Thể thao trong nước

Duy trì, nhân rộng mô hình bóng đá cộng đồng: Phụ huynh chung tay, học sinh thích thú

ClockChủ Nhật, 04/11/2018 11:07
TTH - 15 năm triển khai ở Thừa Thiên Huế, dự án “Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam” (FFAV) đã giúp 19.000 trẻ em nam, nữ có nhiều sân chơi bổ ích cả về thể chất lẫn tinh thần.

Sẽ nhân rộng mô hình bóng đá cộng đồng ở Huế ra nhiều nơi

Tác động tích cực

Thành lập năm 2005, CLB bóng đá cộng đồng Trường THCS Thủy Phù (TX. Hương Thủy) ban đầu gặp không ít khó khăn khi số người tham gia ít. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn, học sinh lẫn phụ huynh dần nhận ra lợi ích của các hoạt động này nên số người đăng ký tham gia CLB tăng lên.

Sân chơi bóng đá cộng đồng luôn đem đến cho trẻ những tác động tích cực và vui vẻ

“Mới đầu tôi nghĩ đá banh, vui chơi đơn thuần nên không để ý lắm. Nhưng sau một lần chứng kiến, thấy các cháu được hoạt động thể thao, được vui đùa, tham gia những trò chơi với nhiều thông điệp bổ ích nên tôi quyết định đăng ký cho con mình tham gia, cũng như rất ủng hộ nhân rộng mô hình này”, anh Huy Vũ, một phụ huynh có con đang học tại trường này chia sẻ.

Không chỉ mỗi bóng đá, từ hỗ trợ của FFAV, các CLB bóng đá cộng đồng còn đem đến sân chơi những tích cực đối với phát triển thể chất, năng khiếu và trí tuệ của trẻ. Thông qua huấn luyện viên (HLV), đoàn viên thanh niên (ĐVTN), tình nguyện viên (TNV), những điệu nhảy dân vũ, hát múa, vẽ tranh, giải câu đố, các trò chơi dân gian được lồng ghép thông điệp về bảo vệ môi trường, vệ sinh thân thể, an toàn giao thông, truyền thông về HIV… đã giúp các em ngày càng có lối sống tích cực hơn. “Mọi khi em ngại tiếp xúc hay đến nơi đông người. Lúc rảnh rỗi em chỉ đọc sách, chơi game. Từ ngày tham gia CLB, ba mẹ khen em dạo này cứng cáp, năng động, tự tin hơn”, Ngọc Hùng – học sinh Trường TH Điền Lộc (Phong Điền) khoe.

Ý nghĩa, lợi ích của mô hình bóng đá cộng đồng đã lan tỏa đến vùng sâu, vùng cao và đến với trẻ khuyết tật. Điển hình là Nam Đông, từ khi “nhìn” thấy được ý nghĩa của sân chơi này, đến nay trên địa bàn huyện đã có 14 CLB bóng đá cộng đồng, trong đó, một số CLB được đánh giá cao, như: TH Hương Phú, TH Hương Hữu, TH Thượng Quảng, TH & THCS Nam Phú… Còn về trẻ khuyết tật, CLB Trung tâm Giáo dục năng khiếu Văn Thể Mỹ (TP. Huế) được đánh giá là điểm sáng trong hoạt động giúp trẻ thiệt thòi tự tin hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa.

Không chỉ lan tỏa trong khối học sinh TH, THCS, mô hình bóng đá cộng đồng đã thôi thúc anh Nguyễn Văn Do (Phú Vang) “ôm” hành trang đến FFAV cũng như một số CLB học hỏi kinh nghiệm, cách thức phối hợp, liên kết, điều hành để triển khai tại quê nhà nhằm tạo sân chơi bổ ích cho thanh thiếu niên địa phương.

