ClockThứ Năm, 06/11/2014 05:38

Đường làng

TTH - Về làng bữa ni gặp được một người đi chân đất ra đường là hiếm lắm. Lý do cũng đơn giản, ngày trước đường làng là đường đất cát mịn êm nên đi chân đất thấy thoải mái; chừ đường bê tông hóa hết rồi không mang dép vô không thể đi được. Những ngày thu chín, sau một đêm mưa rào rạt, sáng ra lá tre rụng đầy đường thành một tấm thảm trông xù xì trên những đám cát mới hình thành theo dòng nước chảy đêm qua. Cái cảm giác đi chân đất đạp trên lá tre lạo xạo trong những buổi sáng mát dịu đến trường mỗi lần nhớ lại mà thấy thương thương cho tuổi thơ nghèo.

Con đường mình vừa kể là lối về xóm nhỏ có lũy tre xanh bao bọc sớm tối. Cùng với những lối nhỏ thân thương này, làng mình còn có 3 con đường chính: đường cấy, đường quan và đường độn. Đường cấy là tỉnh lộ 68, chừ là Quốc lộ 49B; là con đường lớn nhất chạy qua làng và nối làng mình với các làng bên cạnh. Hồi nhỏ mình cứ nghĩ sở dĩ được gọi tên là đường cấy vì con đường đó nằm bên cánh đồng lúa lớn, dân làng chất đầy mạ non mỗi mùa xuống đồng cấy lúa. Sau nghĩ lại từ “cấy” chắc là từ “cái” theo cách phát âm của tiếng địa phương quê mình. Thỉnh thoảng có một chiếc xe tải tung bụi mù mịt chạy qua con đường này mang theo hơi hám của phố thị xa xôi mà lũ trẻ chưa bao giờ được thấy. Nhìn những chiếc xe qua, mình ao ước một ngày nào đó theo xe đi đến một nơi nào đó phồn hoa xa lạ…

Đường quan là con đường ngang giữa làng nối liền các ngã ba xóm. Sau này được đặt tên là đường Độc Lập chắc là từ dư âm của bài hát “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” hay hát trên loa của xã. Con đường này có hai hàng dương liễu to đều thẳng tắp, là nơi hẹn hò lý tưởng của những đôi trai gái làng dạo ấy. Sau này nghe nhạc Phạm Duy có hình ảnh con đường Cái quan là con đường thiên lý Bắc Nam trải dài đất nước. Hay là con đường đó đã từng chạy ngang qua làng mình để bây giờ tên gọi của nó còn được lưu truyền trong dân gian?
Còn đường độn là con đường ngang qua các truông rú đầu các xóm. Đó là con đường mà dân làng dùng để tránh lụt. Đường độn rất ít người qua lại, chỉ khi nào có những trận lụt to nước ngập cả đường cấy, đường quan thì người dân trong làng mới lưu thông rồi họp chợ ngay trên con đường này rất lạ mà vui!
Hôm qua đọc, cái status của anh bạn vừa từ miền Nam về thăm quê rằng: về làng mình được sống trong một resort khổng lồ, giám đốc resort là mạ, phụ tá là các anh em và bạn bè thân. Mình đi mênh mênh mang mang nên mạ cứ gọi con ở mô rứa mô rứa? Tự nhiên mình lại nghĩ làng mình đã từng là mộ cái resort khổng lồ với những con đường xào xạc lá và cát cùng những lũy tre xanh um tùm là chủ thể chính: “Những trưa đồng đầy nắng, Trâu nằm nhai bóng râm, Tre bần thần nhớ gió, Chợt về đầy tiếng chim.”
Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top