ClockThứ Năm, 02/03/2017 05:46

Đường ngang: Những tồn tại chết người

TTH - Nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt xảy ra trên cung đường hơn 100km qua Thừa Thiên Huế cướp đi sinh mạng của nhiều người, cho thấy những bất cập, tồn tại, cần có các giải pháp quyết liệt để giảm đến mức thấp nhất các vụ tai nạn thương tâm.

Đường ngang phụ qua khu công nghiệp Phú Bài vừa được nâng cấp lên có gác chắn tự động

Hệ thống cảnh báo, gác chắn chưa đồng bộ

Ngay sau vụ tai nạn tàu hỏa làm một cháu nhỏ 30 tháng tuổi tử vong mới đây, chúng tôi có mặt tại đường ngang dân sinh ở thôn 8B, xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy. Đây là đường ngang do người dân tự ý mở đã tồn tại hàng chục năm nay. Để ngăn không cho ôtô đi qua, đơn vị chức năng đã cho cắm mỗi bên 2 cọc bê tông, một biển nhỏ báo hiệu “CHÚ Ý TÀU HỎA”; Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh lắp thêm một bảng lớn có dòng chữ “DỪNG LẠI! QUAN SÁT TÀU HỎA TRƯỚC KHI QUA ĐƯỜNG SẮT”.

Em Nguyễn Thị Thu Hương trên đường đi học qua đây cho biết, người dân trong thôn 8B nhiều năm nay đều đi đường này để ra quốc lộ. Nếu đi đường tránh thì rất xa, mất nhiều thời gian.

Trung tá Lê Dảnh, Đội trưởng Đội CSGT Hương Thủy cho biết, nguyên nhân người dân lén mở đường ngang dân sinh là vì ngại di chuyển xa khi đi từ các khu dân cư ra quốc lộ. Trên địa bàn TX. Hương Thủy, ngoài một số đường ngang đủ tiêu chuẩn, vẫn tồn tại khá nhiều đường ngang bất hợp pháp như trên. Việc băng qua đường ngang trái phép rất nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn.

Sau vụ tai nạn làm một em nhỏ tử vong, đường ngan ở thôn 8B xã Thủy Phù vẫn tồn tại

Tại huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết, trong 5 năm trở lại đây trên địa bàn huyện xảy ra 3 vụ tai nạn tại các đường ngang giữa tàu hỏa với ôtô khiến 5 người chết. Trong tổng số gần 60 đường ngang dân sinh ở địa bàn huyện có rất ít đường đảm bảo tiêu chuẩn. Trong đó có những đường ngang hình thành từ rất lâu, việc cấm các đường ngang rất khó. Giải pháp của địa phương chủ yếu là tuyên truyền, vận động, cảnh báo, phát quang quanh đường ngang để tạo tầm nhìn. Chúng tôi mong các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là ngành đường sắt, đầu tư các đường ngang bài bản và đạt chuẩn để hạn chế TNGT, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Mật độ người và phương tiện tham gia giao thông qua lại nhiều, ý thức chấp hành luật của người dân còn hạn chế và sự đầu tư của Nhà nước còn hạn chế đã gây không ít khó khăn cho công tác đảm bảo ATGT tại các đường ngang. Ngoài ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ, đường sắt còn hạn chế và sự bất cẩn của người dân, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT đường sắt là do hệ thống cảnh báo, gác chắn tại các đường ngang chưa được đầu tư đồng bộ. Rất nhiều đường ngang dân sinh được mở suốt nhiều năm liền, có nhiều phương tiện cơ giới và người dân qua lại nhưng đến nay vẫn chưa được ngành đường sắt quan tâm đầu tư lắp đặt hệ thống tín hiệu cảnh báo, gác chắn. Đường ngang dân sinh trên địa bàn tỉnh có rất nhiều, do nhu cầu đi lại cao của người dân, trong khi điều kiện để xóa bỏ lại chưa đủ.

Cần kiên quyết và triệt để

Có mặt tại hiện trường vụ tai nạn thảm khốc hôm 20/2 ở Phú Lộc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu phải xử lý triệt để tình trạng mất an toàn ở các đường ngang dân sinh. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đường nào cần thiết thì phải cương quyết lắp rào chắn, địa phương phải phối hợp với ngành đường sắt xử lý nghiêm việc lấn chiếm hành lang. Đối với những công trình đang thi công gần đường sắt, địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Thống kê của Ban ATGT tỉnh, trên 100km đường sắt qua Thừa Thiên Huế có 63 đường ngang hợp pháp, trong đó 26 đường ngang có gác, 3 đường lắp cần chắn tự động, 17 đường ngang có lắp thiết bị cảnh báo tự động, 17 đường ngang lắp phòng vệ bằng biển báo; 48 đường ngang dân sinh tự mở băng qua đường sắt bất hợp pháp.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh cho biết, để thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm kéo giảm TNGT tại các tuyến đường ngang qua đường sắt ở địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Sở GTVT chủ trì phối hợp với các cơ quan và địa phương liên quan thực hiện nghiêm Quyết định 994 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch lập lại hành lang ATGT đường sắt giai đoạn 2014-2020; tham mưu phương án và có lộ trình cụ thể nhằm xóa bỏ dần các đường ngang dân sinh trái phép. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, chấm dứt việc để phát sinh đường ngang trái phép; giao trách nhiệm và có chế tài cụ thể cho chính quyền cấp xã nếu để phát sinh đường ngang trái phép trên địa bàn. Phối hợp với Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên tổ chức thực hiện cảnh giới đảm bảo ATGT tại các đường ngang không có rào chắn, đảm bảo an toàn các đường ngang có đông người qua lại; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về ATGT đường sắt, rà soát hệ thống đường ngang qua đường sắt. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy tắc giao thông tại các đường ngang, ngăn chặn kịp thời các vụ TNGT đáng tiếc.

