ClockThứ Năm, 09/11/2017 15:36

Đường sắt Bắc - Nam vẫn bị “chia cắt” tại Đèo Cả

Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đường sắt Bắc - Nam chưa thể thông tuyến trở lại vào ngày 9/11 như dự kiến.

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt, đang có mặt tại hiện trường và cho biết, đang họp với các đơn vị tư vấn để tìm phương án thi công tối ưu để khắc phục sự cố này.

 

Đoàn công tác của Tổng công ty ĐSVN, Bộ GTVT đang có mặt tại điểm bị sạt trượt để chỉ đạo khắc phục sự cố

Qua trao đổi với các chuyên gia và đơn vị tư vấn, thời gian dự kiến thông tuyến qua đoạn đường sắt này phải kéo dài đến 24/11 thay vì như dự tính là hôm nay (9/11).

Ông Minh cho biết, hiện tại Tổng công ty ĐSVN đã phải thay đổi phương án thi công, rút ngắn thời gian xử lý đối với điểm sụt trượt đường sắt tại đèo Cả. Hiện ngành đường sắt đang huy động hơn 200 công nhân trực tiếp xử lý sự cố.

“Phương án mới là thuê một công ty của Pháp chuyên về căng cáp dự ứng lực thực hiện xử lý vết sụt, trượt này”, ông Minh cho hay.

Theo lãnh đạo ngành đường sắt, do địa chất phức tạp với bề ngang hẹp nên ngành đường sắt chưa xử lý được điểm sụt trượt để thông đường như dự kiến trước đó.

Hơn 200 công nhân vẫn đang làm việc 3 ca tại vị trí sạt trượt khu gian Hảo Sơn và Đại Lãnh

Địa hình khu vực sụt trượt tại Đèo Cả một bên là vách núi, một bên là biển, đường sắt ở độ cao 30m so với mực nước biển, địa chất dễ sạt lở thêm trên diện rộng khi mưa lớn, khiến phương án xử lý điểm sạt lở này gặp nhiều khó khăn.

Các công nhân không thể vận chuyển vật liệu bằng đường bộ hay đường thủy nên phải vận chuyển và thi công hoàn toàn thủ công nên tiến độ khó có thể đạt được theo dự kiến.

“Tại hiện trường, thời tiết không thuận lợi, trời tiếp tục mưa to nên không thi công liên tục được và điểm sạt mở rộng từ 20m lên đến 50m, dự kiến đơn vị thi công phải đắp khoảng 5.000 m3 đá”, ông Minh cho hay.

Hiện nay, trong khi chờ thông đường, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn tiếp tục thực hiện chuyển tải hành khách giữa hai ga Hảo Sơn (Phú Yên) và Đại Lãnh (Khánh Hòa) và bãi bỏ tạm thời một số chuyến tàu như tàu Sài Gòn – Quy Nhơn…

“Đường sắt Bắc – Nam tắc đường ảnh hưởng lớn đến lượng hành khách đi lại bằng tàu hỏa trên tuyến. Nhiều hành khách đã trả vé. Tàu hàng phải đình chỉ, không chạy được. Sản lượng, doanh thu bị sụt giảm”, đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn nói.

Trước đó, do hậu quả bão số 12, đường sắt Bắc – Nam qua khu vực Đèo Cả bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, tại Km 1226+780 khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh bị sụt trượt nặng taluy âm về phía biển, khiến xói đá nền đường, sát vào thanh ray, uy hiếp an toàn chạy tàu, phải phong tỏa để sửa chữa.

Ngày 5/11, Tổng công ty ĐSVN đã quyết định phương án và tập trung nhân lực thi công để trả đường khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh và mục tiêu đưa ra là thông tàu tốc độ 5km/h qua Km 1226+780 trước 12h00 ngày 9/11.

Hiện tại, thời tiết trong khu vực tiếp tục có những diễn biến xấu, bất lợi cho thi công. Địa hình phức tạp khiến việc khắc phục sự cố sụt trượt đường sắt tại khu vực đèo Cả (Phú Yên) vẫn chưa thể được triển khai.

Dự kiến, đường sắt Bắc Nam có thể sẽ phải chờ tới ngày 24/11 mới thông tuyến trở lại.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khánh thành hầm đường bộ Hải Vân 2

Ngày 11/1, tại cửa hầm phía nam địa phận TP Đà Nẵng, nhà đầu tư - Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả thuộc Tập đoàn Đèo Cả phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải, các địa phương Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng tổ chức lễ khánh thành hầm Hải Vân 2.

Khánh thành hầm đường bộ Hải Vân 2
Điều chỉnh giá vé qua trạm thu phí Bắc Hải Vân

Được sự thống nhất của Bộ GTVT, từ 0 giờ 27/9/2019, Công ty CP Phước Tượng- Phú Gia BOT phối hợp cùng Công ty CP Đầu tư Đèo Cả bắt đầu điều chỉnh mức thu phí sử dụng dịch vụ tại Trạm thu phí Bắc Hải Vân (Lăng Cô, Phú Lộc) để hoàn vốn cho công tác sửa chữa hầm Hải Vân 1 sau hơn 10 năm khai thác sử dụng và thanh toán chi phí quản lý vận hành hầm Hải Vân 1.

Điều chỉnh giá vé qua trạm thu phí Bắc Hải Vân

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top