ClockThứ Sáu, 24/11/2017 15:11

Đường phố xuống cấp giữa mùa mưa

TTH - Nhiều tuyến đường ở TP. Huế đang hư hỏng, xuống cấp nặng nề, trên mặt đường đầy ổ gà, ổ voi. Có những tuyến đường trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người mỗi khi đi qua, nhất là vào thời điểm này khi mưa lớn kéo dài.

Đường Trần Phú xuống cấp trầm trọng trong lúc gặp Dự án cải tạo môi trường nước đi qua đã khiến tuyến đường này rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười

Hiểm nguy rình rập

Đường Đặng Huy Trứ, đoạn giao nhau với Ngự Bình ngày thường đi lại khó khăn, thì nay khi mà mưa lớn kéo dài liên tục đã trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều người khi qua về. Sáng 23/11, một trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến đoạn đường khoảng 40m lênh láng nước, chảy mạnh chẳng khác gì con suối. Kéo theo đó, nhựa đường bị bong tróc, mặt đường bị xé toạc 2/3, có nơi còn xuất hiện hố sâu.

“Khổ chi mà khổ lạ”, một người dân ở gần đó chứng kiến cảnh chúng tôi ghi lại hình ảnh đã thốt lên như vậy. Người này cho biết, trước đó khi không có mưa lũ, đường đã rơi vào tình cảnh thê thảm, đất đá lổm chổm. Đây là điểm giao nhau với tuyến đường Ngự Bình, lưu lượng xe cộ qua lại đông đúc nên chẳng khác gì cái bẫy vô hình. Nhiều người không quen đường bị té xe liên tục. Gần đó, một biển cảnh báo cũng được dựng lên để cảnh báo các phương tiện lưu thông thật chậm, tuy nhiên theo ghi nhận chỉ cần lơ là trong chốc lát là té ngã ngay. Nhiều đêm cột đèn chiếu sáng khu vực này không hoạt động, việc đi qua đoạn đường nham nhở với vô số ổ voi, ổ gà này chẳng khác gì một thử thách!

Tương tự, đoạn cuối đường Trần Thái Tông, nối ra đường Điện Biên Phủ có nhiều hố sâu cạnh lề đường. Trời nắng có thể tránh được, nhưng mưa lớn như nhiều ngày qua khiến mặt nước bằng phẳng với đường tạo nên một cái bẫy vô cùng nguy hiểm.

Anh Nguyễn Văn Luận, người dân sống gần đó lắc đầu ngao ngán. “Để tôi đứng xuống cho các anh chụp ảnh”, anh Luận vừa nói, vừa bước xuống hố nước. Thật bất ngờ khi hố nước ấy sâu đến ngang gối, và chẳng biết điều gì sẽ xảy ra nếu người đi đường vấp ngay đó.

Anh Luận kể rằng, có không biết bao nhiều người đã té ngã vì nghĩ đó là mặt nước bình thường. Bao nhiêu bao cát được anh và người dân lập xuống khắc phục khi gặp mưa lớn cũng bị cuốn chảy. “Còn nhiều điểm khác tương tự như vậy trên đường này nữa. Nhờ các cơ quan chức năng xem sao mà xử lý giúp, chứ kiểu này vô cùng nguy hiểm”, anh Luận, nói.

Đề nghị bố trí kinh phí sửa chữa khẩn cấp

Không riêng gì những tuyến đường xuống cấp nói trên, một số tuyến đường nằm trong Dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế (DACTMTN) cũng khiến người dân bực mình mỗi khi qua lại. Sau khi thi công dưới lòng đất, một lớp đá cấp phối rải nhưng chưa kịp thảm nhựa đã vô tình “tiếp tay” cho những tai nạn. Đường Đặng Huy Trứ, đoạn phía trước chung cư Trường An – nơi có dự án đi qua khiến nhiều người bức xúc.