Duy trì, nhân rộng

Khi Dự án bóng đá cộng đồng Việt Nam tại Huế công bố kết thúc (27/10), điều phụ huynh và con em họ quan tâm nhất là làm thế nào để duy trì và tiếp tục phát huy những mô hình này trên nền tảng FFAV xây dựng.

Gian hàng bán thức ăn vặt của học sinh THCS Thủy Phù (TX. Hương Thủy)

Cô Lê Ngọc Hân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Đình Túc (TX. Hương Trà) hiến kế: “Cách giải quyết của chúng tôi là mở các lớp tập huấn về HLV kết hợp trọng tài, lãnh đạo đồng đẳng… cho các em trong CLB, sau đó tập làm quen cách thức tổ chức, điều hành thông qua các giải bóng đá ở trường, ngày hội bóng đá vui, các hoạt động kỹ năng sống... Đến nay, các TNV của trường đã thành lập CLB TNV bóng đá Na Uy với gần 30 thành viên và luôn hỗ trợ nhà trường khi có hoạt động dù các em đã là học sinh THPT”.

“Vào đầu năm học 2016-2017, nhà trường đã lồng ghép nội dung này vào hội nghị phụ huynh học sinh để phụ huynh hiểu rõ hơn về lợi ích nếu CLB được duy trì. Nhà trường cũng gửi giấy mời toàn thể phụ huynh đến cổ vũ và trực tiếp tham gia làm trọng tài, HLV, nấu ăn, cùng chơi với trẻ… Sau khi tham gia, họ rất hào hứng cũng như mong muốn được thường xuyên góp mặt trong những hoạt động này. Đó là cách mà chúng tôi duy trì CLB trước khi dự án kết thúc”, Hiệu trưởng Trường TH Điền Lộc (Phong Điền) Hồ Hữu Hùng thông tin. Ngoài đào tạo và kêu gọi cựu học sinh, phụ huynh trở thành TNV, thì kinh phí đóng vai trò rất quan trọng để duy trì, nhân rộng mô hình này.

Hơn 10 năm gắn bó với FFAV, thầy Trần Xuân Lựa – Hiệu trưởng Trường TH số 2 Hương Toàn (TX. Hương Trà) chia sẻ, nếu công khai, minh bạch, chắc chắn không phụ huynh nào từ chối đóng góp để duy trì sân chơi bổ ích cho con em mình. “Ngoài đóng góp của phụ huynh, chúng tôi còn kêu gọi được các doanh nghiệp trên địa bàn chung tay. Đến nay, ở CLB TH số 2 Hương Toàn, quỹ dành cho hoạt động bóng đá cộng đồng khi nào cũng “rủng rỉnh”, thầy Lựa nói thêm.

ThS. Đặng Phước Mỹ, quyền Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo cho biết: “Tùy điều kiện cụ thể, ngành sẽ định hướng cho các đơn vị trực thuộc đưa bóng đá thành môn tự chọn để giảng dạy trong học sinh THCS và lồng ghép hoạt động này trong thể dục, hoạt động ngoại khóa… đối với học sinh tiểu học; sử dụng một phần kinh phí trong nguồn chi sự nghiệp chung để duy trì hoạt động của các CLB…”.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều mô hình hay

Bằng những cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền đã huy động được sự vào cuộc, tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.

Nhiều mô hình hay
“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Giữ gìn hình ảnh du lịch Huế: Mạnh tay nhưng cần sự chung tay

Huế được biết đến với một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại nhiều “con sâu” làm rầu môi trường du lịch. Những vụ việc "chặt chém", "chèo kéo" khách làm du lịch Huế mất điểm trong mắt du khách, dù đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời. Sự kiên quyết, mạnh tay từ chính quyền địa phương và ngành du lịch thôi là chưa đủ, muốn giữ gìn hình ảnh du lịch Huế, rất cần sự chung tay từ các cấp, ngành, người dân.

Giữ gìn hình ảnh du lịch Huế Mạnh tay nhưng cần sự chung tay
Return to top