cụ thể thêm những giải pháp mà anh đã trải nghiệm trong quá trình quản lý. Đó là cùng với việc mở rộng thị trường; đa dạng hóa ngành nghề; đa dạng hóa sản phẩm là thường xuyên kiểm tra công việc thực hiện các quy trình quy phạm trong thi công, kiểm tra việc thực hiện bảo đảm an toàn lao động, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Với anh, con người bao giờ cũng là trung tâm, là hạt nhân của mọi cuộc cách mạng, là nhân tố quyết định của quá trình phát triển sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy mà trong quá trình làm lãnh đạo, anh rất chú trọng đổi mới công tác quản lý. Đây cũng là quá trình đào tạo và đào tạo lại cán bộ, nâng cao tay nghề cho công nhân. Chính nhờ vậy mà đội ngũ cán bộ, công nhân do anh phụ trách bao giờ cũng mạnh về tổ chức, vững về chính trị và giỏi về nghiệp vụ. Song song với nhân tố con người, thì việc tổ chức sản xuất và nâng cao hiệu quả điều hành sản xuất cũng được anh xem là nhiệm vụ then chốt. Anh xây dựng bộ máy quản lý gọn nhẹ hiệu lực, cơ cấu tổ chức theo kiểu trực tuyến, đảm bảo việc thực hiện đầy đủ chức năng quản lý điều hành sản xuất theo chế độ một thủ trưởng, đồng thời phát huy quyền làm chủ tập thể của cán bộ công nhân viên. Anh luôn quan tâm đến việc bố trí cán bộ đúng người, đúng việc, đúng sở trường, kỹ năng kỹ xảo.
 
Có thể nói, ở Miền trung và Tây Nguyên giờ đây mọi cái đang còn đan xen, song đã thấy rõ sự vươn mình đi lên trong khó khăn bề bộn, đang bừng lên sức sống mới trên bước đường thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những cánh rừng ngày nào bầm tím vết đạn bom, trơ trụi bởi chất độc da cam, những cánh đồng cháy khô vì hạn hán… nay không còn nữa. Thay vào đó là những cánh rừng phòng hộ, những vườn cây công nghiệp, vườn cây ăn quả, những đồng lúa phì nhiêu đang trải rộng màu xanh, những khu công nghiệp, khu chế xuất đang ngày đêm rộn ràng tiếng máy… Đấy chính là thành quả mà nghành điện đã góp phần đem lại, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của kỹ sư Hồ Văn Thái- người đã gắn trọn cuộc đời với ngành điện, với miền Trung và Tây Nguyên. Còn nhớ, sau ngày miền Nam mới giải phóng, tổng công suất điện của cả khu vực chỉ có 50MW. Nhưng từ năm 1994- khi đường dây tải điện 500 ki lô vôn Bắc- Nam đưa vào vận hành thì tình hình cung cấp điện cho miền Trung được cải thiện rõ rệt. Hiện nay, ngoài 2 tuyến đường dây 500 ki lô vôn mạch 1, mạch 2 còn có hàng nghìn ki lô mét đường dây 110, 220 ki lô vôn, hàng trăm trạm biến áp và các nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Ia Ly… đã làm cho hệ thống điện miền Trung hiện đại hơn, an toàn hơn trong việc cung cấp điện cho khu vực. Lưới điện quốc gia giờ đây đã vươn tới tận các thôn xóm, bản làng vùng sâu vùng xa, đã có 100% số xã phường và 97 % số hộ được sử dụng điện và điện về nông thôn đã thực sự tiếp sức cho những cuộc đời lam lũ vươn lên thoát cảnh đói nghèo. Nói như kỹ sư Hồ Văn Thái thì tuyến đường dây tải điện 500 ki lô vôn chính là con đường Trường Sơn thứ 2 để chuyển năng lượng từ Bắc vào Nam, mở ra một chương mới trong quá trình thống nhất nền kinh tế nước nhà. 
 
Với anh, dù to hay nhỏ thì thành công nào cũng quan trọng, bởi thành công này sẽ làm tiền đề cho thành công khác và thành công sau càng làm cho thành công trước ngời sáng hơn, vạm vỡ vóc dáng hơn. Ôn lại quãng đời gắn bó máu thịt với ngành điện, quãng đời chinh chiến từng nếm trải của mình, anh tâm sự: “Người ta thù hận nhau thì dễ, mà yêu thương nhau lại khó vô cùng. Bạt tai nhau, chửi độc nhau thì không cần giáo dục, không cần nhận thức cũng làm được, nhưng thương nhau, chung sống được với nhau thì phải cần bao nhiêu tri thức, bao nhiêu văn hóa, bao nhiêu sự đồng cảm của tâm hồn”.
 
Hồ Văn Thái là vậy - một con người luôn luôn biết đặt cái tôi trong chúng ta, biết kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, anh ứng xử linh hoạt trong mọi tình huống. Nguyên tắc nhưng không đến nỗi cực đoan, cởi mở chân tình nhưng không dễ dãi. Có thể nói, anh là người luôn luôn biết chuyển hóa năng lượng của mình thành sức mạnh để đi tới và lịch sử đã thuộc về những con người như vậy- người biết ước mơ và dám biến ước mơ thành hiện thực.

Phan Sáu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top