ClockThứ Năm, 12/08/2010 12:33

Duyên nợ với một loài hoa

TTH - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bích tên thật là Trần Văn Bích. Ông sinh năm 1946 tại Nha Trang. Định cư tại thành phố Hồ Chí Minh, ông được nhiều người biết đến với vai trò một doanh nhân thành đạt. Năm 2002, ông chính thức đến với thế giới nhiếp ảnh. Hơn 6 năm cầm máy, đi, tìm và chụp rất nhiều cảnh đẹp của cuộc sống, chưa bao giờ ông bằng lòng hay tâm đắc với những tác phẩm của mình.


Tháng 3 năm ngoái, trong một cuộc kỳ ngộ với sen, ông nhận ra, sen chính là nỗi ám ảnh của đời mình. Say mê chụp sen, ông như thể đã bị hút hồn vào đó, quên đi cuộc sống thường nhật với bao bộn bề lo toan. Ở tuổi lục tuần, phải chống chọi với biết bao căn bệnh tuổi già, vậy mà ông vẫn tổ chức những chuyến đi bất ngờ từ Sài Gòn ra Quảng Ngãi, Bình Định chỉ để chụp ảnh sen. Những vùng đất của sen như: Củ Chi, Phan Thiết, Nha Trang... cũng in hằn dấu chân ông.

Trong hàng ngàn câu chuyện về sen, ông vẫn nhớ lần đầu tiên bén duyên cùng sen: “Hôm đó đi chụp ảnh ở La Gi (Bình Thuận), tôi tình cờ phát hiện một hồ sen. Hồ này người ta không hái sen để bán, sen ở đây đầy vẻ hoang sơ, tự nhiên. Khi một mình bước xuống hồ, tôi bỗng thấy sen ở đây sống với nhau như một quần thể. Có những bông sen tươi non mơn mởn, nhưng cũng có cái tàn tạ, héo úa. Tôi chợt nghĩ về lẽ sinh lão bệnh tử của kiếp người. Tôi nhìn sen như nhìn một con người. Trong tác phẩm của tôi có cuống sen, lá sen gục xuống cũng có nụ sen, búp sen vươn lên. Tôi hy vọng mọi người có cùng cảm xúc như tôi khi xem những bức ảnh này”.


Nhắc tới sen, dường như, ai cũng yêu sen bởi dáng vẻ mong manh và thuần khiết. Thế nhưng, Trần Bích lại yêu sen bằng cái nhìn nhân bản của đời người. Qua hình ảnh sen của Trần Bích, qui luật sinh - diệt của cuộc sống không còn nghiệt ngã mà trở nên tươi đẹp, cao quí. Chính sen đã thôi thúc ông cho ra đời cuộc triển lãm “Đời Sen” tại café Molinari (số 5 Lê Duẩn, thành phố Hồ Chí Minh) vào tháng 10 năm ngoái và giữ lại cho đời tuyển tập ảnh nghệ thuật “Đời Sen” lấp lánh nhân văn.
Ngay buổi đấu giá khai mạc triển lãm “Đời Sen”, 2 bức ảnh của ông được đấu giá lên đến 170 triệu đồng. Hơn 40 bức ảnh khác, mỗi bức trị giá 2 triệu đồng, cũng được bán hết chỉ sau 2 ngày triển lãm. Đây có thể nói là một sự kiện chưa hề có trong đời sống nhiếp ảnh. Đáng trân trọng hơn, ông đã dành toàn bộ số tiền bán ảnh đó cho mục đích từ thiện.

Từ cuộc triển lãm này, nhiều người biết đến Trần Bích với vai trò một nghệ sĩ nhiếp ảnh mà tên tuổi gắn liền với hình ảnh những đóa sen đầy tâm trạng. Ít ai biết rằng, để có những bức ảnh đẹp đó, ông đã phải trải qua bao nhọc nhằn, vất vả. Hoa sen thường mọc trong những hồ đầy bùn nên muốn có những bức ảnh đẹp ông phải sục xuống hồ, nằm lên cả bùn để chụp. Gai sen sắc nên mỗi khi chụp ảnh xong, tay chân ông đầy những vết xước đau nhói. Sau này, ông khắc phục bằng cách, mỗi lần sục xuống hồ ông “bảo hộ” đôi chân bằng vớ dài của... phụ nữ. Đối phó với bùn sình, mỗi lần đi chụp sen, Trần Bích chở theo 3 thùng nước, mỗi thùng 30 lít, tổng cộng là 90 lít để tắm táp. Gai sen sắc, nước bùn hôi tanh... đều không cản được Trần Bích đam mê xuống hồ chụp sen. Niềm đam mê của ông truyền sang cả những thành viên trong gia đình. Chính họ đã khuyến khích người nhiếp ảnh không một danh hiệu lận lưng này mạnh dạn đứng ra tổ chức triển lãm.
Festival Huế 2010, triển lãm “Duyên sen” của Trần Bích tại Khách sạn Century đã níu giữ biết bao bước chân du khách. Triển lãm này được ông mở ra với mục đích từ thiện. Trong 45 tác phẩm, có 5 tác phẩm được đấu giá và tặng, 40 tác phẩm còn lại được chuyển giao cho Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế  bán lấy tiền hoạt động từ thiện. Đời sen vô thường và bộ sưu tập “Duyên Sen” đã có một đời sống mới với chốn thiền môn thanh tịnh.
Nói về kế hoạch sắp tới, ông cho biết, từ ngày 25-8-2010 đến 5-9-2010, ông sẽ tổ chức triển lãm ảnh mang tên “Sen Việt” (hay Đời Sen II) với 65 bức ảnh tại số 93 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Từ ngày 1-10-2010 đến 10-10-2010, triển lãm sẽ tiếp tục ra mắt ở Mỹ Đình (Hà Nội). Triển lãm lần này với chủ đích mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và mang đến cho người xem đất kinh kỳ vẻ đẹp đích thực và riêng biệt của hoa sen, loài hoa được nhiều người xem như “quốc hoa”. Sau triển lãm, ông sẽ kết hợp với Hội nữ doanh nhân Hà Nội tổ chức bán đấu giá làm từ thiện. Đó chính là nguyện vọng cao cả nhất của người doanh nhân có “hoa sen nở trong lòng” này.
Lý Hạnh
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top