ClockThứ Ba, 29/12/2020 17:58

Đường về còn xa

TTH - Nhà Huyền ở Phú Thanh (Phú Vang). Từ cổng làng Quy Lai rẽ phải một đoạn là tới. Dù vậy, do bạn nhắn không cụ thể địa chỉ khiến chút nữa chúng tôi đã viếng nhầm đám ma khác.

Chị gái kế bạn thấy khách lạ chạy ra đầu cổng đón. Khi nghe chúng tôi nói là bạn của Huyền nước mắt chị rưng rưng. Không nói ra nhưng ai cũng đoán được chị buồn vì em gái không thể về nhìn mặt ba lần cuối, lại không thể chịu tang cha.

“Chị cũng vừa từ Sài Gòn ra mấy ngày trước khi hay tin bệnh ông trở nặng. Cũng may Sài Gòn khống chế dịch tốt, nếu không có khi cũng chịu cảnh như Huyền”, chị thở dài.

Huyền không về chịu tang cha được do bạn đang sống ở Bali (Indonesia). Bây giờ đang dịch COVID-19 nên việc nhập cảnh rất khó khăn. Nếu về được thì cũng mất 14 ngày cách ly. Đó là chưa nói nếu không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì không biết sẽ thế nào. Chị gái đầu của Huyền cũng vậy, chỉ khác là ở Mỹ. “Nhà có 6 chị em, giờ ba mất chỉ có 4 người”, chị gái Huyền lại nước mắt lưng tròng.

Tôi nhìn về phía mẹ Huyền, bà đang nằm trên ghế sô-pha. Bệnh tật triền miên không ngồi được lâu, bà chỉ nằm, chốc chốc lại hướng ra phía cổng khi nghe có tiếng xe trờ tới. Có lẽ bà đang ngóng hai người con gái phương xa dù biết về nước bây giờ là điều không thể.

Dịch COVID-19 khiến mọi thứ đảo lộn, con người thì xa cách, kinh tế thì kiệt quệ. Dù thế thì bằng cách này hay cách khác, kinh tế vẫn có thể phục hồi cho dù mất nhiều thời gian, công sức và tiền của. Riêng với con người, một khi đã chết là vĩnh viễn không bao giờ gặp lại. Có lẽ nỗi đau mất cha với Huyền sẽ còn day dứt mãi khi bạn không thể ở bên cha những ngày cuối đời, dù Huyền đã định về quê khi hay tin ông cụ bị bệnh hồi giữa năm. Thế nhưng, dịch bệnh đã tước đi những cơ hội đó của Huyền. Tôi tin rằng, khi lựa chọn sống ở Bali, bạn không lường trước sẽ có ngày dịch bệnh ngăn cách, chia xa bạn với gia đình như thế. Chỉ năm trước thôi, Huyền đi về giữa Bali và Việt Nam như “đi chợ”. Vậy mà gần một năm nay, bạn dù rất nhớ nhà, nhớ quê, nhớ ba mẹ, nhớ những món ăn Huế nhưng chỉ có thể giải toả nỗi nhớ qua facebook.

Cũng như Huyền, những người quen của tôi có con cái, anh chị em đang du học nước ngoài cũng nóng lòng, sốt ruột mong dịch bệnh chóng qua để có thể về nhà. Chị bạn tôi từng nói, cứ nghĩ khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và châu Âu chỉ vài chuyến bay, vài ngày là tới. Vậy mà đã một năm trôi qua, chị không thể gặp con. Chưa nói những ảnh hưởng của dịch khiến con chị mất việc làm thêm, chị phải gửi tiền sang cho con trang trải cuộc sống, chỉ canh cánh nỗi lo con bị lây bệnh đã khiến chị mất ngủ nhiều đêm liền.

 Nếu về được, chị sẽ tính đường khác, sẽ không cho con tiếp tục du học nữa. Đó có lẽ là cách mà những bà mẹ như chị buộc phải làm để luôn thấy con an toàn bên cạnh mình hơn là xa cách vạn dặm với nơm nớp nỗi lo.

Có lẽ với Huyền, điều mong mỏi duy nhất bây giờ là có thể về nước chịu tang cha. Song cũng như Huyền, và nhiều du học sinh, người Việt khác ở nước ngoài, đường về nhà sẽ còn xa lắm cho đến khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế trên toàn thế giới.

Hồng Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top