Chị Hồ Thị Phấn có nhà ở đoạn đường này cho hay bởi dự án ảnh hưởng đến đời sống gia đình, vừa lo ngại cho người đi đường. Chị kể đường đào bới thi công từ lâu, sau đó rải đá cấp phối nhưng chờ hoài không biết khi nào thảm nhựa. Mỗi khi có mưa lớn, nước chảy mạnh theo con dốc, lấp lóe mặt đường khiến nhiều người không vững tay lái cứ thế ngã lăn ra đường. Chị Phấn kể một số hộ dân đã cùng nhau xúc đất đá từ nơi khác về để đổ lên cho bằng phẳng. Một số lỗ cống chưa hoàn thiện cũng được chị dùng sào cắm cao, cảnh báo người đi đường. “Tội nhất là phụ nữ và trẻ em, mỗi khi đi qua đây rất nguy hiểm. Chỉ trượt nhẹ là ngã”, chị Phấn, nói.

Ông Đinh Hoàng Dũng, cán bộ kỹ thuật Ban quản lý DACTMTN TP. Huế, cho biết đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh về việc thi công gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân. Theo ông Dũng, trước những đợt mưa lũ, Ban quản lý DACTMTN TP. Huế đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu kiểm tra các vị trí thi công, có biện pháp đảm bảo an toàn như hệ thống rào chắn, biển, đèn để cảnh báo cho người đi đường. Với những điểm đang thi công sẽ được rào chắn cẩn thận, riêng với những đoạn thi công xong và lấp kín chủ yếu giăng dây cảnh báo.

Một số tuyến đường sau khi thi công và rải đá cấp phối nhưng chưa thảm nhựa gây ảnh hưởng cho người và phương tiện qua lại, ông Dũng cho hay, do thời tiết không thuận lợi, mưa liên tục nên phải chờ trời nắng ráo mới tiếp tục thảm nhựa. “Chúng tôi đã có kế hoạch hoàn trả mặt đường cuốn chiếu, nhưng phải chờ tạnh ráo khi đó mới đảm bảo chất lượng công trình”, ông Dũng nói.

Theo ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế, tính từ cơn bão số 12 xảy ra đầu tháng 11 đến nay đã gây ngập úng hầu hết các tuyến đường đô thị trên địa bàn TP. Huế với tổng chiều dài khoảng 158 km. Các hư hỏng chủ yếu liên quan đến mặt đường, sụt lún, sạt lở lề đường... Hệ thống đường liên phường, đường kiệt tại các phường thấp trũng như Hương Sơ, An Hòa, Thủy Biều, Phú Hậu....cũng rơi vào tình cảnh tương tự; ước tính thiệt hại khoảng 15 tỉ đồng. Chúng tôi đã có báo cáo, đề xuất gửi lên UBND TP. Huế đề nghị được bố trí kinh phí sửa chữa khẩn cấp các tuyến đường hư hỏng để đảm bảo an toàn an toàn cho người dân cũng như mỹ quan đô thị thành phố.

PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm kiên cố đê phá Tam Giang

Ở huyện Quảng Điền hiện còn hơn 6,5km đê ven phá Tam Giang bán kiên cố, được đắp bằng đất tạm thời, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, gây khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.

Sớm kiên cố đê phá Tam Giang
Sau mưa lũ, nhiều tuyến giao thông xuống cấp

Nhiều tuyến giao thông khu vực TP. Huế bị xuống cấp, hư hỏng vẫn chưa được khắc phục gây mất an toàn giao thông (ATGT) cũng như gây khó khăn đi lại của người dân.

Sau mưa lũ, nhiều tuyến giao thông xuống cấp
Nhiều hồ, đập xuống cấp: Cần giải pháp đảm bảo an toàn

Qua kiểm tra, một số hạng mục của hồ, đập trên địa bàn tỉnh đã hư hỏng, đập đất có hiện tượng sạt trượt mái và thấm, đường thoát lũ tại khu vực tràn và cửa van của các hồ chứa bị bồi lấp. Đặc biệt, công tác kiểm định an toàn hồ, đập thủy lợi đang còn bị bỏ ngỏ.

Nhiều hồ, đập xuống cấp Cần giải pháp đảm bảo an toàn
Return to top