“Để từng bước khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo ATGT đường sắt, trên cơ sở rà soát, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam báo cáo đề xuất Bộ GTVT có chủ trương, sớm nâng cấp 17 đường ngang biển báo lên cảnh báo tự động có cần chắn hoặc có người gác; xây dựng 9 đường gom và hàng rào cách ly tại các tuyến đường sắt trọng điểm; xây dựng 1 cầu chui qua đường sắt để hủy bỏ đường dân sinh”- ông Nguyễn Văn Phương cho biết thêm.

Ông Trần Bá Trung, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh:

Đóng ngay các đường ngang tự phát

Để phòng ngừa ngăn chặn và hạn chế các vụ TNGT đường sắt tương tự đã xảy ra ở các tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã đề nghị Sở GTVT, Công an tỉnh và các Ban ATGT cấp huyện có đường sắt đi qua, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, đặc biệt là các quy tắc tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Đồng thời, các đơn vị nói trên phối hợp với Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên tổ chức kiểm tra toàn bộ các điều kiện an toàn kỹ thuật tại các nút giao cắt giữa đường bộ với đường sắt như hệ thống biển báo, cọc tiêu, đặc biệt tháo dỡ các vật cản khuất tầm nhìn. Kiểm tra, phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm bảo vệ kết cấu hành lang an toàn đường sắt. Cần đóng ngay các đường dân sinh giao cắt với đường sắt do người dân tự mở.

Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt, Bộ GTVT:

Cần làm cầu vượt và đường gom

Ý thức của người điều khiển phương tiện vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Để giảm thiểu tai nạn một cách căn cơ, ngành đường sắt sẽ khảo sát toàn bộ các đường ngang dân sinh, kiểm tra hệ thống đèn hiệu, biển cảnh báo, cần chắn. Bên cạnh đó, phải có sự hỗ trợ quyết liệt của địa phương nhằm ngăn chặn tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt gây mất tầm nhìn. Hiện nay, ở những nơi có khu công nghiệp nằm cạnh đường sắt thì hầu như khi đầu tư xây dựng người ta quên mất việc đảm bảo an toàn khi đi đường sắt. Tôi nghĩ các khu công nghiệp, khu kinh tế phải tính toán đến phương án làm cầu vượt, đường gom đối với những đoạn có đường sắt đi qua.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Phong Điền: Đầu tư, nâng cấp hạ tầng ở điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt

Trên địa bàn huyện Phong Điền có 12 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó 2 điểm có gác chắn, 3 điểm có đèn và chuông báo hiệu khi có tàu đi qua, còn lại có 7 đường dân sinh tự phát, chưa có đèn, chuông báo hiệu, chưa có gác chắn. Những điểm giao cắt này tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Để giảm nguy cơ mất ATGT ở những điểm này, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường sắt nhằm nâng cao ý thức của người dân sinh sống hai bên đường sắt cũng như người và phương tiện khi đi qua đường sắt, việc đầu tư hạ tầng giao thông ở những điểm này cần được chú trọng. Trong đó, cần nâng cấp từ cảnh báo bằng chuông tự động sang gác chắn có người gác. Nâng cấp điểm giao cắt từ cảnh báo bằng chuông tự động sang cảnh báo tự động có cần chắn tự động; đồng thời, sơn lại các vạch dừng đã bị mờ. Ngoài ra, ở những đường dân sinh tự phát phải xây dựng gờ giảm tốc và gắn bổ sung biển báo trên đường bộ.

THÁI SƠN-HẢI HUẾ (ghi)

          Bài, ảnh: THÁI BÌNH

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuổi trẻ ra quân dọn vệ sinh dọc tuyến đường sắt Huế - Phú Lộc

Sáng 23/3, Tỉnh đoàn phối hợp với Chi nhánh Khai thác đường sắt Thừa Thiên Huế và các đơn vị đường sắt trong khu vực tổ chức lễ ra quân Ngày Chủ nhật xanh tại các ga và dọc tuyến đường sắt Huế - Phú Lộc. Tham dự có ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Tuổi trẻ ra quân dọn vệ sinh dọc tuyến đường sắt Huế - Phú Lộc
Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đưa vào khai thác tuyến tàu du lịch Huế - Đà Nẵng

Ngày 14/3, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp, làm việc với Đoàn công tác Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về công tác chuẩn bị đưa vào khai thác tuyến tàu Huế - Đà Nẵng. Tham dự buổi làm việc về phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh.

Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đưa vào khai thác tuyến tàu du lịch Huế - Đà Nẵng
An toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn:
Trước khi hoàn thiện hạ tầng, tài xế cần nâng cao ý thức

Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thời gian gần đây cho thấy, bên cạnh yếu tố hạ tầng thì ý thức của người tham gia giao thông nói chung và của “cánh tài xế” là một trong những vấn đề cần quan tâm.

Trước khi hoàn thiện hạ tầng, tài xế cần nâng cao ý thức
Đường sắt giảm giá vé tàu đến 30%

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông báo, từ nay đến ngày 24/4 và từ ngày 2/5 - 16/5, đường sắt áp dụng nhiều chính sách giảm giá dịp thấp điểm năm 2024.

Đường sắt giảm giá vé tàu đến 30
Return to top