ClockThứ Tư, 18/04/2018 11:45

Duy trì sĩ số các lớp ôn thi ở vùng cao

TTH - Năm nay, các trường trung học phổ thông (THPT) tại huyện Nam Đông và A Lưới tổ chức hoạt động ôn luyện sớm để giúp học sinh chuẩn bị kỳ thi THPT Quốc gia. Các đơn vị cũng đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo sĩ số.

Điểm nổi bật, đáng lưu ý của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018Đỗ tốt nghiệp trên 90%: Nên bỏ kỳ thi THPT Quốc gia?Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017: Đổi mới tuyển sinh đã đi đúng hướngNhìn lại kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Vẫn mong không còn áp lựcKỳ thi THPT Quốc gia năm 2017: Thấp thỏm chờ đề thi thử nghiệm

Cô Phạm Thị Suốt, giáo viên Trường THPT Hương Giang hướng dẫn học sinh phương pháp ôn tập môn Địa lý

Tập trung ôn luyện

Ngay từ tháng 10/2017, Trường THPT Hương Giang (huyện Nam Đông) đã tổ chức ôn luyện thi THPT Quốc gia năm 2018 cho học sinh lớp 12. Ông Phạm Văn Tiển, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, công tác ôn luyện các môn thi bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) được tổ chức chung ở các lớp; riêng tổ hợp các môn tự chọn (khoa học xã hội, khoa học tự nhiên), nhà trường phân chia thành các lớp cùng môn và bố trí giáo viên dạy trái buổi. Việc ôn luyện được tổ chức nhiều giai đoạn, dạy từ kiến thức cơ bản đến phương pháp làm bài và thi thử. Ngoài kiến thức lớp 12, nhà trường cũng ôn kỹ kiến thức lớp 11 để đáp ứng phạm vi ra đề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định. “Hiện, trường có 75 học sinh lớp 12. Ban giám hiệu phân công 6 giáo viên dạy 3 môn bắt buộc; môn giáo dục công dân cũng có 2 giáo viên. Các môn còn lại mỗi môn một giáo viên”, ông Tiển nói.

Khác với các trường vùng đồng bằng, các trường vùng cao có số lượng học sinh đăng ký xét tuyển ĐH khá thấp, chủ yếu là đăng ký lấy kết quả thi THPT Quốc gia để công nhận xét tốt nghiệp. Theo khảo sát của Trường THPT Hương Giang, tỷ lệ học sinh đăng ký xét tuyển ĐH năm nay khoảng 20%, con số này ở Trường THCS và THPT Hồng Vân (huyện A Lưới) dưới 20%; Trường THPT A Lưới là khoảng hơn 40%. Bà Đàm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT A Lưới chia sẻ, nhà trường đưa ra phương án ôn thi khác nhau để đáp ứng nguyện vọng của học sinh. Ở nhóm chỉ xét tốt nghiệp, đa phần thí sinh chọn tổ hợp các môn xã hội (lịch sử, địa lý và giáo dục công dân) nên giáo viên chú trọng hơn vào các môn này. Với các học sinh đăng ký xét tuyển ĐH, nhà trường có hình thức ôn luyện và đề phù hợp, lưu ý các kiến thức nâng cao hơn. Giáo viên xây dựng hệ thống đề từ sớm, bám sát dạng đề thi THPT Quốc gia để giúp học sinh ôn luyện”, bà Hoa nói.

Đến giữa tháng 4/2018, hầu hết các trường THPT ở hai huyện Nam Đông và A Lưới đã tổ chức các đợt thi thử, với việc chuẩn bị nội dung đề thi khá kỹ. Bà Trịnh Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Hồng Vân cho biết, hình thức tổ chức thi thử được triển khai giống với kỳ thi THPT Quốc gia về hình thức và đề thi để học sinh nắm không khí, qua đó hướng dẫn thêm cho các em.

Trần Thị Bảo Uyên, học sinh lớp 12B1, Trường THPT Hương Giang chia sẻ, ngoài việc dạy và tổ chức thi thử trên lớp, các thầy cô cũng hướng dẫn cách để học sinh tự học ở nhà và sẵn sàng trao đổi khi học sinh cần. Kiến thức các thầy cô ôn luyện và hướng dẫn rất kỹ, sát với cơ cấu đề thi của Bộ GD &ĐT.

Đảm bảo sĩ số

Vấn đề đáng lo nhất ở các trường THPT vùng cao là đảm bảo sĩ số. Ông Tiển chia sẻ, các lớp ôn luyện được tổ chức ngoài các buổi chính khóa, khó có cơ chế ràng buộc học sinh nên tỷ lệ vắng hằng năm luôn cao. Năm nay, các lớp ôn luyện môn khó đối với học sinh vùng cao (toán, ngoại ngữ) có ngày vắng đến 50%. “Học sinh học yếu môn toán và ngoại ngữ nên chán nản, lấy lý do bận hoặc đi làm, trong khi phụ huynh thiếu sự quan tâm nên rất khó”, ông Tiển nói.

Để hạn chế tình trạng học sinh vắng mặt trong buổi ôn luyện và duy trì sĩ số tốt, các trường đưa ra nhiều giải pháp, trong đó chủ yếu là giao giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn giám sát sĩ số, phối hợp với phụ huynh để quản lý học sinh tốt hơn. Theo ông Nguyễn Thái Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đông, ngoài công tác vận động, nhà trường đưa ra các hình thức khuyến khích cộng điểm kiểm tra miệng và nhắc nhở học sinh sẽ xét hạnh kiểm trong việc đảm bảo tính chuyên cần. “Trong trường hợp học sinh vắng hai buổi, giáo viên chủ nhiệm sẽ liên lạc qua điện thoại hoặc trực tiếp về nhà trao đổi với phụ huynh và vận động học sinh đi học”, ông Huy nói thêm.

 Ở trên lớp, giáo viên tạo ra không khí ôn luyện vui vẻ để học sinh hứng thú. Cô Phạm Thị Suốt, giáo viên môn địa lý, Trường THPT Hương Giang tâm sự, dạy kiến thức cơ bản, ra bài kiểm tra và dạy kỹ năng được tổ chức đan xen để không gây áp lực cho học sinh, mọi trao đổi đều rất thoải mái để hạn chế không khí căng thẳng.

Theo lãnh đạo các trường THPT ở hai huyện Nam Đông và A Lưới, thời gian tới, việc tổ chức ôn luyện cho học sinh nhằm chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia sẽ còn sâu và kỹ hơn, đồng thời có nhiều đợt thi thử nên việc duy trì sĩ số rất quan trọng. Các trường sẽ nghiên cứu thêm nhiều giải pháp, trong đó có việc phân chia thời gian ôn luyện hợp lý, nắm bắt tâm lý học sinh… nhằm hạn chế tình trạng học sinh nghỉ học trong các buổi ôn luyện.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm giải pháp để sân khấu Việt 'cất cánh'

Nếu như năm 2022, sân khấu Việt có sự tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ cả về lượng và chất, sang năm 2023, sân khấu Việt lại có phần ảm đạm. Đâu là lý do của tình trạng này và làm thế nào để sân khấu Việt "cất cánh" trong những năm tiếp theo là một “bài toán khó” mà những người yêu sân khấu đang nỗ lực tìm lời giải.

Tìm giải pháp để sân khấu Việt cất cánh
Đề xuất giải pháp hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội

Tại hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra ngày 16/3, Bộ Xây dựng đã kiến nghị nhiều giải pháp để đảm bảo mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.

Đề xuất giải pháp hoàn thành 130 000 căn nhà ở xã hội
Return to top